"Nhân nghĩa đất phương Nam" là cuộc thi thơ rất đặc biệt của Hội Nhà văn TP.HCM, bởi trong đó, có nhiều bài thơ được gửi đến từ những y bác sĩ, quân nhân đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch và cả những bệnh nhân COVID-19 vừa thoát khỏi bàn tay tử thần.

Nhân nghĩa đất phương Nam: Những điều vượt lên trên một cuộc thi thơ

Tiểu Vũ (thực hiện) | 31/10/2021, 14:35

"Nhân nghĩa đất phương Nam" là cuộc thi thơ rất đặc biệt của Hội Nhà văn TP.HCM, bởi trong đó, có nhiều bài thơ được gửi đến từ những y bác sĩ, quân nhân đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch và cả những bệnh nhân COVID-19 vừa thoát khỏi bàn tay tử thần.

Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP.HCM phát động (từ 2.8 – 15.9.2021) đã khép lại với nhiều giải thưởng được trao cho các cây bút thuộc nhiều thế hệ trên mọi miền đất nước.

Giải nhất được trao cho tác giả Tự Hàn với ba bài thơ Tưởng niệm, Có thể, Hẹn con sinh nhật mùa sau. Hai giải nhì thuộc về tác giả Yên Khang với tác phẩm Hãy nhẹ tay thôi, Viết cho đêm không ngủ và cây bút Nguyễn Thanh Hải với bài thơ Đau mấy chỗ rách mái nhà. Ba giải ba được trao ch các nhà thơ Lữ Mai với Trong chuỗi ngày Sài Gòn, Đỗ Thượng Thế với tác phẩm Tiếng saxophone đêm tháng Bảy, Trần Ngọc Mai với Chốt gác, Đôi mắt.

Các tác giả Nguyễn Thị Tuyết Loan, Vũ Thanh Hoa, Hương Thu, Diễm Thuyên, Phạm Tuấn giành giải tư. Ngoài ra, BTC đã trao giải B cho các tác giả Thanh Hoàng, Hồ Đắc Thiếu Anh, Hương Giang, Lan Hương, Vũ Việt Thắng.

Lễ trao giải thưởng cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 18.11.2021 tại Hội Nhà văn - 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM.

Nhân sự kiện này, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - Trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam đã chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về cuộc thi thơ này.

img_1050.jpg
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - Trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam" - Ảnh: Tiểu Vũ

- PV: Thưa bà, vì sao Hội Nhà văn TP.HCM lại chọn thời điểm TP.HCM đang gánh chịu những tổn thất nặng nề về vật chất lẫn tinh thần do đại dịch COVID-19 gây ra để tổ chức cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam"?

- Nhà văn Bích Ngân: Trong tâm dịch và trong đau thương trùm xuống thành phố, là người cầm bút có lẽ không ai là không day dứt giày vò trước trang viết của mình.

Với văn chương, thơ là thể loại với thế mạnh trực diện của cảm xúc, là ưu tư giằng xé từ trái tim nên dễ đến được với cảm xúc, đến được với trái tim. Trong bài thơ Một siêu linh tôi viết: 270 gram/ những lồng ngực có cùng tần số/ những đôi mắt có cùng nguồn sáng/ những nhịp tim không đập cho riêng mình/ không sự phong tỏa nào khiến họ cách ly. Và, 270 gram/ một siêu linh có trăm ngàn đôi mắt. Phải, trái tim,“một siêu linh có trăm ngàn đôi mắt”, đó cũng là lý do mà Hội Nhà văn TP.HCM, dù sống trong tâm dịch, đang cùng cả thành phố chống chọi với dịch bệnh với bao bất trắc, khốn khó, mất mát, đau thương, đã mở cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam.

hoi-nha-van-1-5558.png
Ban giám khảo cuộc thi (từ trái qua): Nhà thơ Lê Minh Quốc (Trưởng ban) cùng các thành viên: nhà thơ Trương Nam Hương, nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ảnh: BTC

- Vì sao BTC không chọn một cái tên mang tính “văn chương” mà lại chọn tên cuộc thi thơ là Nhân nghĩa đất phương Nam?

- Để chọn tên cho cuộc thi thơ mà lần đầu tiên Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, do thực hiện giãn cách y tế, Ban chấp hành Hội không thể tổ chức buổi họp bàn bạc trực tiếp mà tổ chức cuộc họp online. Sau nhiều tranh luận, chúng tôi chọn tên Nhân nghĩa đất phương Nam.

Chúng tôi chọn cụm từ “đất phương Nam” bởi, Sài Gòn xưa và TP.HCM nay là đô thị lớn nhất phương Nam, kể từ 323 năm qua. Nói đến phương Nam người ta nghĩa ngay đến Sài Gòn xưa và TP.HCM nay. Và không chỉ có vậy, đất phương Nam còn là cả vùng đất phương Nam, ranh giới địa lý được mở rộng và độ phủ sóng về tinh thần, tinh cảm cũng không bị giới hạn.

nha-van-2-497.png
Tác giả Tự Hàn với ba bài thơ Tưởng niệm, Có thể, Hẹn con sinh nhật mùa sau đoạt giải nhất trị giá 10 triệu đồng - Ảnh: BTC

- Còn về cụm từ “Nhân nghĩa” trong giới hạn một cuộc thi thơ nó mang ý nghĩa thông điệp gì?

- Theo tôiNhân nghĩa”, không chỉ là lòng yêu thương, là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và giữa con người với công đồng. Nhân nghĩa còn hiện thân truyền thống, là vẻ đẹp cao cả mà còn là biểu tượng của sức mạnh ý chí, tâm hồn. Nhân nghĩa, còn bao hàm cả dũng khí và nghĩa khí. Đất phương Nam không thể thiếu hào sảng, bao dung, nhường nhịn, chở che… Nhân nghĩa còn là giá trị cao quý “uống nước nhớ nguồn”, biết ghi ơn và tri ơn, thứ giá trị bất biến trong dòng đời vạn biến.

nha-van-3-3015.png
Yên Khang (trái) với hai tác phẩm Hãy nhẹ tay thôi, Viết cho đêm không ngủ và Nguyễn Thanh Hải: Đau mấy chỗ rách mái nhà, đồng hạng nhì - Ảnh: BTC

Nhân nghĩa, còn là yếu tố quyết định để “an dân” mà Ức Trai đã tiếp nối truyền thống ngàn đời trong hành trình dựng nước và giữ nước của nhân loại. Nhân nghĩa vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để đạt được mục tiêu an dân. Và “an dân” trong mọi biến thiên thời cuộc và lòng người, luôn là một đòi hỏi sống còn.

- Bà đánh giá thế nào về chất lượng của cuộc thi thơ lần này?

Như bất kỳ cuộc thi văn chương nào, Ban tổ chức Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam cũng có quy định giới hạn về số lượng, dung lượng bài dự thi, giới hạn về đề tài, về thời gian… nhưng “nhân nghĩa” ở đây theo tôi là về giá trị đã vượt qua mọi giới hạn.

Về chất lượng cuộc thi thơ, phải để Ban chung khảo đánh giá trong buổi tổng kết và trao giải. Tuy nhiên, là trưởng ban tổ chức cuộc thi nên tôi thường xuyên theo dõi tiến độ cuộc thi cũng như đọc hàng trăm bài thơ đã qua vòng sơ khảo và được đăng trang trọng trên website “Văn chương thành phố Hồ Chí Minh”, diễn đàn của Hội Nhà văn TP.HCM, tôi nhận thấy, những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả là những bài thơ được viết bằng cả trái tim đối với những đau thương mất mát mà con người gánh chịu trong đại dịch, cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn mà không chỉ là riêng người của đất phương Nam mới có được.

nha-van-4-9530.png
Từ trái qua phải: Lữ Mai với Trong chuỗi ngày Sài Gòn, Tiếng saxophone đêm tháng Bảy, Đỗ Thượng Thế: Má ơi, Trần Ngọc Mai: Chốt gác, Đôi mắt nhận giải ba - Ảnh: BTC

Chúng tôi phát động cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam từ đầu tháng 8 và kết thúc giữa tháng 9.2021 trong quá trình “bình thường mới”. Trong 45 ngày, Ban tổ chức đã nhận hơn 1.500 bài thơ của hơn 600 tác giả dự thi và hưởng ứng cuộc thi. Đây là một con số ấn tượng đối với cuộc thi ngắn ngày lại được tổ chức trong thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội. Nhiều bài thơ được gửi đến từ những y bác sĩ, quân nhân đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch. Những bài thơ được viết từ những bệnh nhân COVID-19 vừa thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhiều tác giả tên tuổi. Một số tác giả sinh sống ở nước ngoài. Nhiều, rất nhiều tác giả người làm việc ở nhiều ngành nghề từ Lũng Cú cho tới mũi Cà Mau…

nha-van-5-5979.png
Các tác giải đồng giải tư (từ trái qua): Nguyễn Thị Tuyết Loan, Diễm Thuyên, Vũ Thanh Hoa và Hương Thu - Ảnh: BTC

Và, có lẽ vượt qua cả kỳ vọng của Ban tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” diễn ra trong bối cảnh đặc biệt trong tâm dịch, đúng như một nhà phê bình văn học đã nhận xét, “Thật sự là cuộc thi thơ mang dấu mốc lịch sử, đã kịp thời chia sẻ nỗi đau thương...”

nha-van-6-6935.png
Các tác giả nhận Tặng thưởng (từ trái qua): Thanh Hoàng, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh, Hương Giang, Lan Hương, Vũ Việt Thắng.

- Ở góc độ cá nhân, bà có thể cho biết cảm của xúc của mình khi tiếp cận những bài thơ của nhiều thế hệ cầm bút gửi về?

- Khi đọc những bài thơ đầy ắp chất nhân văn ở cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam, tôi càng thấm thía điều này: Dửng dưng thờ ơ với con người, với cuộc sống thì sẽ chỉ hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và đang nỗ lực kiên cường để vượt qua nỗi đau mà đại dịch đang gây ra.

Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút. Và, khi đủ phẩm hạnh dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và chia sẻ nỗi đau đó, đối với người cầm bút, còn là mệnh lệnh từ “một siêu linh”nơi lồng ngực.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Bài liên quan
Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình
Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân nghĩa đất phương Nam: Những điều vượt lên trên một cuộc thi thơ