Hầu hết nhân viên công nghệ nước ngoài ở Mỹ bị mất việc làm không thể ngồi lại và thư giãn. Họ chỉ có 60 ngày để tìm công ty mới bảo lãnh trước khi thị thực hết hạn.

Nhân viên công nghệ Trung Quốc có visa ở Mỹ lo sợ vì tình trạng sa thải hàng loạt

Sơn Vân | 24/01/2023, 11:35

Hầu hết nhân viên công nghệ nước ngoài ở Mỹ bị mất việc làm không thể ngồi lại và thư giãn. Họ chỉ có 60 ngày để tìm công ty mới bảo lãnh trước khi thị thực hết hạn.

Ngày 9.11.2022 sẽ chỉ là một ngày làm việc bình thường khác tại Meta Platforms với Wang nếu Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg không đưa ra thông báo gây chấn động.

Trong bức thư dài 1.182 từ, Mark Zuckerberg tiết lộ rằng công ty có trụ sở tại thành phố Menlo Park, California, Mỹ đã cắt giảm 11.000 nhân viên, khoảng 13% lực lượng lao động hỗ trợ mạng truyền thông xã hội lớn nhất hành tinh.

Mark Zuckerberg viết: “Tôi muốn chịu trách nhiệm về những quyết định này và cách chúng tôi đến được đây. Tôi biết điều này gây khó khăn cho tất cả mọi người và tôi đặc biệt xin lỗi những người bị ảnh hưởng”.

Wang, công dân Trung Quốc chỉ đồng ý tiết lộ họ của mình, nằm trong số những người ngạc nhiên khi bị ông chủ Meta Platforms sa thải vào ngày mùa thu trong lành đó.

Trong vòng vài giờ sau khi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng, quyền truy cập vào các hệ thống và máy chủ nội bộ của Wang đã bị cắt, khiến anh hầu như không có đủ thời gian để bàn giao nhiệm vụ cho người khác. Tuy nhiên, tài khoản email của Wang vẫn hoạt động ở thời gian còn lại trong ngày đó, giúp anh có thời gian để chia tay các đồng nghiệp may mắn hơn thoát khỏi một trong những đợt sa thải lớn nhất thung lũng Silicon vào năm 2022.

Tôi không mong đợi điều đó xảy ra với mình vì đang tham gia một dự án ưu tiên hàng đầu. Mark Zuckerberg thậm chí đã trình bày công việc của chúng tôi tại Meta Connect vào tháng 10.2022”, Wang nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ), đề cập đến Meta Connect - sự kiện thực tế ảo hàng năm nơi Mark Zuckerberg ra mắt hình đại diện toàn thân vào năm ngoái.

nhan-vien-cong-nghe-trung-quoc-co-visa-o-my-lo-so-vi-tinh-trang-sa-thai-hang-loat1.jpg
Mark Zuckerberg phát biểu trong sự kiện ảo Facebook Connect, nơi công ty thông báo đổi thương hiệu Facebook thành Meta, vào tháng 10.2021 - Ảnh: Bloomberg

Wang vẫn có tên trong bảng lương của Meta Platforms cho đến giữa tháng 1.2023, mang lại cho anh 8 tuần lương tăng thêm - khoản tiền mà anh thừa nhận là “hào phóng” vì mới làm nhân viên chính thức chưa đầy một năm.

Ở thung lũng Silicon, nền tảng giao đồ ăn DoorDash đã sa thải 1.250 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động của mình, vào ngày 30.11.2022. Việc cắt giảm đột ngột đến mức một số nhân viên chỉ biết qua mạng xã hội rằng tài khoản công ty và quyền truy cập hệ thống của họ bị chấm dứt.

Mọi chuyện diễn ra quá nhanh và tôi đã không kịp nói lời tạm biệt với các đồng nghiệp của mình. Một số người trong số họ bày tỏ lo ngại sau khi chúng tôi kết nối lại trên LinkedIn”, theo cựu nhà khoa học dữ liệu của DoorDash, chỉ tiết lộ họ của cô là Li.

Dù nhận được gói trợ cấp thôi việc bao gồm 17 tuần lương cộng thêm quyền mua cổ phiếu, Li đã nhanh chóng bắt đầu tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm công việc mới có thể khó khăn khi nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ cắt giảm biên chế, góp phần làm tăng nguồn cung nhân tài. Dù có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, Li vẫn chưa nhận được phản hồi sau khi gửi một số đơn xin việc.

nhan-vien-cong-nghe-trung-quoc-co-visa-o-my-lo-so-vi-tinh-trang-sa-thai-hang-loat2.jpg
Một túi giao hàng DoorDash được nhìn thấy ở Brooklyn, thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters

Làm việc gần 7 năm trong ngành công nghệ, Wang cho biết anh đã ứng tuyển vào hơn 20 công ty nhưng vẫn chưa nhận được lời mời nào. “Tôi phải đối mặt với thực tế rằng có thể kiếm được một công việc lương thấp hơn, hoặc tham gia vào một công ty khởi nghiệp không ổn định hoặc hào phóng”, Wang nói.

Một số đồng nghiệp người Mỹ của anh dường như không lo lắng như vậy. Wang cho biết một người khác là công dân Mỹ bị sa thải khỏi đội của anh tại Meta Platforms, đã lên kế hoạch nghỉ ngơi qua kỳ nghỉ lễ, trong khi suy tính bước tiếp theo.

Hầu hết nhân viên công nghệ nước ngoài bị mất việc làm không thể ngồi lại và thư giãn. Nhiều người đang ở Mỹ theo thị thực (visa) làm việc tạm thời H-1B, phải được chủ lao động Mỹ bảo lãnh. Khi mất việc, người lao động chỉ có 60 ngày để tìm người bảo lãnh khác trước khi thị thực hết hạn.

Trường hợp của Wang khác thường ở chỗ anh có thể dựa vào vợ mình, cũng là một công dân Trung Quốc làm việc theo diện H-1B, cho phép anh ở lại Mỹ sau thời gian ân hạn bằng cách xin thị thực cho vợ/chồng. Li, người đã có quốc tịch Mỹ, cũng có thể ở lại.

Thế nhưng, trong số hàng chục ngàn công dân Trung Quốc khác ở thung lũng Silicon, nhiều người có thể thấy giấc mơ Mỹ của họ tan thành mây khói khi tình trạng sa thải lan rộng khắp ngành công nghệ.

Trong số 407.000 đơn H-1B được phê duyệt từ tháng 10.2020 đến tháng 9.2021, các ứng viên Trung Quốc chiếm 12,4%, tương đương khoảng 50.500 người - nhóm quốc tịch lớn thứ hai sau người Ấn Độ (chiếm 74,1%), theo dữ liệu từ Cơ quan Di trú và Nhập tịch của Mỹ.

Việc cắt giảm việc làm quy mô lớn tại Meta Platforms và Twitter (sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên sau khi Elon Musk tiếp quản công ty) ảnh hưởng đến khoảng 350 người nắm giữ H-1B, trang Bloomberg đưa tin vào tháng 12.2022. Trên toàn cầu, hơn 152.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải vào năm ngoái, trong đó có hơn 51.000 người vào tháng 11.2022, theo Layoffs.fyi (website theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm tại các hãng công nghệ).

Trên 1Point3Acres.com, cộng đồng trực tuyến phổ biến dành cho sinh viên quốc tế Trung Quốc và các chuyên gia đang làm việc ở Bắc Mỹ, #USLayoffs đã trở thành một chủ đề thịnh hành trong nhiều tuần. Nhiều bài viết dưới chủ đề đó liên quan đến các vấn đề về thị thực.

Nếu còn độc thân, bạn có thể thử chuyển sang thị thực du lịch B-2 để ở lại lâu hơn hoặc phải rời Mỹ và quay lại với một lời mời làm việc. Nếu bạn đã lập gia đình thì sẽ dễ dàng hơn nhiều”, một người dùng bình luận, đưa ra lời khuyên cho người khác vừa mới nghỉ việc ở công ty vận tải tự lái TuSimple.

Lĩnh vực công nghệ phải chống chọi với sự suy thoái đột ngột vào nửa cuối năm ngoái sau khi sự bùng nổ kỹ thuật số do đại dịch gây ra đã nhường chỗ cho lạm phát gia tăng và lãi suất tăng. Chỉ số tổng hợp của thị trường chứng khoán Nasdaq nặng về công nghệ giảm hơn 30% vào năm 2022.

Ngày 18.1, Microsoft thông báo sẽ sa thải 10.000 nhân viên. Amazon đã bắt đầu cắt giảm hơn 18.000 người trên toàn cầu. Salesforce (công ty phần mềm dựa trên đám mây của Mỹ) cho biết đang sa thải 10% lực lượng lao động. Hôm 20.1, Alphabet, công ty mẹ của Google, thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên toàn cầu, tương đương 6% lực lượng lao động.

nhan-vien-cong-nghe-trung-quoc-co-visa-o-my-lo-so-vi-tinh-trang-sa-thai-hang-loat33.jpg
Một người đi ngang qua bảng chỉ dẫn của Microsoft tại trụ sở chính công ty ở thành phố Redmond, bang Washington, Mỹ - Ảnh: Reuters

Những người chưa mất việc đang bắt đầu lo lắng về tương lai của họ. Jerry Zheng, nhân viên của Amazon, đến từ miền nam Trung Quốc, nói rằng khi thị trường việc làm khởi sắc, anh “có thể cân nhắc nhảy việc”. “Song khi môi trường vĩ mô xấu đi, tôi chỉ tập trung làm tốt công việc của mình vì quá nhiều người đang tìm việc”, Jerry Zheng thổ lộ.

Một nhân viên Meta Platforms hiện tại, họ Shen, cho biết cô rất đau khổ trước làn sóng sa thải trong ngành. “Tất nhiên là tôi buồn, thậm chí có thể buồn hơn vì được ở lại… Nhiều đồng nghiệp vẫn đang làm việc khi biết tin họ bị sa thải”, Shen nói.

Dù vậy, công việc tại một hãng công nghệ Mỹ vẫn là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của nhiều người nhập cư Trung Quốc. Trên diễn đàn 1Point3Acres.com, hai trong số các chủ đề thịnh hành nhất là #IsItTooLateToLearnCoding (Có quá muộn để học lập trình?) và #HowArtandBizMajorsBecomeProgrammers (Làm thế nào để người làm chuyên ngành nghệ thuật và kinh doanh trở thành lập trình viên?).

Một số người dùng đã tìm kiếm lời khuyên về việc tìm công việc công nghệ với nền tảng học thuật về tài chính, văn học, giáo dục và các lĩnh vực phi khoa học máy tính khác.

Zheng của Amazon là một trong những người đã đi theo con đường gián tiếp đến thung lũng Silicon. Trước khi đến Mỹ, anh muốn vào học viện ở Trung Quốc. Kế hoạch đó sụp đổ khi Zheng nhận ra mình không mấy hứng thú với sinh học - môn anh chọn. Tiếp đến, Zheng bay đến Mỹ, hoàn thành nghiên cứu sau đại học, tìm được công việc kỹ sư phần mềm và cuối cùng lập gia đình ở đó.

Wang, cựu nhân viên Meta Platforms, cho biết anh chưa bao giờ nghĩ đến việc quay trở lại Trung Quốc vì nhà ở đắt tiền và lịch làm việc 996 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) mệt mỏi được các hãng công nghệ trong nước áp dụng rộng rãi. Thêm vào đó, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với tình trạng mất việc làm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Hãng smartphone Xiaomi gần đây đã bắt đầu sa thải nhân viên ở nhiều bộ phận, điều này sẽ ảnh hưởng đến 10% lực lượng lao động. Trang web video Bilibili và dịch vụ tiểu blog Weibo đã sa thải hàng trăm nhân viên. ByteDance (chủ sở hữu TikTok) cũng cắt giảm hàng trăm vị trí trên nhiều bộ phận vào cuối năm 2022 như một phần trong nỗ lực hợp lý hóa hoạt động của công ty, theo hai người quen thuộc với vấn đề này.

Động thái đó đã ảnh hưởng đến các nhân viên tại Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc với 600 triệu người dùng hàng ngày) cũng như các hoạt động kinh doanh game và bất động sản của ByteDance.

Việc cắt giảm việc làm chỉ đại diện cho tỷ lệ nhỏ lực lượng lao động của ByteDance, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc và có hơn 100.000 nhân viên trên toàn thế giới. Vì ByteDance thuộc sở hữu tư nhân nên không bắt buộc phải tiết lộ công khai thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình.

Việc cắt giảm việc làm thường được thực hiện dưới danh nghĩa tối ưu hóa kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và các nhà tuyển dụng sa thải người làm việc kém hiệu quả là thông lệ phổ biến. Những gã khổng lồ internet khác của Trung Quốc, gồm cả Alibaba và Tencent, đã sa thải hàng ngàn nhân viên vào năm 2022.

Hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc) đưa tin Feishu (còn được gọi là Lark) của ByteDance là một trong những bộ phận bị cắt giảm việc làm nhiều nhất, ảnh hưởng đến khoảng 10% nhân viên.

Lark là bộ ứng dụng văn phòng tích hợp tính năng nhắn tin, quản lý lịch biểu, tài liệu cộng tác, hội nghị truyền hình và nhiều ứng dụng khác trong một nền tảng duy nhất. Một trong những nguồn tin cho biết những người bị sa thải sẽ được bồi thường dựa trên số năm phục vụ, cộng với một tháng lương.

Song song đó, ByteDance vẫn đang tiếp tục tuyển dụng số lượng lớn. Trang web của ByteDance có danh sách khoảng 10.000 việc làm, từ kỹ thuật đến tiếp thị, tại các thành phố trên toàn thế giới, bao gồm cả Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), London (thủ đô Anh) và Mountain View (bang California, Mỹ).

Việc sa thải diễn ra sau khi Giám đốc điều hành ByteDance - Liang Rubo nói với các nhân viên vào cuối tháng 12.2022 rằng công ty cần “lấy lại vóc dáng và tăng cường cơ bắp”. Đây là một cụm từ mà Liang Rubo đã sử dụng nhiều lần trong năm qua để hợp lý hóa các hoạt động.

Liang Rubo từng đứng đầu bộ phận nhân sự trước khi tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành ByteDance từ người sáng lập Zhang Yiming vào năm 2021.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty gần 10 năm tuổi cắt giảm việc làm. ByteDance đã sa thải hàng ngàn người trong năm 2021 sau lệnh cấm dạy thêm của Trung Quốc và vào năm 2022 cắt giảm hàng trăm việc làm khỏi các hoạt động video game của mình ở thành phố Thượng Hải, Hàng Châu.

Bài liên quan
Sau Twitter, Meta và Microsoft rút khỏi nhiều văn phòng khi sa thải nhân viên quy mô lớn
Trong dấu hiệu thay đổi mới nhất ở lĩnh vực công nghệ, Meta Platforms và Microsoft đang cho thuê hoặc ngừng thuê các văn phòng ở Seattle và Bellevue, hai thành phố thuộc bang Washington (Mỹ).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
37 phút trước Theo dòng thời sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên công nghệ Trung Quốc có visa ở Mỹ lo sợ vì tình trạng sa thải hàng loạt