Nhập khẩu các mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm mạnh cả khối lượng và giá trị vào năm 2023, dù các chất bán dẫn vẫn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này trước cả dầu thô, theo dữ liệu hải quan vừa được công bố.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 479,5 tỉ đơn vị IC trị giá 349,4 tỉ USD, giảm 10,8 % theo khối lượng và giảm 15,4 % giá trị so với 2022, theo dữ liệu hải quan chính thức. Để so sánh, Trung Quốc đã chi 337,5 tỉ USD để nhập khẩu dầu thô vào năm 2023, giảm 7,7 %, trang SCMP đưa tin.
Việc giảm mạnh nhập khẩu IC và thiết bị bán dẫn phản ánh tình trạng khó khăn về kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023, đặc biệt là do doanh số bán hàng smartphone và laptop thấp. Dữ liệu này cũng bị ảnh hưởng bởi nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc vào chip nhập khẩu.
Do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cứng rắn từ Mỹ, Trung Quốc không thể trực tiếp mua chip tiên tiến, chẳng hạn bộ xử lý đồ họa (GPU) H100 và A100 được thiết kế bởi Nvidia (hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới). Tuy nhiên, Trung Quốc đang đạt được tiến bộ vững chắc về tăng cường sản xuất chip kế thừa, gồm cả chip được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia đình, để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu điốt và các linh kiện bán dẫn tương tự, đại diện cho chip hàng hóa thông thường, của Trung Quốc giảm 23,8% về số lượng trong năm 2023.
Mỹ đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc vào tháng 10.2022, gây ra sự gián đoạn rộng rãi cho công cụ bán dẫn toàn cầu và các công ty không có nhà máy sản xuất chip trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến Trung Quốc. Tháng 10.2023, Mỹ đã thắt chặt thêm “thòng lọng”, cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các chip AI mà Nvidia từng tạo ra cho quốc gia châu Á.
Trong nỗ lực do chính phủ hậu thuẫn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip nội địa vững chắc hơn, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng cường năng lực tại địa phương và hợp tác với nhau. Những nỗ lực này cũng góp phần vào sự sụt giảm nhập khẩu chip, do Trung Quốc tăng cường năng lực sản xuất chip phổ biến trong nước.
Trung Quốc hiện có 44 nhà máy sản xuất chip bán dẫn hoạt động và 22 nhà máy khác đang được xây dựng, công ty nghiên Trendforce cho biết gần đây. Đến cuối năm 2024, khả năng sản xuất chip công nghệ trưởng thành (được định nghĩa là 28 naomet trở lên) sẽ được mở rộng tại 32 nhà máy chip của Trung Quốc.
Sự mở rộng ồ ạt này gây lo ngại cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vì dự kiến đến năm 2027, thị phần sản xuất chip trưởng thành của Trung Quốc trên toàn cầu sẽ tăng từ 31% lên 39%, và có thể tăng cao hơn nữa nếu việc mua sắm thiết bị diễn ra suôn sẻ, TrendForce lưu ý.
Chip trưởng thành là những chip được sản xuất trên các quy trình công nghệ đã được phát triển và hoàn thiện trong nhiều năm. Quy trình này thường sử dụng các công nghệ sản xuất đã được chứng minh và ổn định, cho phép tạo ra chip với chi phí thấp và chất lượng cao.
Chip trưởng thành thường được sử dụng trong các ứng dụng phổ biến, chẳng hạn như smartphone, máy tính, thiết bị gia dụng và ô tô. Các ứng dụng này không yêu cầu hiệu suất hoặc tính năng cao nhất, vì vậy chip trưởng thành là lựa chọn phù hợp về mặt chi phí và hiệu suất.
Các ví dụ về chip trưởng thành bao gồm:
Chip xử lý trung tâm (CPU) cho smartphone và máy tính xách tay.
Chip đồ họa (GPU) cho máy tính chơi game và thiết bị di động.
Chip cảm biến hình ảnh (CIS) cho camera.
Chip vi điều khiển (MCU) cho thiết bị gia dụng và ô tô.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ Mỹ, chip trưởng thành là lĩnh vực mà Trung Quốc có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, Samsung và TSMC. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình và chip trưởng thành là một trong những lĩnh vực mà nước này đạt được những tiến bộ đáng kể.
Theo các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ), Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ được sử dụng để đào tạo ChatGPT và các chatbot AI tương tự, cùng các hệ thống AI tạo sinh (generative AI) bất chấp những hạn chế mà Mỹ áp đặt với khả năng tiếp cận chip tiên tiến.
Generative AI là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về generative AI là mô hình ngôn ngữ lớn GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó. Generative AI có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
“Trung Quốc dự kiến sẽ làm việc trong những hạn chế đó và cố gắng đạt được tiến bộ bằng cách khai thác các chương trình tăng tốc AI trong nước và tiết kiệm hơn trong việc sử dụng tài nguyên điện toán", Nicolas Gaudois, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ châu Á - Thái Bình Dương tại UBS, cho biết trong một hội thảo trực tuyến do ngân hàng này tổ chức.
Nicolas Gaudois nói các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ đã chặn quyền tiếp cận của Trung Quốc vào chip Nvidia tiên tiến được sử dụng cho các dự án AI, nhưng ông chỉ ra rằng không nên đánh giá thấp khả năng của quốc gia châu Á này trong việc khắc phục những trở ngại đó.
Quan điểm của các nhà phân tích UBS phản ánh cách ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vượt qua việc leo thang các lệnh trừng phạt công nghệ từ chính quyền Biden vào năm 2023, vốn hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến và chip hàng đầu cho các dự án AI.
Lĩnh vực công nghệ Trung Quốc phần nào đã vượt qua được sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái, khi Huawei bất ngờ quay trở lại thị trường smartphone 5G với các mẫu máy được trang bị chipset Kirin 9000s tiên tiến do SMIC sản xuất. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.
Điều này cho thấy nỗ lực lớn của Huawei, công ty bị Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại hồi năm 2019, trong việc xây dựng hoạt động của mình sau nhiều năm vật lộn do các biện pháp trừng phạt.
Ngoài bước đột phá đó, các nhà phân tích từ UBS khẳng định lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc đã phát triển tốt ở một số phân khúc không bị Mỹ trừng phạt, cho thấy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ vài năm qua.
Randy Abrams, Giám đốc nghiên cứu tại UBS, cho biết: “Các biện pháp từ Mỹ rất hạn chế với các quy trình sản xuất chip trưởng thành”. Ông chỉ ra rằng doanh số bán các chip trưởng thành này của Trung Quốc không bị ảnh hưởng.
“Chúng ta đã thấy Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn để đầu tư vào những lĩnh vực đó. Chúng ta sẽ thấy thị trường tăng trưởng ổn định trong các ứng dụng liên quan chip trưởng thành, chẳng hạn cảm biến hình ảnh camera, vi điều khiển, chip analog và các thiết bị bán dẫn rời rạc cho ô tô điện. Trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn, các nhà cung cấp địa phương đã xây dựng được thị phần của họ từ mức rất thấp chỉ một chữ số lên mức trung bình đến mức cao. Lợi nhuận của họ đến từ việc cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc, vì họ đã bổ sung thêm năng lực quy trình trưởng thành”, Randy Abrams nhận định.
Ông nói các nhà cung cấp thiết bị tạo chip nội địa đã chứng kiến thị phần của họ tăng lên khoảng 20% nhờ nhu cầu từ các cơ sở sản xuất chip của Trung Quốc. “Vì vậy, nếu chúng ta bỏ qua các quy trình sản xuất chip rất tiên tiến thì thực sự có nhiều cơ hội đầu tư”, Randy Abrams nhấn mạnh.
Theo Randy Abrams, nhu cầu chip toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu tăng trở lại, ngay khi áp lực hàng tồn kho giảm bớt và việc mua sắm tại các xưởng đúc bán dẫn được cải thiện.