“Liên minh châu Âu (EU) không xứng tầm Champions League về an ninh kinh tế, thậm chí còn chật vật để vượt qua cấp độ Europa League".
Đó là đánh giá tiêu cực từ Wouter Baljon, chuyên gia vận động hành lang hàng đầu của ASML ở EU. Ông đã sử dụng phép so sánh với hai giải bóng đá để công kích những nỗ lực của EU nhằm giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc.
ASML (Hà Lan) hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Champions League và Europa League lần lượt là giải đấu bóng đá hàng đầu và hạng hai châu Âu.
“Nếu nghĩ đến Champions League về an ninh kinh tế và chiến lược kinh tế vĩ mô, chúng ta phải nhắc đến đến Mỹ, Trung Quốc và cả Nhật Bản. Nếu bạn nghĩ về Europa League, chúng ta sẽ thấy có Hàn Quốc, Đài Loan hay châu Âu, cụ thể là EU như một tập thể. Rõ ràng EU khao khát được góp mặt ở Champions League, nhưng về lĩnh vực công nghệ cao, họ lại chật vật đạt đến trình độ của Europa League", Wouter Baljon phát biểu tại một sự kiện ở Brussels (thủ đô Bỉ) hôm 11.1.2024, ám chỉ tính cạnh tranh kém của EU.
ASML là công ty hàng đầu thế giới về thiết bị sản xuất chip cần thiết để tạo ra chất bán dẫn tiên tiến và được coi là viên ngọc quý trong lĩnh vực công nghệ của châu Âu.
Công ty Hà Lan đã bị cuốn vào vòng xoáy cuộc chiến công nghệ khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. ASML bị buộc phải ngừng bán một số máy in thạch bản độ chính xác cao cho Trung Quốc theo lệnh của chính quyền Biden.
Wouter Baljon nói chính sách của Mỹ “hoàn toàn nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc đạt được tiến bộ công nghiệp”, đồng thời cho biết thêm rằng EU đang sống ở "thế giới ảo tưởng" nếu nghĩ khác.
"Chúng ta chưa thừa nhận rằng kiểm soát xuất khẩu đã trở thành một công cụ chính sách công nghiệp. Chúng ta vẫn sống trong một thế giới ảo tưởng rằng nó chỉ liên quan đến hàng hóa có công dụng kép, kết hợp giữa quân sự và dân sự”, ông bình luận.
Wouter Baljon đưa ra bình luận của mình tại Brussels trong một sự kiện do Trung tâm Chính sách châu Âu tổ chức về khả năng của EU trong việc hoạt động như một siêu cường an ninh kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu ngành công nghiệp EU - Thierry Breton đã mô tả châu Âu là “khối thứ ba” trong một thế giới đa cực.
Thierry Breton cho biết tại sự kiện: “Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy châu Âu như khối thứ ba, một lực lượng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta sẽ vẫn là một lục địa rộng mở, nhưng theo các điều kiện của mình, chúng ta sẽ quyết đoán hơn bao giờ hết”.
Tuy nhiên, đại diện của ASML tỏ ra kém tự tin hơn khi cho rằng Ủy ban châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc xác định chiến lược an ninh kinh tế nếu không có sự ủng hộ của các quốc gia thành viên hùng mạnh, vốn đã phản đối chính sách này.
Wouter Baljon cho hay: “Sự khiêm tốn nhất định chắc chắn có thể giúp EU hoạt động như một tập thể, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Thật không may, chúng ta không phải là người chiếm ưu thế. Với tư cách là EU 27, chúng ta là một kẻ thách thức và cần các công cụ cũng như cách tiếp cận để phản ánh điều này. Chúng ta có thể nói về 'ủy ban địa chính trị', nhưng tại thời điểm này, tôi nghĩ nó chỉ mang tính địa chính trị trong phạm vi mà trục Pháp - Đức cho phép và bạn cũng không có đủ nhân lực để thực sự tham gia Champions League".
EU sẽ đưa ra một “sáng kiến” về sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài và đề xuất kiểm soát xuất khẩu với bốn công nghệ quan trọng, gồm cả vi mạch, vào ngày 24.1.2024. Những sáng kiến này là một phần của gói công cụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Nhận xét của Wouter Baljon nằm trong số hàng loạt ý kiến được đưa ra tại sự kiện này khi các doanh nghiệp lên tiếng phản đối kế hoạch của EU.
Malte Lohan, Tổng giám đốc của Orgalim, hiệp hội thương mại đại diện cho các ngành công nghệ châu Âu, nói các công ty trong lĩnh vực của ông đang phải đối mặt với “cơn sóng thần về quy định”.
Malte Lohan cho biết: “Bạn không thể chỉ đơn giản là ban hành quy định để đảm bảo an ninh kinh tế từ vài tòa nhà văn phòng ở Brussels (nơi đặt trụ sở chính của các cơ quan châu Âu)”. Ông nói thêm rằng rất lo lắng về việc "chuyển hướng chưa từng có sang sự can thiệp của chính phủ vào chuỗi cung ứng của chúng ta".
“Nếu bạn xem xét bất kỳ công cụ nào một cách riêng biệt, tất nhiên luôn có lý do rất chính đáng cho nó… Tôi nghĩ chúng ta cần chấp nhận rằng đây là một mô hình hoàn toàn mới về cách chuỗi cung ứng được điều chỉnh thông qua sự can thiệp của khu vực công", Malte Lohan nhận xét.
Luisa Santos, Phó tổng giám đốc BusinessEurope (nhóm vận động hành lang khác), nói EU đang gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh của mình bằng cách đặt mối lo ngại về an ninh lên trước tăng trưởng kinh tế. Theo bà, cuộc chiến ở Ukraine đã “tạo ra sự đồng thuận mới trong cộng đồng doanh nghiệp” về các vấn đề an ninh mà châu Âu phải đối mặt.
“Thế nhưng, chúng ta cũng không nên lạm dụng nó, bởi chúng ta có những vấn đề khác cần giải quyết và chưa giải quyết được, gồm cả khả năng cạnh tranh của chúng ta… Những gì chúng ta đã thấy vài năm gần đây là so với các đối tác khác về tính cạnh tranh tổng thể... Chúng ta (châu Âu) không hề ở trong tình trạng tốt đẹp như vậy”, Luisa Santos nhận định.
Hôm 1.1.2024, ASML cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số thiết bị của họ sang Trung Quốc.
ASML thông báo: “Giấy phép vận chuyển hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i vào năm 2023 gần đây đã bị chính phủ Hà Lan thu hồi một phần, ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Quốc”.
Hệ thống NXT:2050i và NXT:2100i bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi giấy phép có giá hàng chục triệu euro mỗi máy. Khách hàng Trung Quốc của ASML đã được thông báo không nên mong đợi nhận được giấy phép cho các hệ thống này kể từ ngày 1.1.2024.
ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử. ASML độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp những máy quang khắc cực tím sâu (DUV) cần thiết để tạo ra chất bán dẫn hoàn thiện hơn.
Khi được hỏi về động thái của chính phủ Hà Lan, ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hà Lan "vô tư, tôn trọng các nguyên tắc thị trường và luật pháp, thực hiện các hành động thiết thực để bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước và các công ty của họ cũng như duy trì sự ổn định cho chuỗi cung ứng quốc tế".
Khách hàng của ASML tại Trung Quốc có SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và những công ty khác như Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture, United Nova Technology.
Không rõ có bao nhiêu máy sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Hà Lan thu hồi giấy phép, dù ASML cho biết việc thay đổi sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của hãng năm 2023.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ASML trong quý 3/2023, chiếm 46% doanh thu của công ty.
ASML đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 6,7 tỉ - 7,1 tỉ euro (7,39 tỉ - 7,83 tỉ USD) trong quý 4/2023, trong đó khách hàng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa doanh thu của hãng trong nửa cuối năm.
Những cỗ máy tinh vi nhất của ASML là EUV đã bị Mỹ hạn chế xuất khẩu từ lâu và chưa bao giờ được chuyển đến Trung Quốc.
Các lệnh cấm xuất khẩu mới của Mỹ vào tháng 10.2023 đã ngăn ASML bán các thiết bị sản xuất chip cũ hơn là DUV sang Trung Quốc.