Trung Quốc đang đặt cược rằng kiến trúc thiết kế chip nguồn mở có thể giúp nước này đạt được khả năng tự cung tự cấp về chất bán dẫn, khi Mỹ thắt chặt các hạn chế với việc xuất khẩu thiết bị và công nghệ chip tiên tiến cho các thực thể nước này.

Trung Quốc đặt cược vào chip RISC-V để thoát các hạn chế xuất khẩu công nghệ từ Mỹ

Sơn Vân | 03/12/2022, 11:53

Trung Quốc đang đặt cược rằng kiến trúc thiết kế chip nguồn mở có thể giúp nước này đạt được khả năng tự cung tự cấp về chất bán dẫn, khi Mỹ thắt chặt các hạn chế với việc xuất khẩu thiết bị và công nghệ chip tiên tiến cho các thực thể nước này.

Tại một sự kiện của ngành tuần này, 11 công ty bán dẫn Trung Quốc đã tiết lộ chip mới nhất của họ dựa trên kiến trúc RISC-V. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang tăng tốc nỗ lực tránh xa các tiêu chuẩn thiết kế chip phổ biến do các công ty phương Tây kiểm soát.

Các chip RISC-V mới đại diện cho thiết kế vi mạch tích hợp (IC) cấp độ tiên tiến của Trung Quốc, theo China RISC-V Industry Consortium. Đó là một nhóm gồm các công ty khởi nghiệp RISC-V địa phương và VeriSilicon Holdings, nhà thầu thiết kế IC có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

RISC-V, thế hệ thứ 5 của máy tính dùng tập lệnh rút gọn do Đại học California - Berkeley (Mỹ) tạo ra vào năm 2010, là mã nguồn mở, nghĩa là mã nguồn được cung cấp miễn phí công khai.

Mặt khác, X86 – kiến trúc thiết kế chip thống trị cho máy tính để bàn và máy tính xách tay – được phát triển bởi tập đoàn công nghệ khổng lồ Intel (Mỹ). Trong khi kiến trúc thiết kế đằng sau hầu hết chip smartphone trên thế giới lại do công ty Arm (Anh) kiểm soát.

Khi Trung Quốc chuyển sang giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, Thượng Hải đã trở thành nơi đầu tiên trong nước bắt đầu phát triển RISC-V. Như một phần của gói lớn hơn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip, Thượng Hải vào tháng 7.2018 đã đưa ra các ưu đãi tài chính cụ thể để khuyến khích các công ty phát triển bộ xử lý RISC-V và các lõi sở hữu trí tuệ (IP) liên quan.

Các chip mới được công bố gần đây bao gồm nhiều ứng dụng khác nhau, từ máy tính cá nhân (PC), ô tô đến liên lạc không dây và quản lý năng lượng, với một số công ty tuyên bố đã đạt được những bước đột phá công nghệ quan trọng.

Thành lập tại Thượng Hải vào năm 2018 dưới sự hợp tác với SiFive (công ty RISC-V hàng đầu thế giới), StarFive cho biết CPU RISC-V mới của họ được thiết kế để “so sánh trực tiếp” với Cortex-A76 của Arm, ra mắt vào năm 2018.

StarFive cho biết sản phẩm mới của họ được sản xuất với các nút quy trình 12 nanomet và nhằm mục đích trở thành chip RISC-V đầu tiên trên thế giới tương thích với “các ứng dụng máy tính xách tay và máy tính mini chính thống”.

Artosyn, được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2011, đã mô tả chip giao tiếp AR8030 mới nhất của mình là chip hệ thống không dây toàn băng tần 150M-7GHz đầu tiên trên thế giới. Nó dựa trên lõi CPU RISC-V được phát triển bởi T-Head, đơn vị bán dẫn nội bộ của Alibaba Group Holding.

Timesintelli Technology, công ty thiết kế chip khác có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết một số bộ xử lý RISC-V của họ có thể cạnh tranh với Cortex M và Cortex R của Arm.

trung-quoc-dat-cuoc-vao-cac-chip-risc-v-de-thoat-xieng-xich-han-che-xuat-khau-cong-nghe-tu-my.jpg
Trung Quốc hy vọng một kiến trúc thiết kế chip thay thế có thể giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào chip dựa trên thiết kế của Intel và Arm - Ảnh: Shutterstock

Theo lãnh đạo của các công ty, nhiều loại chip này dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới.

Wayne Dai, người sáng lập và Chủ tịch VeriSilicon Holdings, nói việc chuyển từ giai đoạn nghiên cứu & phát triển sang sản xuất hàng loạt và vận chuyển sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng.

Wayne Dai cho biết hầu hết trong số 10 chip RISC-V được giới thiệu tại diễn đàn năm ngoái đã được sản xuất hàng loạt, với số lượng xuất xưởng tích lũy vượt quá 10 triệu chiếc.

Trong khi RISC-V mang đến cơ hội cho Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thiết kế CPU, quốc gia này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào lõi IP do các công ty Mỹ và Anh phát triển.

Các ứng dụng cho RISC-V trong tương lai gần sẽ chủ yếu là trong các thiết bị gia dụng thông minh, thiết bị đeo được, camera giám sát, thiết bị điện tử ô tô và robot công nghiệp, những thứ đang có nhu cầu rất lớn ở Trung Quốc.

Cứu tinh cho ngành công nghiệp chip Trung Quốc đối phó đòn thù từ Mỹ

Ngành công nghiệp bán dẫn bị Mỹ trừng phạt của Trung Quốc đang sẵn sàng nhận sự hỗ trợ cần thiết thông qua nguồn vốn huy động từ các niêm yết công khai mới và các quỹ tương hỗ.

Động thái này diễn ra khi Trung Quốc tăng gấp đôi khả năng tự cung cấp chip trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các hạn chế thương mại.

Đơn đăng ký IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) từ 9 công ty trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn Trung Quốc, bao gồm 6 công ty thiết kế mạch tích hợp (IC), một công ty đóng gói chip, một xưởng đúc đĩa bán dẫn (wafer) và một nhà cung cấp vật liệu đóng gói, đã được phê duyệt trong tháng này, theo hồ sơ giao dịch chứng khoán trong nước.

Các đợt IPO này dự kiến ​​sẽ huy động được tổng cộng 21,6 tỉ nhân dân tệ (3 tỉ USD) từ các nhà đầu tư.

Xưởng đúc bán dẫn hiện được niêm yết tại Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing Electronics Corp, công ty liên kết với nhà sản xuất chip tiên tiến và lớn nhất Trung Quốc - Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC). Chỉ có 7 vụ IPO liên quan đến chip được thông qua trong cùng tháng vào năm ngoái.

Các phê duyệt IPO mới nhất trở nên nóng bỏng sau khi Hua Hong Semiconductor, nhà sản xuất chip lớn thứ hai Trung Quốc, niêm yết 2,5 tỉ USD trên Star Market (sàn giao dịch Khoa học - Công nghệ đổi mới ở Thượng Hải).

Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), nói: “Các hoạt động IPO này diễn ra đều đặn liên quan đến quy mô thương vụ trong vài quý qua và nhiều hơn nữa đang được triển khai. Nhiều đợt IPO sẽ cho phép các nhà sản xuất chip Trung Quốc dễ dàng tiếp cận vốn và triển khai nhiều nguồn lực hơn cho nghiên cứu và phát triển”.

Gary Ng chỉ ra rằng nghiên cứu và phát triển trong ngành này sẽ liên quan đến “một quá trình phức tạp và kéo dài, nhưng điều quan trọng là phải chống lại các hạn chế của Mỹ”.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, 46 công ty bán dẫn liên quan đến thiết kế, chế tạo, linh kiện và vật liệu đã niêm yết trên Star Market, so với 19 công ty cùng kỳ năm trước, theo theo dịch vụ dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc - Qichacha.

Các công ty quản lý quỹ Trung Quốc cũng đang huy động thêm vốn, đã tung ra nhiều quỹ liên quan đến chất bán dẫn để chuyển tiền của các nhà đầu tư bán lẻ vào cổ phiếu chip.

ICBC Credit Suisse Asset Management (liên doanh giữa Ngân hàng Công thương Trung Quốc với ngân hàng đầu tư Credit Suisse 166 tuổi của Thụy Sĩ) tuần trước đã ra mắt một quỹ mới được chuẩn hóa trên chỉ số chứng khoán chip Trung Quốc.

Tất cả những dòng vốn đầu tư mới phản ánh cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đối phó với các hạn chế thương mại mới nhất từ Mỹ và việc chính quyền Biden tăng cường giám sát các công ty tạo thành một phần trong chuỗi cung ứng chip của quốc gia này.

Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, vào ngày 7.10 đã triển khai các bản cập nhật nhằm hạn chế hơn nữa khả năng Trung Quốc có được chip điện toán tiên tiến, phát triển và bảo trì siêu máy tính cũng như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng trong các ứng dụng quân sự, bao gồm cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ngoài ra, 31 hãng công nghệ Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu và các thực thể liên quan đã bị thêm vào danh sách chưa được xác minh của Mỹ. Các bên có quyền lợi chưa được BIS xác minh sẽ bị thêm vào danh sách này, không đủ điều kiện để nhận các mặt hàng tuân theo quy định quản lý xuất khẩu của chính phủ Mỹ.

Việc đó theo sau chỉ thị của Mỹ vào tháng 9 cấm Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng ở Trung Quốc. Vào tháng 8, chính quyền Biden đã ban hành đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) để tăng cường khả năng sản xuất chip của Mỹ.

Kể từ lệnh cấm chip từ Mỹ, thị trường vốn thứ cấp của Trung Quốc cho các công ty bán dẫn đã được thúc đẩy bởi lòng yêu nước và sự hỗ trợ tiềm năng của chính phủ thay vì chu kỳ công nghệ ngắn hạn”, Gary Ng cho biết.

Ông nêu ví dụ, cổ phiếu của SMIC (niêm yết kép) đã giảm 0,9% ở Hồng Kông nhưng lại tăng 8% tại Thượng Hải kể từ đầu tháng 10.

Chỉ số chip của Star Market, bao gồm 50 công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, đã giảm 27% so với năm ngoái tính đến ngày 24.11, theo dữ liệu từ Chỉ số Chứng khoán Trung Quốc do nhà nước điều hành.

Do các hạn chế thương mại của Mỹ, loạt công ty bán dẫn mới nhất của Trung Quốc ra công chúng hầu hết đều tham gia vào các công nghệ vi mạch trưởng thành.

Ví dụ, công ty New Vision Microelectronics (có trụ sở tại Thượng Hải) chế tạo chip hiển thị và cảm biến bằng quy trình sản xuất 110 nanomet. Các sản phẩm của XTX Technology (nhà thiết kế chip nhớ flash có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) được sản xuất trên quy trình 65 nanomet và 55 nanomet.

Nhiều công ty chip trong số này được niêm yết cũng tập trung vào thị trường nội địa. Với các thành viên sáng lập đến từ nhà sản xuất vi mạch Texas Instruments (Mỹ), Shanghai Southchip Semiconductor Technology Co có khách hàng là Xiaomi Corp và Lenovo.

Bài liên quan
Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản dần bỏ xa Trung Quốc về chip tiên tiến
Khoảng cách công nghệ chip giữa phương Tây với Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới rộng khi Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản thúc đẩy các dự án tiên tiến hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đặt cược vào chip RISC-V để thoát các hạn chế xuất khẩu công nghệ từ Mỹ