Nhật Bản có thể nỗ lực bồi đắp các mối quan hệ chiến lược khác song song với củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Còn Hàn Quốc đang đứng trước cơ hội hàn gắn quan hệ song phương bị tổn hại.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cuối tuần trước rất nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông tỏ ý muốn tăng cường quan hệ đồng minh và cùng đảm bảo an ninh, thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhưng nỗi lo về nguy cơ Mỹ dần “hướng nội” trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh kinh tế lẫn quân sự vẫn chưa thể tan biến. Dù hoan nghênh cam kết khôi phục mối quan hệ với hàng loạt tổ chức quốc tế cũng như với đồng minh mà tân Tổng thống đưa ra, Takeshi Niinami - cố vấn kinh tế của Thủ tướng Suga - lại nhận định ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ sẽ ngày một phai nhạt vì ông Biden bận rộn hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong nước, do đó Nhật cần nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ khác.
“Chúng ta phải hợp tác hơn nữa với các nước ASEAN và Ấn Độ. Song song đó phải khám phá khả năng tăng hợp tác với Mỹ ở lĩnh vực an ninh”, cố vấn Niinami trả lời phỏng vấn của hãng Reuters.
Sau lúc ông Biden giành chiến thắng, cố vấn Niinami nhắc lại quan điểm trên. Cố vấn chính sách đối ngoại Kunihiko Miyake cũng nghĩ rằng xu hướng Mỹ “hướng nội” là không thể tránh khỏi”.
Theo cố vấn Miyake: “Chúng ta cần nhiều quốc gia có cùng chí hướng hơn, không chỉ Mỹ mà cả những láng giềng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Trên thực tế, Nhật đã bắt đầu mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược: cùng Mỹ, Úc, Ấn lập nên “Bộ tứ kim cương” (Quad) đối phó Trung Quốc, Thủ tướng Suga ngay sau khi nhậm chức lập tức công du Indonesia và Việt Nam.
Với Trung Quốc, Nhật có thể sẽ tiếp tục giữa cân bằng giữa đối đầu (an ninh) với hợp tác (kinh tế).
Ông Biden đắc cử là tin vui với Hàn Quốc
Hy vọng giải quyết tranh chấp về chi phí quân sự đã được thắp lên.
Giới chức Seoul không mong tân Tổng thống Mỹ hoàn toàn bỏ đi yêu cầu phía Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn để giữ 28.500 quân Mỹ ở lại, nhưng ông Biden từng hứa không sử dụng hiện diện quân sự “uy hiếp” đồng minh. Một số nguồn tin quan chức tiết lộ chính quyền Washington mới sẽ đồng ý đề xuất trước đó: Hàn Quốc chỉ cần trả thêm khoảng 1 tỷ USD (tương đương 13%) mỗi năm – mức mà đương kim lãnh đạo Donald Trump không chấp nhận.
Đầu năm 2019, hai nước ký thỏa thuận theo đó giới chức Seoul chỉ trả thêm 8,2%. Thỏa thuận sắp hết hạn mà Mỹ - Hàn chưa thể phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán.