Liên minh bán dẫn Fab 4 gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc (do Mỹ dẫn đầu) đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Liên minh chip Mỹ, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc lần đầu tổ chức họp các quan chức cấp cao

Sơn Vân | 26/02/2023, 00:04

Liên minh bán dẫn Fab 4 gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc (do Mỹ dẫn đầu) đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết thông tin này hôm 25.2.

Vào tháng 9.2022, Mỹ đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc, thường được gọi là Fab 4 hoặc Chip 4, để thảo luận về cách củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn, sau cuộc khủng hoảng chip toàn cầu do đại dịch gây ra.

Fab là một cụm từ viết tắt trong ngành để chỉ nhà máy sản xuất chip. Chip được sử dụng trong mọi thứ từ tủ lạnh, smartphone đến máy bay chiến đấu.

Sự thiếu hụt chất bán dẫn buộc một số nhà sản xuất ô tô phải ngừng sản xuất, khiến Đài Loan (trung tâm sản xuất chip thế giới) trở thành tâm điểm chú ý và việc quản lý chuỗi cung ứng trở thành ưu tiên lớn hơn của các chính phủ trên thế giới.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết: "Nhóm làm việc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn Mỹ-Đông Á (hay Fab 4) sau nhiều tháng phối hợp đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao từ nhóm hôm 16.2.

Trọng tâm các cuộc thảo luận của bộ tứ tham gia tại cuộc họp chủ yếu là về cách duy trì khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và khám phá các hướng hợp tác có thể có trong tương lai của tất cả các bên.

Là một thành viên quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi cũng đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời có quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng với các nước trong khu vực". 

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan không nêu chi tiết các quan chức nào tham gia cuộc họp.

lien-minh-chip-my-dai-loan-nhat-han-quoc-lan-dau-hop-cac-quan-chuc-cap-cap.jpg
Các chip bán dẫn được nhìn thấy trên một bảng mạch in trong ảnh minh họa 

Nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn nói rằng đảo này cam kết đảm bảo các đối tác của mình có nguồn cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy, mà bà gọi là "chip dân chủ", đồng thời kêu gọi các đồng minh tăng cường hợp tác trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Các thành viên của nhóm có TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan), Samsung Electronics và SK Hynix (hai gã khổng lồ chip nhớ Hàn Quốc), các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu bán dẫn chính của Nhật Bản.

Đầu tháng 1, các nhà làm luật Đài Loan thông qua đạo luật với loạt quy định mới cho phép các công ty chip nội địa chuyển 25% chi phí nghiên cứu & phát triển (R&D) hàng năm của mình thành tín dụng thuế. Đây là một phần trong nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ bán dẫn, giữ công nghệ tiên tiến ở lại. Đạo luật có hiệu lực ngay từ năm 2023.

Công ty chip tại Đài Loan có thể dùng 5% số tín dụng thuế nêu trên mua sắm thiết bị mới dùng cho công nghệ tiên tiến, tuy nhiên tín dụng thuế không được vượt quá 50% tổng số thuế thu nhập hàng năm.

Mua sắm thiết bị là khoản chi phí lớn nhất trong thiết lập một xưởng chip. Theo Bloomberg, chỉ riêng máy in thạch bản cực tím (EUV) do công ty ASML (Hà Lan) độc quyền sản xuất đã có giá gần 200 triệu USD.

Tờ Bloomberg dẫn lời Cơ quan kinh tế Đài Loan: “Trong bối cảnh Mỹ, Nhật, Hàn và Liên minh châu Âu (EU) đều đưa ra ưu đãi lớn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, Đài Loan nên tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành chip. Loạt quy định mới sẽ giúp khuyến khích công ty Đài Loan tiếp tục gắn bó với quê hương hơn”.

Vài năm gần đây, chính quyền nhiều quốc gia tung ra ưu đãi cho hoạt động sản xuất chip ngay tại nước họ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung sản phẩm bán dẫn tiên tiến từ Đài Loan, tránh nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong tương lai.

TSMC cố gắng xoa dịu lo ngại bằng cách xây thêm cơ sở sản xuất ở Mỹ và Nhật Bản, sắp tới có thể ở Đức.

Trước rủi ro TSMC đem theo công nghệ tiên tiến nhất ra đi cùng nỗi lo mất “lá chắn silicon”, Đài Loan nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu với các biện pháp như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và động thái mới nhất chính là thông qua đạo luật chip.

"Sản lượng chip của Đài Loan sẽ tăng vào 2023 dù xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc chậm lại"

Xu hướng ô tô mới trên toàn thế giới sẽ đảm bảo rằng sản lượng nhà máy và việc tuyển dụng cho lĩnh vực chip khổng lồ của Đài Loan sẽ tăng trong năm 2023, theo dự báo từ hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn.

Terry Tsao, Chủ tịch SEMI Taiwan, cho biết nhu cầu về nhân tài công nghệ sẽ tăng trong năm nay vì các nhà cung cấp chip lớn của Đài Loan sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

SEMI Taiwan là tổ chức chuyên về công nghệ và ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan. Tổ chức này cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, chương trình đào tạo và các sự kiện hội thảo cho các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn, gồm cả sản xuất, thiết kế và nghiên cứu phát triển. Nhiệm vụ của SEMI Taiwan là hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan và toàn cầu.

Kỳ vọng chip ô tô năm 2023 tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ngành bán dẫn.

Sự bất ổn trong chuỗi cung ứng sản xuất và tắc nghẽn vận chuyển do thiếu hụt nguồn cung dần giảm bớt trong năm 2022 và dự kiến sẽ phục hồi bình thường vào 2023”, Terry Tsao nói với trang SCMP, đề cập đến sự gián đoạn do các biện pháp kiểm soát đại dịch gây ra.

Nhu cầu về chip ô tô sẽ tiếp tục tăng với sự ra đời của ô tô điện và hệ thống hỗ trợ người lái. Hơn nữa, nguồn cung chip ô tô tiếp tục được cải thiện và dần đáp ứng nhu cầu thị trường. Dự kiến, chip ô tô vào năm 2023 sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn”, ông cho hay.

Có 2.500 thành viên và gồm cả tổ chức ở Đài Loan, nhóm SEMI toàn cầu cho biết vào tháng 12.2022 rằng các nhà sản xuất trên toàn thế giới sẽ đầu tư hơn 500 tỉ USD vào 84 cơ sở sản xuất chip.

Nhóm này nói việc xây dựng 28 cơ sở sẽ bắt đầu trong năm 2023 do nhu cầu ngày càng tăng với chip ô tô và linh kiện cho máy tính hiệu năng cao.

Đài Loan cung cấp 60% chip của thế giới, bao gồm cả một số loại tiên tiến nhất cho smartphone, PC và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Hôm 7.1, Cơ quan Tài chính Đài Loan đã công bố xuất khẩu giảm 12,1% vào tháng 12.2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tháng 12.2022 đạt tổng cộng 35,75 tỉ USD, nhưng đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm 1,4% trong xuất khẩu linh kiện cho thiết bị điện tử, gồm cả mạch tích hợp (IC), đã góp phần vào sự suy giảm, với phân khúc này chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch hàng tháng tính theo giá trị.

lien-minh-chip-my-dai-loan-nhat-han-quoc-lan-dau-hop-cac-quan-chuc-cap-cap1.jpg
TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet vào cuối năm 2022 - Ảnh: Reuters

Cơ quan Tài chính Đài Loan báo cáo giá trị xuất khẩu giảm hơn 20% với các ngành nhựa, hóa chất và kim loại cơ bản vào tháng 12.2022.

Cơ quan Tài chính Đài Loan cho biết sự sụt giảm ở tháng 12 là do xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như nhựa và kim loại cơ bản liên tục bị thu hẹp, cũng như nhu cầu với các linh kiện điện tử và công nghệ thông tin ngoài mạch tích hợp suy yếu.

Tháng 12.2022, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ giảm 2,6%, trong khi xuất khẩu sang châu Âu giảm 10,5%.

Darson Chiu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết xuất khẩu sẽ vẫn “tương đối chậm chạp” trong quý 2/2023.

Nhu cầu yếu tại thị trường Mỹ sẽ là lý do chính khiến xuất khẩu của Đài Loan chậm chạp”, ông nói.

Tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan, sự gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 đã khiến người tiêu dùng phải ở trong nhà và tránh xa các cửa hàng hoặc địa điểm giải trí, dù các biện pháp kiểm soát đại dịch gây thiệt hại về kinh tế đã được nới lỏng.

Các đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ Đài Loan đã giảm trong những tháng trước do việc phong tỏa làm chậm hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các nhà máy.

Dữ liệu cho thấy xuất khẩu từ Đài Loan sang Trung Quốc trong tháng 12.2022 đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 9,37 tỉ USD.

Liang Kuo-yuan, người sáng lập đã nghỉ hưu của Viện nghiên cứu Yuanta-Polaris tại Đài Bắc, chỉ ra rằng có hàng tồn kho chưa bán được ở Đài Loan, bao gồm các linh kiện công nghệ và các lô hàng mà Trung Quốc thường mua.

Họ không thể bán rẻ mọi thứ. Thị trường xuất khẩu không tốt. Không chỉ CNTT-TT, mà cả lĩnh vực phi CNTT-TT cũng đang hoạt động kém. Toàn bộ chuỗi đang bị ảnh hưởng”, Liang Kuo-yuan nói.

Đài Loan đã hạ triển vọng kinh tế xuống mức thấp nhất có thể trong tháng 12.2022 vì lạm phát toàn cầu, nhu cầu suy giảm và tác động dây chuyền do đại dịch tại Trung Quốc. Thế nhưng xuất khẩu mạch tích hợp đã tăng 5,1% trong quý 4/2022, theo dữ liệu của Cơ quan Tài chính Đài Loan.

Vào tháng 11.2022, Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp do chính quyền Đài Loan tài trợ cho biết doanh thu bán dẫn sẽ tăng 6,1% trong năm 2023.

Terry Tsao nói chip công nghệ 3 nanomet tiên tiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2023 và tiếp cận thị trường đại chúng vào cuối năm nay. Ông cho biết người tiêu dùng sẽ tìm thấy chip tiết kiệm năng lượng trong điện thoại di động và bộ xử lý đồ họa sau khi TSMC bắt đầu sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo vào cuối năm 2022.

Tỷ lệ thiết bị chuyển sang quy trình thế hệ mới sẽ tăng dần và tỷ lệ thâm nhập thị trường của các quy trình tiên tiến sẽ được cải thiện”, Terry Tsao nói thêm.

SEMI Americas dự đoán rằng các lô hàng chip trên toàn cầu sẽ tăng 4,8% so với năm trước vào 2022, lên mức cao kỷ lục gần 14.700 triệu inch vuông (1 inch vuông = 0.000645 mét vuông), nhưng cho biết mức tăng trưởng dự kiến sẽ giảm trong năm nay “do các điều kiện kinh tế vĩ mô đầy thách thức”.

SEMI Americas cho biết thêm các lô hàng sẽ tăng trở lại sau năm 2023 do “nhu cầu mạnh mẽ” với chất bán dẫn từ các nhà sản xuất phương tiện, nhà máy và trung tâm dữ liệu.

Bài liên quan
Thiếu chip, nỗ lực của Trung Quốc vượt Mỹ thành kinh tế số 1 gặp khó khăn chưa từng có
Chip bán dẫn thường được so sánh với sự đổi mới công nghệ thúc đẩy trái tim đang đập. Song với việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các linh kiện và công nghệ bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc, các câu hỏi đang đặt ra về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể duy trì nhịp đập trong bao lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên minh chip Mỹ, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc lần đầu tổ chức họp các quan chức cấp cao