Quá trình định giá, kê biên và cưỡng chế, bán đấu giá tài sản liên quan vụ việc của gia đình thầy giáo Tô Hữu Thiện (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) phải chăng còn nhiều nghi vấn?

Nhiều nghi vấn trong thi hành một bản án khiến gia đình giáo viên đi 'cầu cứu'

Tô Văn | 12/11/2022, 10:58

Quá trình định giá, kê biên và cưỡng chế, bán đấu giá tài sản liên quan vụ việc của gia đình thầy giáo Tô Hữu Thiện (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) phải chăng còn nhiều nghi vấn?

Vay “nóng” nuôi con học đại học

Xuất thân từ giáo viên, vợ chồng ông Tô Hữu Thiện (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) xây dựng căn nhà cạnh quốc lộ 91 (thị trấn Cái Dầu) sau khi được cha mẹ cho đất.

Thời gian trôi đi, con của ông Thiện lớn lên, đi học và cũng là học sinh giỏi, khá của trường, của lớp. Vợ chồng ông Thiện thấy tiềm năng phát triển của con nên thường xuyên tạo mọi điều kiện, động viên con nuôi ước mơ chữ nghĩa, học hành nên người. 

Rồi ngày mong chờ cũng đến. Người con ông Thiện cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, vợ chồng ông mừng rơi nước mắt. Số tiền tích cóp từ đồng lương dạy học được chuẩn bị cho người con đi học.

5-ong-thien-gv.jpg
Đồng lương đi dạy không đủ nên vợ chồng ông Thiện phải lấy căn nhà đi vay ngân hàng, đóng lãi mỗi tháng. Ngoài ra, có thời điểm vợ chồng ông gặp khó khăn vay “nóng” 300 triệu đồng của bà Tống Thị Nguyện để lo cho con - Ảnh: Tô Văn

Thời điểm người con học, mỗi tháng vợ chồng ông Thiện cũng phải chắt góp gửi cho con vài triệu đồng. Số tiền này là toàn bộ tiền đi dạy dành dụm trong tháng của vợ chồng ông nhưng chưa thấm vào đâu so với mức sống ở thành phố lớn.

Khi được hỏi về khả năng tài chính nuôi con đang học, vợ chồng ông Thiện nhìn vào xấp sổ vay nợ ngân hàng nói: “Đồng lương đi dạy không đủ nên gia đình phải vay ngân hàng, đóng lãi mỗi tháng. Có thời điểm gia đình gặp khó khăn nên vay “nóng” 300 triệu đồng của bà Tống Thị Nguyện (TT.Cái Dầu) để lo cho con”.

Chủ nợ kiện vợ chồng ông Thiện ra tòa

Ngày 4.5.2021, Tòa án nhân dân huyện Châu Phú đã có quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa bà Nguyện và vợ chồng ông Thiện.

Theo đó, vợ chồng ông Thiện phải trả cho bà Nguyện 330 triệu đồng nợ gốc và lãi.

6-ong-thien-gv.jpg
Bản án của tòa - Ảnh: Tô Văn

Ông Thiện cho biết, việc này phải được hai bên thỏa thuận tại thi hành án.

“Thế nhưng từ trước đến nay, tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Chi cục thi hành án dân sự Châu Phú, về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyện.

Cụ thể, quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế thi hành án, quyết định kê biên tài sản, kết quả định giá tài sản, thông báo bán đấu giá tài sản.

Do tôi và người đại diện theo uỷ quyền không nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án cũng như việc bán đấu giá tài sản liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của tôi, nên trong quá trình thi hành án, chấp hành viên và Chi cục thi hành án dân sự Châu Phú cố ý vi phạm”, ông Thiện bức xúc nói.

Còn nhiều nghi vấn 

Trong đơn cầu cứu gửi đến Một Thế Giới, ông Thiện trình bày, vào ngày 14.10.2022, ông được Chi cục thi hành án dân sự Châu Phú mời “miệng” làm việc tại UBND xã Khánh Hòa vì cho rằng có liên quan đến việc thi hành án để giao tài sản cho người trúng đấu giá. 

2-ong-thien-gv.jpg
Chi cục thi hành án dân sự Châu Phú mời “miệng” ông Thiện lên làm việc tại UBND xã Khánh Hoà vì cho rằng có liên quan đến việc thi hành án để giao tài sản cho người trúng đấu giá) - Ảnh: Tô Văn

Theo ông Thiện, thông báo số 290/TB-CCTHADS ngày 7.7.2022 của chấp hành viên Nguyễn Khánh Vinh thể hiện, ngày 29.4.2022, Công ty đấu giá hợp danh Xuyên Á (gọi tắt Công ty Xuyên Á) có thông báo số 04/2022/TB-ĐGHDXS nhưng hồ sơ thi hành án ông Vinh cho xem không có.

“Như vậy chấp hành viên Vinh cố tình bịa đặt ra một văn bản không có thật trong hồ sơ của cơ quan thi hành án để cố tình làm sai, nhằm xâm phạm quyền lợi chính đáng của tôi”, ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, qua hồ sơ thi hành án do chấp hành viên cung cấp cho vợ ông thì thấy rằng công ty bán đấu giá vi phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền lợi của ông, như: Về thời gian bán đấu giá tài sản thì thông báo số 2904 ngày 29.4.2022 của Công ty Xuyên Á thể hiện thời gian, địa điểm bán hồ sơ và đăng ký tham gia đấu giá từ ngày 4.5.2022 đến 17 giờ ngày 24.5.2022, tại Công ty đấu giá hợp danh Xuyên Á - chi nhánh An Giang (đường số 6, L12-04, khu Fist Home Bình Hoà, ấp Bình Phú 1, xã Hoà Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Tuy nhiên huyện Châu Thành, tỉnh An Giang hoàn toàn không có địa giới hành chính cấp xã nào tên Hòa Bình.

“Công ty Xuyên Á cố tình đánh lừa người dân, địa chỉ một đằng nhưng ghi một nẻo để bán tài sản của tôi với giả rẻ mạt”, ông Thiện bức xúc nói.

1-ong-thien-gv.jpg
Vợ chồng ông Thiện cầu cứu báo chí - Ảnh: Tô Văn

Theo ông Thiện, trong suốt thời gian bán đấu giá, ông không nhận được bất kỳ văn bản nào của Công ty Xuyên Á để ông biết mà thực hiện quyền lợi chính đáng của mình trong giai đoạn đấu giá tài sản.

“Trong thông báo về việc di dời tài sản nội thất để giao quyền sử dụng đất và nhà ở cho người trúng đấu giá số 341/TB-CCTHADS ngày 26.7.2022 do chấp hành viên Nguyễn Khánh Vinh ký mà tôi được xem thể hiện: Chi cục THADS Châu Phú thông báo cho ông Tô Hữu Thiện (SN 1964) và bà Huỳnh Thị Kim Cúc (SN 1964, cùng địa chỉ ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) được biết.

Trong khi tôi là Tô Hữu Thiện (SN 1968, địa chỉ thường trú tại số nhà 414, tổ 11, ấp Khánh Thuận, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú).

Do vậy tôi không phải là đối tượng phải thi hành án theo thông báo số 341”, ông Thiện cho hay và mong muốn Chi cục thi hành án dân sự Châu Phú xem xét hủy kết quả bán đấu giá tài sản nói trên.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc (giáo viên về hưu, vợ ông Thiện) chia sẻ: “Giá nhà đất thị trường gần 5 tỉ đồng nhưng chỉ bán được bán hơn 2,4 tỉ đồng. Vợ chồng có 1 cái nhà mà bán thì ở đâu.

Nhiều lần chấp hành viên yêu cầu vợ chồng ký tên bàn giao tài sản khiến tinh thần và sức khỏe chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi mong mỏi vấn đề tiêu cực này được phản ánh, đem lại sự công bằng cho gia đình”.

Theo xác minh của phóng viên, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang không có xã Hòa Bình mà chỉ có xã Bình Hòa. Còn xã Hòa Bình thì lại thuộc huyện Chợ Mới.

Ngoài ra, làm việc với UBND xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (nơi ông Thiện có hộ khẩu) và xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (nơi người được ông Thiện uỷ quyền) thì địa phương xác nhận Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú, Công ty Xuyên Á không có tống đạt hay niêm yết các thủ tục liên quan đến ông Thiện.

3-ong-thien-gv.jpg
Trong quá trình định giá và cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản liên quan vụ việc của gia đình ông Tô Hữu Thiện (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Phú phải chăng có kiểu thi hành án lạ kỳ - Ảnh: Tô Văn

Để thông tin khách quan chính xác, phóng viên liên hệ với Cục thi hành án dân sự tỉnh An Giang thì lãnh đạo nơi này cho biết đã ủy quyền phát ngôn cho Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự Châu Phú.

Theo lịch hẹn, ông Nguyễn Thanh Hùng (Phó chi cục trưởng) và ông Nguyễn Minh Trí (Thẩm tra viên) tiếp phóng viên.

Tại đây, hai cán bộ này đề nghị phóng viên cung cấp nội dung, yêu cầu có liên quan sẽ ghi nhận và trình Chi cục trưởng trả lời bằng văn bản theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn luật sư tỉnh An Giang cho biết, đối với người phải thi hành án thì họ phải có trách nhiệm thực hiện theo bản án và các văn bản theo quy định pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự.

"Để thực hiện nghĩa vụ của người thi hành án thì cơ quan có thẩm quyền phải gửi các văn bản cho họ để họ thực hiện các thủ tục này và nơi tiếp nhận (nơi địa chỉ người thi hành án đang cư trú - PV).

Trong mọi trường hợp, các văn bản đó phải gửi tới tay người thi hành án hoặc phải được niêm yết tại nơi họ đang cư trú.

Trong trường hợp không thực hiện đúng các thủ tục, việc tống đạt các văn bản thi hành án hoặc niêm yết các thủ tục về thi hành án nhưng cơ quan thi hành án lại tiến hành thực hiện việc thi hành tài sản của người phải thi hành án thì đây là việc làm trái pháp luật về thi hành án dân sự", luật sư Phước phân tích.

Cũng theo luật sư Phước, đối với cơ quan được ủy quyền để bán các tài sản của thi hành án thì trách nhiệm của họ cũng phải thông báo cho người phải thi hành biết thời gian, địa điểm, nơi thi hành án để người chủ sỡ hữu tài sản họ chứng kiến quá trình thi hành án, xem xét, giám sát việc thi hành án để đảm bảo quyền lợi của họ, đặc biệt là tài sản phải thi hành án.

Bên cạnh đó, cơ quan được ủy thác hoặc ủy quyền để bán đấu giá tài sản cũng phải cung cấp đầy đủ địa chỉ chính xác nơi trụ sở hoặc chi nhánh của họ tọa lạc để thực hiện việc bán đấu giá tài sản.

"Nếu trường hợp bất kỳ lý do gì khi địa chỉ ghi không đúng hoặc sai sót không được đính chính bổ sung hoặc điều chỉnh thì việc thi hành án và việc bán đấu giá tài sản sẽ không được pháp luật công nhận. Từ đó, sẽ được xem xét hủy bỏ theo quy định trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.

Trong trường hợp người bị bán đấu giá tài sản hoặc người được thi hành án, chủ sở hữu tài sản, người có liên quan đến tài sản đó nếu họ phát hiện ra những sai sót đó liên quan đến trình tự thủ tục thi hành án, hoặc trình tự thủ tục liên quan đến bán đấu giá tài sản, họ có quyền yêu cầu hủy bỏ kết quả bán đấu giá và thực hiện lại việc thi hành án bán đấu giá tài sản hoặc hủy bỏ việc thi hành án để thực hiện theo các trình tự thủ tục quy định về thi hành án dân sự", luật sư Phước nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nghi vấn trong thi hành một bản án khiến gia đình giáo viên đi 'cầu cứu'