Đó là 1 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý gần đây liên quan đến COVID-19.

Nhiều người bị giảm chất lượng tinh trùng trong vài tháng sau khi khỏi COVID-19

Sơn Vân | 21/12/2021, 08:12

Đó là 1 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý gần đây liên quan đến COVID-19.

Số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng có thể giảm trong vài tháng sau khi khỏi COVID-19

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chất lượng tinh trùng bị suy giảm trong nhiều tháng với một số người sau khi khỏi COVID-19.

Theo báo cáo trên Tạp chí Fertility and Sterility, các mẫu tinh dịch được lấy từ 120 người đàn ông Bỉ độ tuổi trung bình là 35 tuổi, trung bình 52 ngày sau khi các triệu chứng COVID-19 của họ đã hết.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bản thân tinh dịch không có khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2. Thế nhưng trong số 35 người đàn ông cung cấp mẫu tinh dịch trong vòng 1 tháng sau khi khỏi COVID-19 có triệu chứng, 60% giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và 37% giảm số lượng tinh trùng.

Trong số 51 người đàn ông được kiểm tra từ 1 đến 2 tháng sau khi khỏi COVID-19, 37% bị giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và 29% có số lượng tinh trùng thấp.

Trong số 34 người đàn ông cung cấp mẫu tinh dịch ít nhất 2 tháng sau khi khỏi COVID-19, 28% bị giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và 6% có số lượng tinh trùng thấp.

Mức độ nghiêm trọng của mắc COVID-19 không tương quan với các đặc điểm tinh trùng.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Các cặp vợ chồng mong muốn có con nên được cảnh báo rằng chất lượng tinh trùng sau khi mắc COVID-19 có thể ở dưới mức tối ưu. Thời gian phục hồi ước tính là 3 tháng, nhưng các nghiên cứu tiếp theo đang được tiến hành để xác nhận điều này và xác định xem tổn thương vĩnh viễn có xảy ra ở một số ít nam giới không".

so-luong-tinh-trung-giam-o-nhieu-nguoi-trong-vai-thang-sau-khi-khoi-covid-19-.jpeg
Các cặp vợ chồng mong muốn có con nên chú ý rằng chất lượng tinh trùng sau khi mắc COVID-19 có thể ở dưới mức tối ưu

Sản xuất phân tử trung hòa SARS-CoV-2 có thể rẻ hơn kháng thể

Các nhà nghiên cứu cho biết phân tử thử nghiệm vô hiệu hóa vi rút SARS-CoV-2 theo cách tương tự như kháng thể sẽ rẻ hơn và dễ sản xuất hơn.

Phân tử thuộc về một nhóm hợp chất được gọi là aptamer. Julian Valero thuộc Đại học Aarhus (Đan Mạch) cho biết, vì được tạo ra từ RNA hoặc DNA nên aptamer dễ tổng hợp hơn kháng thể dựa trên protein vốn chỉ có thể được tạo ra trong tế bào sống.

Giống như kháng thể, các aptamer tự gắn vào các mục tiêu protein, trong trường hợp này là protein gai trên bề mặt vi rút SARS-CoV-2, bằng cách gấp lại thành một cấu trúc ba chiều. Theo một nghiên cứu được công bố trên trang PNAS của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, ở các thí nghiệm trong ống nghiệm, aptamer liên kết chặt chẽ với protein gai, ngăn không cho nó xâm nhập vào tế bào người. Các nhà nghiên cứu cho biết aptamer ức chế các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, bao gồm cả Delta.

Họ đang lên kế hoạch thử nghiệm để xem liệu aptamer có nhận ra và liên kết với biến thể Omicron hay không.

Việc sử dụng aptamer ở ​​bệnh nhân vẫn còn xa vời, với các thử nghiệm trên chuột chỉ mới bắt đầu gần đây. Jorgen Kjemsa, cũng thuộc Đại học Aarhus, cho biết về việc sử dụng ở người, "chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc có thể dùng aptamer để giúp chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2”.

Ông nói các thí nghiệm so sánh việc sử dụng aptamer với kháng thể trong các xét nghiệm nhanh kháng nguyên để tìm người mắc COVID-19 đang được tiến hành.

Nhiều người từng mắc COVID-19 nặng chưa hồi phục hoàn toàn sau 1 năm khỏi bệnh

Theo kết quả của nghiên cứu những người mắc COVID-19 phải nhập viện do Trung tâm nghiên cứu Y Sinh tại thành phố Leicester (Anh) thực hiện, chỉ 1/3 số người được khảo sát cảm thấy hồi phục hoàn toàn trong 1 năm sau khi khỏi bệnh.

Các nhà nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe của 2.320 người từng mắc COVID-19 khoảng 5 tháng sau khi họ xuất viện. Trong số này, 807 người tiếp tục được đánh giá tình trạng sau khi xuất viện 1 năm.

Kết quả là chỉ khoảng 30% người được khảo sát trong cả hai mốc thời gian này cho biết hồi phục hoàn toàn sau khi xuất viện.

Chức năng nội tạng và thể trạng của những người được khảo sát cũng không có sự cải thiện rõ rệt trong 1 năm sau khi ra viện.

"Thật không may, chúng tôi không thấy sự cải thiện đáng kể nào của người khỏi COVID-19 sau khi xuất viện 1 năm so với mốc 5 tháng", theo bác sĩ Racel Evans, đồng tác giả của nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những người mắc COVID-19 nặng phải chịu khoảng 20 di chứng sau khi khỏi bệnh. Trong khi những người mắc COVID-19 mức vừa chỉ phải đối mặt trung bình 4 triệu chứng kéo dài sau khi ra viện. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và giảm chức năng nhận thức.

Các nhà nghiên chưa thể tìm ra nguyên nhân những người từng mắc COVID-19 vẫn phải chịu di chứng trong thời gian dài sau khi khỏi bệnh. Dù vậy, nghiên cứu chỉ ra rằng những người có tiền sử béo phì, tình trạng sức khỏe kém và viêm nhiễm cao thường phải chịu di chứng nặng hơn sau khi khỏi bệnh.

Theo Giáo sư Chris Brightling từ Đại học Leicester, nhà điều tra chính nghiên cứu, nhóm của ông đang tìm hiểu xem liệu đáp ứng tự miễn dịch có phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng COVID-19 kéo dài ở người bệnh.

Ông Chris Brightling và bà Racel Evans cũng đồng tình rằng việc sử dụng các loại thuốc chống viêm, kiểm soát cân nặng và tập thể dục là giải pháp cần được nghiên cứu để cải thiện tình trạng sức khỏe của người từng mắc COVID-19.

"Chúng tôi không nghĩ rằng chỉ có một biện pháp chữa trị duy nhất với triệu chứng COVID-19 kéo dài. Chúng tôi cần người bệnh mô tả rõ các triệu chứng của mình để từ đó tìm ra cách điều trị phù hợp", bà Racel Evans nói.

Bài liên quan
Nghiên cứu mới: Omicron gây nguy cơ trở nặng như Delta, tái nhiễm gấp 5,2 lần
Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn gấp 5,2 lần và biến thể này không có dấu hiệu gây bệnh nhẹ hơn Delta, khi số ca mắc COVID-19 tăng cao khắp châu Âu và đe dọa các lễ hội cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người bị giảm chất lượng tinh trùng trong vài tháng sau khi khỏi COVID-19