Một số loại vắc xin dường như cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra, nhưng hậu quả của việc lây nhiễm nhanh chóng khiến nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng lo lắng.

Hầu hết vắc xin có thể không ngăn lây nhiễm Omicron: Các nước từng gánh dịch COVID-19 tàn khốc hy vọng gì?

Sơn Vân | 19/12/2021, 23:41

Một số loại vắc xin dường như cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra, nhưng hậu quả của việc lây nhiễm nhanh chóng khiến nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng lo lắng.

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy các loại vắc xin COVID-19 đang được sử dụng trên thế giới hầu như không có khả năng ngăn nhiễm biến thể Omicron.

Tất cả loại vắc xin dường như vẫn cung cấp một mức độ bảo vệ đáng kể chống lại bệnh nghiêm trọng do Omicron gây ra, đây là mục tiêu quan trọng nhất. Vắc xin Pfizer và Moderna với mũi tăng cường có vẻ thành công nhất trong việc ngăn nhiễm Omicron, song chúng không có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo The New York Times, nghiên cứu ban đầu cho thấy các vắc xin COVID-19 khác không giúp được gì nhiều để ngăn chặn sự lây lan Omicron. Với nhiều quốc gia xây dựng các chương trình tiêm chủng xung quanh các loại vắc xin COVID-19 này, điều đó có thể tác động sâu sắc đến diễn biến của đại dịch.

Sự gia tăng ca COVID-19 toàn cầu trong một thế giới mà hàng tỉ người vẫn chưa được tiêm vắc xin không chỉ đe dọa sức khỏe những người dễ bị tổn thương, mà còn làm tăng cơ hội cho sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 mới.

Sự chênh lệch về khả năng của các quốc gia trong việc chống chọi với đại dịch gần như chắc chắn sẽ ngày càng sâu sắc. Tin tức về hiệu quả hạn chế của vắc xin chống lại nhiễm Omicron có thể làm giảm nhu cầu tiêm chủng ở các nước đang phát triển, nơi nhiều người do dự hoặc bận tâm đến các vấn đề sức khỏe khác.

Hầu hết bằng chứng đến nay đều dựa trên các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, không nắm bắt được đầy đủ các đáp ứng miễn dịch của cơ thể và không theo dõi tác động lên quần thể trong thế giới thực.

Vắc xin Pfizer và Moderna (Mỹ) sử dụng công nghệ mRNA mang lại sự bảo vệ tốt nhất chống lại sự lây nhiễm mọi biến thể SARS-CoV-2. Tất cả loại vắc xin khác đều dựa trên các phương pháp kích hoạt đáp ứng miễn dịch cũ hơn.

Một nghiên cứu sơ bộ về hiệu quả ở Anh cho thấy vắc xin AstraZeneca không có khả năng ngăn nhiễm Omicron sau 6 tháng tiêm liều hai. 90% phần trăm người được tiêm chủng ở Ấn Độ đã nhận vắc xin này, với tên thương hiệu Covishield. Vắc xin AstraZeneca cũng được sử dụng rộng rãi trên phần lớn châu Phi cận Sahara, nơi COVAX đã phân phối 67 triệu liều này cho 44 quốc gia.

Theo Reuters, các loại vắc xin Trung Quốc hầu như không có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm Omicron. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vắc xin Sputnik V (Nga), cũng đang được sử dụng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, sẽ có tỷ lệ bảo vệ ngăn nhiễm Omicron không cao.

Nhu cầu với vắc xin Johnson & Johnson (Mỹ) đã tăng lên ở châu Phi, vì phác đồ tiêm một mũi giúp dễ dàng phân phối nó ở những nơi có nguồn lực thấp. Thế nhưng, vắc xin này cũng cho thấy khả năng ngăn nhiễm Omicron không đáng kể.

Reuters đưa tin vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson, Sinopharm, Sputnik V không có hoạt tính vô hiệu hóa Omicron, theo nghiên cứu do Humabs Biomed SA (đơn vị của Vir Biotechnology) và Đại học Washington (Mỹ) thực hiện.

Nghiên cứu cũng cho thấy vắc xin Moderna, AstraZeneca, Pfizer vẫn giữ được hoạt tính chống lại Omicron, nhưng đáp ứng kháng thể đã giảm đáng kể khi so sánh với chủng SARS-CoV-2 ban đầu (được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc).

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự sụt giảm ít rõ rệt hơn ở những người được tiêm vắc xin từng nhiễm SARS-CoV-2.

hau-het-vac-xin-co-the-khong-ngan-lay-nhiem-omicron.jpg
Hầu hết vắc xin có thể không ngăn nhiễm và lây lan Omicron nhưng vẫn bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong

Kháng thể là tuyến phòng thủ đầu tiên do vắc xin tạo ra. Ngoài ra, các mũi tiêm vắc xin cũng kích thích sự phát triển của tế bào T. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy các tế bào T này vẫn nhận ra biến thể Omicron, điều quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nặng.

John Moore, nhà vi rút học tại Weill Cornell Medicine (cộng đồng các bác sĩ, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục hàng đầu ở New York, Mỹ), cho biết: “Điều bạn mất đầu tiên là sự bảo vệ khỏi nhiễm trùng nhẹ không có triệu chứng, còn thứ bạn giữ lại tốt hơn nhiều là sự bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong”. Ông gọi nó là "lớp lót bạc" mà đến nay ngăn Omicron gây chết nhiều người hơn so với biến thể Delta.

Thế nhưng, sự bảo vệ này sẽ không đủ để ngăn Omicron gây ra sự gián đoạn toàn cầu, theo J. Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ).

Ông nói: “Quy mô lây nhiễm tuyệt đối sẽ áp đảo các hệ thống y tế, đơn giản là vì mẫu số sẽ có khả năng rất lớn".

Những người tiêm 2 mũi vắc xin nhiễm Omicron có thể không có triệu chứng hoặc mắc bệnh nhẹ, nhưng họ có thể truyền vi rút cho những ai chưa tiêm phòng. Những người này có thể bị bệnh nặng hơn và trở thành nguồn phát sinh các biến thể SARS-CoV-2 mới.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), nói rằng cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận về hiệu quả của vắc xin chống lại Omicron và tăng tốc tiêm phòng nên tiếp tục là trọng tâm ứng phó với đại dịch.

Dữ liệu sơ bộ từ Nam Phi cho thấy với Omicron, khả năng những người từng mắc COVID-19 bị tái nhiễm cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Thế nhưng, một số chuyên gia y tế công cộng tin rằng các quốc gia từng trải qua đợt dịch COVID-19 tàn khốc như Brazil và Ấn Độ có thể có chất đệm chống lại Omicron và việc tiêm vắc xin sau khi khỏi bệnh sẽ tạo ra lượng kháng thể cao.

Ramanan Laxminarayan, nhà dịch tễ học ở New Delhi (Ấn Độ), nói: “Sự kết hợp giữa tiêm vắc xin và khỏi COVID-19 dường như mạnh hơn việc chỉ tiêm vắc xin”. Ông lưu ý Ấn Độ có tỷ lệ tiêm vắc xin đủ liều ở người lớn chỉ khoảng 40% nhưng có tới 90% nhiễm SARS-CoV-2 ở một số khu vực.

Ông nói: “Không nghi ngờ gì nữa, Omicron sẽ tràn qua Ấn Độ. Thế nhưng hy vọng rằng Ấn Độ được bảo vệ ở một mức độ nào đó vì tiêm vắc xin và tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó".

Trung Quốc không có lớp bảo vệ này để hỗ trợ các loại vắc xin của mình. Do những nỗ lực tích cực nhằm ngăn chặn sự lây lan SARS-CoV-2 trong phạm vi biên giới mình với chiến lược Zero COVID-19 nên ít người ở Trung Quốc mắc COVID-19 hơn các nước khác. Ước tính chỉ có khoảng 7% người dân ở thành phố Vũ Hán, nơi đại dịch bắt đầu, mắc COVID-19.

Phần lớn châu Mỹ Latinh dựa vào vắc xin của Trung Quốc, Nga và AstraZeneca.

Mario Rosemblatt, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Chile, cho biết hơn 90% người Chile đã tiêm hai liều vắc xin COVID-19, nhưng phần lớn trong số này là Coronavac của Sinovac. Ông nói tỷ lệ tiêm vắc xin cao kết hợp với các báo cáo ban đầu rằng Omicron không gây bệnh nghiêm trọng đang dẫn đến cảm giác an toàn sai lầm trong nước này.

“Chúng tôi phải làm cho mọi người hiểu rằng Omicron không hoạt động như vậy: Nếu có khả năng lây truyền cao, nó sẽ khiến hệ thống y tế quá tải vì số người mắc bệnh sẽ nhiều hơn”, ông Mario Rosemblatt chia sẻ.

Brazil đã khuyến cáo tất cả những người nhận hai liều vắc xin COVID-19 nên tiêm mũi thứ ba. Quốc gia Nam Mỹ bắt đầu sử dụng vắc xin Pfizer làm mũi tăng cường, nhưng mới chỉ có 40% số người quay lại nhận liều này.

Tiến sĩ Amilcar Tanuri, nhà vi rút học tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, nói với sự lạc quan thận trọng rằng tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó có thể làm giảm tác động của Omicron nhưng lưu ý rằng những người Brazil dễ bị tổn thương nhất là đối tượng từng tiêm Coronavac trước tiên.

Ông J. Stephen Morrison gọi khả năng của Omicron trong việc tránh vắc xin là bước lùi lớn với các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà trọng tâm vẫn là tiêm những mũi đầu tiên thay vì liều tăng cường.

Chỉ 13% người dân ở châu Phi được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19.

Tiến sĩ Ramanan Laxminarayan cho biết chính phủ Ấn Độ đang xem xét mũi tiêm vắc xin tăng cường, nhưng Delta vẫn gây ra mối đe dọa đáng kể ở đây và hai liều vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ chống lại biến thể này.

Điều đó khiến Ấn Độ đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa việc tập trung vào những người vẫn chưa tiêm vắc xin, chỉ mới tiêm một liều, hoặc cố gắng tiêm mũi tăng cường cho người lớn tuổi và những ai có nguy cơ cao để bảo vệ chống lại Omicron.

Tolbert Nyenswah, nhà nghiên cứu cấp cao của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), nói mối đe dọa đang nổi lên ở các quốc gia nghèo và đang phát triển dựa vào vắc xin không phải mRNA là bản cáo trạng về việc các nước giàu không chia sẻ công nghệ đó hoặc giúp xây dựng nơi sản xuất vắc xin.

Do đó, các biến thể nguy hiểm sẽ tiếp tục xuất hiện từ các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp và kéo dài đại dịch, theo Tiến sĩ Nyenswah, người từng là Thứ trưởng Bộ Y tế Liberia.

Tiến sĩ Seth Berkley của GAVI cho biết sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu các quốc gia giảm thúc đẩy tiêm vắc xin hoặc cho rằng chỉ có vắc xin mRNA mới đáng được phân phối.

Ông nói: “Chúng ta có thể đang thấy một tình huống mà các quốc gia cho rằng: Nếu các nước phát triển không muốn có những loại vắc xin này thì chúng tôi cũng không muốn có chúng. Tất nhiên, đó sẽ là cách giải thích sai lầm, vì những loại vắc xin này ngăn ngừa được bệnh nặng và tử vong”.

Bài liên quan
Người tiêm vắc xin Pfizer có tế bào T mạnh mẽ chống lại bệnh nặng khi nhiễm Omicron
Các nhà nghiên cứu Nam Phi kiểm tra cách hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với biến thể Omicron.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
44 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hầu hết vắc xin có thể không ngăn lây nhiễm Omicron: Các nước từng gánh dịch COVID-19 tàn khốc hy vọng gì?