Hôm 30.1, nhiều nhà sản xuất máy móc và vật liệu sản xuất chip Nhật Bản vẫn chưa nhận được thông tin từ chính phủ về các hạn chế xuất khẩu có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Nhiều nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Nhật im lặng về các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc

Sơn Vân | 30/01/2023, 18:28

Hôm 30.1, nhiều nhà sản xuất máy móc và vật liệu sản xuất chip Nhật Bản vẫn chưa nhận được thông tin từ chính phủ về các hạn chế xuất khẩu có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Hãng tin Reuters đã liên hệ với 10 công ty Nhật Bản cung cấp thiết bị sản xuất chip. Trong đó Advantest Corp, Nikon Corp, Resonac Holdings Corp, Lasertec Corp, Shin-Etsu Chemical Co Ltd cho biết chưa được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản liên lạc để nói về bất cứ hạn chế xuất khẩu mới nào nhằm cản trở tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Người phát ngôn Advantest Corp, công ty sản xuất máy kiểm tra chip và các thiết bị liên quan đến chip khác, nói: “Vì chúng tôi không biết tình hình là gì nên không thể bình luận về tác động và phản ứng của chúng tôi sẽ ra sao”.

Những hạn chế trước đây với việc vận chuyển chất bán dẫn tiên tiến đến Trung Quốc không ảnh hưởng đến Nhật Bản vì quốc gia này từng thống trị sản xuất chip toàn cầu. Thế nhưng, Nhật Bản hiện chỉ sản xuất khoảng 1/10 chất bán dẫn của thế giới, hầu hết trong số chúng kém tiên tiến hơn so với chip do TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) sản xuất.

Tuy vậy, Nhật Bản là nhà cung cấp máy móc chính được sử dụng để sản xuất các chip hàng đầu có thể bị hạn chế sau thông tin Mỹ và các chính phủ khác đồng ý về một thỏa thuận hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhà phân tích Masahiko Ishino của Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: “Hàn Quốc đã liên tục đánh bại Nhật Bản về chất bán dẫn trong suốt những năm qua, nhưng họ không có máy được sử dụng để chiếu các mạch điện tử lên những tấm silicon”.

Masahiko Ishino nói nếu không biết chi tiết về bất kỳ hạn chế mới nào thì không thể nói về tác động của chúng.

5 công ty Nhật Bản khác mà Reuters liên hệ không trả lời khi được hỏi về tác động có thể có của các quy tắc xuất khẩu chặt chẽ hơn và liệu họ có lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa hay không. Trong số này có Tokyo Electron, nhà cung cấp máy móc sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Nhật Bản.

Hầu hết cổ phiếu của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Nhật Bản không biến động nhiều hôm 30.1, với Tokyo Electron tăng 0,68%, Nikon Corp tăng 0,16%, còn Advantest Corp giảm 0,32%.

Ngày 26.1, Shigeharu Aoyama, người phục vụ trong Ủy ban Thương mại và Công nghiệp của đảng Dân chủ Tự do ở Nhật Bản, cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa việc Nhật Bản ủng hộ các hạn chế của chính quyền ông Biden với xuất khẩu chất bán dẫn.

Trung Quốc sẽ quay trở lại với sự trả đũa mạnh mẽ hơn và các công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại nước này có thể sẽ bị thiệt hại. Họ nên coi đó là một bước ngoặt và tìm kiếm các thị trường khác”, Shigeharu Aoyama nói.

Dù vậy, Shigeharu Aoyama cho biết ông ủng hộ việc Nhật Bản tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc.

nhieu-nha-cung-cap-thiet-bi-san-xuat-chip-nhat-im-lang-.jpg
Bên ngoài trụ sở Tokyo Electron, nhà cung cấp máy móc sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Nhật Bản - Ảnh: Internet

Hôm 28.1, ASML (Hà Lan) nói rằng đã hiểu về việc đạt được tiến bộ trong một thỏa thuận giữa một số chính phủ. ASML là công ty lớn nhất Hà Lan và là nhà cung cấp thiết bị công nghệ cao hàng đầu thế giới để sản xuất những chip tiên tiến nhất.

Tuyên bố của ASML theo sau báo cáo của Bloomberg rằng Nhật Bản và Hà Lan sẵn sàng cùng với Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, tạo nên một liên minh hùng mạnh nhằm cắt đứt tham vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng năng lực chip nội địa riêng.

Các quan chức Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản kết thúc các cuộc đàm phán ngay sau ngày 27.1 về một loạt giới hạn mới với những gì có thể cung cấp cho các công ty Trung Quốc, nguồn tin của Bloomberg cho biết, đề nghị giấu tên vì các cuộc đàm phán là riêng tư.

Hà Lan sẽ mở rộng các hạn chế với ASML, điều đó sẽ ngăn công ty này bán ít nhất một số máy quang khắc cực tím. Nếu không có nó, nỗ lực thiết lập dây chuyền sản xuất chip tiên tiến có thể là bất khả thi. Theo Bloomberg, Nhật Bản sẽ đặt ra các giới hạn tương tự với Nikon Corp.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về vấn đề trên. Hội đồng này đóng vai trò là diễn đàn chính của Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia và ra quyết định chính sách đối ngoại với các cố vấn an ninh quốc gia cấp cao cùng các quan chức nội các.

Nỗ lực chung nêu trên mở rộng các hạn chế mà chính quyền Biden đã công bố hồi tháng 10.2022 nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hoặc mua chip tiên tiến từ nước ngoài để hỗ trợ các năng lực quân sự và trí tuệ nhân tạo (AI).

Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các công ty quan trọng nhất cung cấp thiết bị sản xuất chip, gồm cả ASML, Tokyo Electron và Applied Materials (bang California, Mỹ).

Các nhà sản xuất thiết bị Mỹ từng phàn nàn rằng hành động đơn phương từ chính quyền ông Biden đã cho phép các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài tiếp tục hoạt động tại một trong những thị trường lớn nhất cho sản phẩm của họ và làm suy yếu mục tiêu hạn chế các tiến bộ quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc đã chiến đấu chống lại nỗ lực của Mỹ khi đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12.2022 nhằm đảo ngược các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip do chính quyền ông Biden áp đặt.

Ngay cả lãnh đạo ASML cũng cảnh báo rằng chiến dịch của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Vào ngày 25.1, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ASML - Peter Wennink cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc cuối cùng có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thành công công nghệ của riêng mình trong thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Nếu không thể có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển chúng. Điều đó sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng họ sẽ đạt được", Peter Wennink nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

'EU sát cánh cùng Mỹ tước đi những chip tiên tiến nhất của Trung Quốc'

Hôm 27.1, một quan chức thương mại cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ Mỹ nhận được cam kết đầy đủ của khối này với mục tiêu bóp nghẹt ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với mục tiêu tước đi những con chip tiên tiến nhất của Trung Quốc. Chúng tôi không thể cho phép Trung Quốc tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất”, Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, cho biết tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Thierry Breton đưa ra nhận xét của mình chỉ vài giờ trước khi xuất hiện thông tin Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Vào tháng 10.2022, Mỹ đã hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn cao cấp và công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc. Kể từ đó, chính quyền ông Biden đã thúc ép châu Âu thực hiện các biện pháp tương tự. Song, EU đã cảnh giác.

Cách đây gần 2 tuần, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan - Liesje Schreinemacher cho biết nước này sẽ không ngay lập tức tuân thủ các hạn chế của Mỹ với Trung Quốc và đang tham khảo ý kiến từ các đồng minh ở châu Á lẫn EU.

Kể từ năm 2019, chính phủ Hà Lan đã cấm ASML vận chuyển những máy móc tiên tiến nhất của họ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, ASML đã bán số máy cũ trị giá 2 tỉ euro (2,17 tỉ USD) cho Trung Quốc vào năm 2021.

Bạn sẽ luôn thấy châu Âu ở bên cạnh mình khi nói đến việc đảm bảo an ninh công nghệ chung của chúng ta”, Thierry Breton nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo rằng mọi hành động nên “giới hạn ở những gì cần thiết theo quan điểm bảo mật”.

Trích dẫn sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương thành công về công nghệ viễn thông 5G và chất bán dẫn, Thierry Breton kêu gọi sự liên kết sâu hơn về đất hiếm để “giảm sự phụ thuộc tập thể vào châu Á” bất chấp sự khác biệt.

eu-sat-canh-cung-my-tuoc-di-nhung-chip-tien-tien-nhat-cua-trung-quoc.jpg
Thierry Breton cho biết EU đồng ý với mục tiêu của Mỹ bóp nghẹt ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc - Ảnh: EPA

Hồi tháng 8.2022, ông Biden đã ký thành luật đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ thông qua các khoản trợ cấp của liên bang, vừa để loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chip vừa ưu tiên sản xuất trong nước.

EU dự kiến sẽ thông qua phiên bản riêng của mình là đạo luật EU Chips vào cuối năm nay. Luật này có thể sẽ tăng gấp đôi tỷ lệ năng lực sản xuất chip toàn cầu của châu Âu lên khoảng 20%.

Tôi thấy sự liên kết rất chặt chẽ giữa EU và Mỹ trong chương trình nghị sự này”, Thierry Breton nói về việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ như vi mạch, điện toán lượng tử và AI.

Chúng tôi đã làm việc cùng nhau về 5G, an ninh mạng để loại bỏ các nhà cung cấp rủi ro cao khỏi mạng của chúng tôi. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ khoản đầu tư đang diễn ra của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu về chất bán dẫn”, ông nói thêm.

Bài liên quan
Nhà cung cấp công cụ tạo chip hàng đầu dự báo lạc quan doanh thu ở Trung Quốc dù bị Mỹ kìm kẹp
ASML, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, dự báo doanh thu 2023 sẽ tăng vọt do ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có sự tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Nhật im lặng về các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc