Việt Nam đã trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng vừa qua với gần 1,8 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Nhiều nước tăng mua, gạo Việt Nam đắt hàng

Tuyết Nhung | 10/10/2023, 15:12

Việt Nam đã trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng vừa qua với gần 1,8 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Kết thúc 9 tháng, cả nước đã xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3,7 tỉ USD, con số cao nhất từ trước tới nay. Với đà này, dự kiến cả năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ lập kỷ lục trên 8 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 4,5 tỉ USD.

gia-gao.jpg

Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục "tăng tốc", kể từ sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường, Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thị trường trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua.

Cụ thể, trong tháng 8.2023, xuất khẩu gạo đạt 950.000 tấn với trị giá 553 triệu USD. Trong tháng 9, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu hơn 800.000 tấn gạo, khoảng 490.000 USD. Việt Nam trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng vừa qua. Như vậy, chỉ trong 2 tháng qua, Việt Nam đã cung cấp cho thị trường thế giới gần 1,8 triệu tấn gạo, vừa góp phần bảo đảm nguồn cung cho thế giới, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng lúa.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong lịch sử xuất khẩu ngành lúa gạo 34 năm, đây lần đầu tiên ghi nhận con số này.

Trong các thị trường nhập khẩu, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%, Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra, khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ...), châu Phi (Ghana, Angola...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Ngày 4.10 vừa qua, Philippines đã dỡ bỏ mức giá trần với gạo xay xát thông thường và xay xát kỹ. Ông Marcos - Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines - khẳng định đây là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ áp trần giá gạo vì chính phủ có đủ nguồn cung.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,4 triệu tấn, tương đương trị giá gần 1,5 tỉ USD, tăng gần 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mời thầu 500.000 tấn gạo nhập khẩu, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và 200.000 tấn từ Pakistan. Đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 25.12.

Theo số lượng thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng lượng gạo Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam trong 8 tháng đầu 2023 đạt 718.091 tấn với giá trị 361 triệu USD, tăng 15,5 lần về lượng và 16,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Còn số liệu thống kê của cơ quan hữu quan Indonesia cho hay, 7 tháng đầu 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này từ Việt Nam chiếm 47% tổng lượng nhập khẩu và từ Thái Lan là 50%.

Trung Quốc cũng đang tăng mua gạo nếp, gạo ST24, ST25 trong tháng 10. Trong 9 tháng, sản lượng gạo của Việt Nam xuất qua nước này đạt trên 850.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2022.

Trong 2 tháng vừa qua, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng từ 620 - 645 USD/tấn, ngoài ra gạo phẩm cấp thấp hơn là 25% tấm cũng có lúc lên tới mức 623 USD/tấn. Ở thời điểm cuối tháng 9.2023, giá gạo các nước đang có xu hướng giảm, gạo Việt Nam cũng đã giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn đang ở mức cao nhất thế giới.

Cụ thể, giá gạo Thái Lan 590 USD/tấn, Pakistan là 588 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm ngày 30.9 ở mức 613 - 617 USD/tấn, giá gạo 20% tấm ở mức 598 - 602 USD/tấn. Như vậy, hiện nay giá gạo Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 15 USD/tấn.

Đánh giá về sản xuất lúa gạo 3 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết trong 3 quý, cả nước gieo cấy được 6.855,3 nghìn hecta lúa, sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43 - 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 - 700 nghìn tấn so với năm 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn đề ra từ đầu năm 2023.

Trong 3 tháng cuối năm, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu.

Về thị trường, trong những tháng cuối năm, thời điểm vào vụ thu hoạch chính của một số nước như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Myanmar... có khả năng chính sách xuất nhập khẩu gạo có thể thay đổi ảnh hưởng đến giá gạo thế giới.

Nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo vẫn duy trì được mức 800 nghìn tấn/tháng như tháng 9 vừa qua, thì trong 3 tháng cuối năm có thể xuất hơn 2 triệu tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỉ USD.

Bài liên quan
Giá gạo tăng gây thêm sức ép lên lạm phát thực phẩm tại Philippines
Hãng Reuters dẫn số liệu chính thức công bố ngày 11.8 cho biết giá bán lẻ gạo nhập khẩu lẫn gạo sản xuất trong nước tại Philippines tăng thêm 4% lên 14% trong tháng này, gây thêm sức ép lên lạm phát thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nước tăng mua, gạo Việt Nam đắt hàng