Sau khi thông báo hoãn V.League 2020 thêm hai tuần đến 15.4 dự tính sẽ trở lại, VPF đã gửi phương án đến các đội bóng cho ngày trở lại. Tuy nhiên, phương án này đã gặp nhiều phản đối từ những người hữu trách của các CLB.

Nhiều ý kiến phản đối V.League 2020 tiếp diễn giữa mùa dịch COVID-19

26/03/2020, 13:00

Sau khi thông báo hoãn V.League 2020 thêm hai tuần đến 15.4 dự tính sẽ trở lại, VPF đã gửi phương án đến các đội bóng cho ngày trở lại. Tuy nhiên, phương án này đã gặp nhiều phản đối từ những người hữu trách của các CLB.

Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam, VPF vừa gửi đến các đội bóng phương án tập trung cách ly đá V-League. Theo đó, căn cứ vào số đội bóng phân bố theo vùng miền, VPF đề xuất chọn bảy sân làm nơi tổ chức, gồm: Thanh Hóa (Thanh Hoá), Thiên Trường (Nam Định), Lạch Tray (Hải Phòng), Cẩm Phả (Quảng Ninh), Hàng Đẫy (Hà Nội), PVF (Hải Dương), Mỹ Đình (Hà Nội), cùng sân Việt Trì (Phú Thọ) dự phòng.

Các đội sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn, trên sân nhà và sân đối phương, theo kết quả bốc thăm từ đầu giải. Trong tổng số 14 đội dự giải năm nay, bảy đội ở miền Bắc, bốn đội ở miền Trung và ba đội ở miền Nam.

Các đội sẽ được chia làm ba nhóm để bắt cặp chọn sân. Nhóm một là các CLB được thi đấu trên sân nhà, gồm Thanh Hoá, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Viettel sẽ dùng chung sân Hàng Đẫy.

Nhóm hai là các đội sử dụng sân của một số CLB ở nhóm một làm sân nhà, gồm SLNA (sân Thanh Hoá), HAGL (Thiên Trường), Quảng Nam (Lạch Tray), Đà Nẵng (Cẩm Phả).

Nhóm còn lại là bốn đội sử dụng các sân trung lập làm sân nhà, gồm Hà Tĩnh, Bình Dương (chung sân PVF), TP HCM và Sài Gòn (chung sân Mỹ Đình). Ngay sau phương án này đưa ra, nhiều đại diện đội bóng đã lên tiếng.

Trong đó, có nhiều ý kiến không đồng tình hoặc tỏ ra thận trọng với kế hoạch này của BTC. Trong đó, ông Nguyễn Húp -chủ tịch CLB Quảng Nam - người đầu tiên lên tiếng yêu cầu nên bỏ giải năm nay bày tỏ quan điểm trên VNE:

"Ai dám đảm bảo khi di chuyển và thi đấu không có cầu thủ nào bị lây nhiễm nCoV. Cả nước đang chống dịch, bóng đá cũng phải chung tay. Đến Euro, Copra America, Olympic còn hoãn tới năm sau, thì V-League đã là gì.

Tôi biết mình bị chỉ trích nhưng tôi không ngại. Lúc này, điều quan trọng là dám đưa ra ý kiến, và ý kiến đó vì sức khoẻ của mọi người.

Tôi làm bóng đá, đương nhiên cũng muốn giải đấu diễn ra. Nhưng giữa dịch như thế này, an toàn sức khoẻ, tính mạng con người là trên hết".

Ngoài ra, chủ tịch CLB Quảng Nam còn cho biết, phương án của VPF là chưa hợp lý. "Thứ nhất, Hà Nội bây giờ là vùng dịch. Tập trung ra đó thi đấu quá nguy hiểm.

Chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung mới đây đã yêu cầu đóng cửa tất cả những nơi đông người, như quán cafe, sân vận động, siêu thị điện máy... Thứ hai, các đội bóng của các tỉnh muốn đi xa thi đấu, phải được sự đồng ý của ban chống dịch của tỉnh, thành phố.

Nếu tỉnh không cho đi, dù VPF có yêu cầu, chúng tôi cũng chịu. Thứ ba, bất công ảnh hưởng kinh tế. Theo đề xuất của VPF, một số đội được đá sân nhà, một số đội thì không. Như Quảng Nam, chúng tôi có một nhà tài trợ lớn, với kinh phí khoảng 20 tỉ một năm.

Nếu không đá trên sân Tam Kỳ, họ cho là không đúng hợp đồng, cắt tài trợ và bị phạt ngược lại. Ai trả khoản đó. Vì thế, VPF cần mời các đội góp ý, đưa ra phương án bởi V-League là cuộc chơi chung của 14 CLB. Theo tôi, nếu vẫn quyết định để giải tiếp tục, chúng ta phải chờ một thời gian nữa cho tình hình dịch bớt căng thẳng.

Sau đó, giải nên chia theo khu vực Bắc, Trung, Nam để thi đấu. Ví dụ, các đội Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá sẽ vào một nhóm thi đấu trước. Các đội gần nhau, đi ô tô cách ly, đá xong về ngay là an toàn".

Trong khi đó, đại diện cho CLB Sài Gòn, HLV trưởng kiêm Chủ tịch Vũ Tiến Thành, cho biết: “Tình huống bây giờ là bất khả kháng. Tôi rất hiểu mụ

c đích của VPF là muốn đẩy giải đấu kịp tiến độ, phục vụ đội tuyển quốc gia nhưng kế hoạch này không khả thi. Tôi từng nghĩ việc đá theo vùng là một giải pháp nhưng sau khi nghe phản biện thì tôi cũng không ủng hộ kế hoạch này.

“Chúng ta phải chờ chủ trương của Chính phủ, từ Bộ Y Tế. Khi các cơ quan chức năng đánh giá tình hình dịch Covid-19 ổn thỏa thì hãy tiếp tục thi đấu.

Bây giờ thi đấu, làm sao chúng tôi biết đối thủ không có người bị nhiễm virus corona. Đá tập trung cũng không công bằng. Đá vậy giống như giải tập huấn, sẽ làm mất giá trị giải đấu”, ông Thành phân tích.

Không công khai phản đối như ông Thành, nhưng HAGL cũng chẳng tỏ ra ủng hộ VPF. Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh tỏ ra lo lắng khi nói về đề xuất này.

Ông chia sẻ: “HAGL là thành viên của giải đấu nên sẽ ủng hộ phương án để giải diễn ra thành công, an toàn. Tình hình dịch đang diễn ra phức tạp, chúng tôi muốn chờ việc kiểm soát tốt hơn, an toàn hơn”.

Từ Gia Lai, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định đội bóng phố núi sẽ không có ý kiến về việc này cho tới khi dịch được kiểm soát lại ở Việt Nam đồng thời sẽ chờ sự cho phép của Chính phủ với các hoạt động thể thao, giải trí.

“Cầu thủ va chạm nhiều khi tranh chấp bóng. Chúng tôi chờ dịch được kiểm soát tốt thì sẽ sẵn sàng ngồi lại bàn với VPF và các thành viên để đưa ra phương án tốt. Mọi người cũng biết là cuối năm nay nhiều giải đấu của đội tuyển, cần sự bàn bạc thống nhất. Quan điểm của HAGL là ủng hộ tìm ra phương án tốt khi Chính phủ kiểm soát được dịch”.

Chờ đợi cũng là lựa chọn từ phía Bình Dương. Tổng giám đốc Lê Hồng Cường cho biết đội bóng đang xin ý kiến lãnh đạo. Bình Dương xác nhận họ luôn ủng hộ giải đấu và đội tuyển quốc gia nhưng rất quan ngại về tình hình dịch bệnh.

So với những đại diện miền Nam, các đội phía Bắc có thái độ mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, họ vẫn khá lăn tăn trước đề xuất của VPF.

Đại diện Hải Phòng, GĐKT Lê Xuân Hải nói trên Zing.vn: “CLB Hải Phòng đã nắm được kế hoạch của VFF và VPF về các phương án tổ chức lại V.League. Quan điểm CLB là chưa nên tổ chức khi mà tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”.

Quan điểm thận trọng đó cũng được chia sẻ bởi HLV Phan Thanh Hùng của Quảng Ninh: “Tôi nghĩ ưu tiên số một lúc này phải là an toàn của cầu thủ, cộng đồng chứ chưa phải là hình thức tổ chức nào cho V.League. Dịch diễn biến thế này, sức khỏe của con người là trên hết chứ tụ tập đông người cũng không phải việc tốt lắm đâu”.

Ý kiến của ông Hùng cũng trùng khớp với ý kiến từ CLB cũ của ông. Chủ tịch Đỗ Vinh Quang của đội Hà Nội khẳng định: "Hiện tại, việc tổ chức thi đấu V.League như thế nào, với hình thức ra sao không phải là điều quan trọng, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho cầu thủ, quan chức, thành phần tổ chức thi đấu.

Không ai có thể khẳng định mọi thứ chắc chắn an toàn. Chính vì vậy, chúng tôi xác định, chỉ khi nào Chính phủ cho phép các hoạt động văn hóa thể thao trở lại bình thường, thì tôi nghĩ V.League mới nên tiếp tục thi đấu”.

Trước đó, HLV Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định), Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng) cũng đồng tình nên huỷ V.League 2020: "Nếu phải thi đấu với một khán đài không khán giả, thì tôi nghĩ giải đấu nên dừng lại, V.League diễn ra một cách lặng lẽ như vậy cũng không phải là cách tốt nhất. Bởi các cầu thủ phải di chuyển từ địa phương này sang thành phố khác cũng có thể là nguồn lây lan và ảnh hưởng trực tiếp, tôi nghĩ rằng nếu tình hình dịch bệnh chưa được đảm bảo thì giải nên dừng”, thuyền trưởng CLB thành Nam chia sẻ cùng truyền thông báo giới.

HLV Lê Huỳnh Đức cho rằng, việc thi đấu trên sân không có khán giả sẽ khiến cầu thủ không có động lực, nhiệt huyết chơi bóng.

“Đá bóng không có khán giả thì thật là buồn, cầu thủ ra sân chả có động lực gì, đó cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phong độ của các cầu thủ, rất khó cho tôi hay các HLV khác có thể điều chỉnh, nhưng rõ ràng cầu thủ thi đấu không được nhiệt.

Tinh thần cầu thủ không thoải mái khi lịch thi đấu có những sự điều chỉnh, điều này cũng làm cho các HLV khó điều chỉnh được phong độ của họ. Trong quãng thời gian chuẩn bị thì các cầu thủ chơi rất tốt, hưng phấn, nhưng khi bước vào mùa giải thì tôi thấy họ có nhiều vấn đề. Mặc dù về chuyên môn thì các cầu thủ Đà Nẵng không tệ, họ đang làm rất tốt,” nhà cầm quân sinh năm 1972 chia sẻ.

V.League 2020 đã tạm hoãn sau hai vòng đấu và dự tính sẽ trở lại vào ngày 15.4 tới. Hiện tại, CLB TP.HCM đang đứng đầu bảng xếp hạng với 2 trận toàn thắng.

A.Trần (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến phản đối V.League 2020 tiếp diễn giữa mùa dịch COVID-19