Năm 2020 chứng kiến Mỹ và Trung Quốc đối đầu kịch liệt. Căng thẳng song phương bùng lên ở nhiều vấn đề.
Hai nước hiện vẫn mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại dai dẳng, đổ lỗi cho nhau về đại dịch COVID-19, cạnh tranh trên mặt trận công nghệ mà đặc biệt là mạng 5G, xung đột về vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông,… Tất cả những vấn đề này đều là thách thức lớn mà Tổng thống đắc cử Joe Biden phải bắt tay giải quyết ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức.
“Món quà” Tổng thống Donald Trump dành cho người kế nhiệm
Nhà nghiên cứu Elizabeth C. Economy thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR) nhận định cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc sẽ được duy trì.
Thời gian gần đây đội ngũ quan chức chính quyền Tổng thống Trump ráo riết triển khai hàng loạt động thái mạnh tay nhắm vào đối thủ châu Á – bổ sung cho những gì họ đã làm suốt năm qua. Dù hành động phút chót có vẻ nhằm mục đích làm khó cho tân chính quyền sắp tới, trên thực tế chúng lại khá hữu ích: chính sách đương kim lãnh đạo để lại càng nhiều thì lợi thế và lựa chọn dành cho Tổng thống đắc cử Biden càng nhiều.
Tân chính quyền có quyền quyết định giữ lại bao nhiêu phần của chính sách Trung Quốc thời chính quyền Trump. Vài quyết định - chẳng hạn như duy trì thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc - sẽ rất khó khăn. Thuế quan khiến kinh tế Mỹ thiệt hại nhưng cũng đóng vai trò đòn bẩy kinh tế, hơn nữa dỡ bỏ thuế quan quá nhanh dễ bị chỉ trích quá mềm mỏng với đối thủ châu Á.
Động thái khác như lập “Bộ tứ kim cương” Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, tăng cường quan hệ với Đài Loan, trừng phạt quan chức cùng cơ quan liên quan đến vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông sẽ được giữ nguyên. Nỗ lực truy tố công dân Trung Quốc liên quan đến hoạt động gián điệp ở Mỹ vẫn tiếp tục nhưng có thể “hạ nhiệt” đáng kể.
Tất nhiên Tổng thống đắc cử Biden cần sửa chữa sai lầm của người tiền nhiệm bằng cách tái tham gia các thỏa thuận và tổ chức quốc tế, cải thiện quan hệ đồng minh với châu Âu, tái thiết khuôn khổ ngoại giao Mỹ - Trung.
COVID-19 làm tăng tốc rạn nứt quan hệ
Học giả CFR Hoàng Nghiêm Trung nhận xét COVID-19 cùng nội bộ chính trị Mỹ đã khiến hai nước ngày càng xa cách. Tổng thống Trump trong năm qua nhiều lần đổ lỗi Trung Quốc che giấu thông tin khiến dịch bệnh lan ra toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ là “con rối” của chính quyền Bắc Kinh. Lời buộc tội chính đối thủ châu Á gây ra đại dịch gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khuyến khích một số chính trị gia Mỹ yêu cầu chống Trung mạnh mẽ hơn nữa, làm người Mỹ nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực hơn. Tình hình thêm trầm trọng vì hàng loạt thuyết âm mưu về nguồn gốc COVID-19 (được trợ lực bởi thông tin sai lệch từ cả hai phía).
Ở Trung Quốc, thành tích kiểm soát thành công dịch bệnh cộng thêm quan hệ với Mỹ quá xấu thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cùng tư tưởng chống Mỹ. Việc Tổng thống Trump sử dụng cụm từ “vi rút Trung Quốc” gây đụng chạm lớn, dẫn đến động thái trục xuất nhà báo Mỹ. Truyền thông Trung Quốc mô tả Mỹ là cường quốc thù địch đang suy yếu.
Vấn đề Hồng Kông
Giáo sư Jerome A. Cohen thuộc CFR đánh giá thiệt hại mà nền dân chủ tự do Hồng Kông và quan hệ Trung Quốc - phương Tây phải hứng chịu trong năm 2020 khó lòng bù đắp nhanh chóng.
Loạt động thái làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông - đặc biệt là luật an ninh quốc gia - cũng gián tiếp phá hoại quan hệ Mỹ - Trung. Tổng thống Trump chấm dứt quy chế thương mại đặc biệt dành cho đặc khu, trừng phạt hàng loạt quan chức Trung Quốc liên quan. Trung Quốc vào đầu tháng 12 lên tiếng dọa trả đũa. Đây sẽ là vấn đề nan giải cho Tổng thống đắc cử Biden – người vốn bị lực lượng đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông nhận xét quá mềm mỏng với chính quyền Bắc Kinh (lúc giữ chức Phó tổng thống).
Cuộc chiến công nghệ
2020 đánh dấu cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung bùng nổ. Chính quyền Tổng thống Trump ban hành nhiều hạn chế nhắm vào Huawei khiến tập đoàn viễn thông Trung Quốc ngày càng gặp khó, không những vậy một số nước châu Âu đã hưởng ứng bằng cách tẩy chay thiết bị Huawei.
Đối tượng chính quyền Tổng thống Trump nhắm đến còn có TikTok cùng WeChat. Sau khi lệnh cấm tải hai ứng dụng này bị các tòa án Mỹ ngăn cản, giới chức Washington tỏ ý chuyển hướng sang chặn nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc, đồng thời hạn chế cho đơn vị phát triển ứng dụng Trung Quốc tiếp cận kho ứng dụng Mỹ.
Trung Quốc muốn đối phó Mỹ bằng cách nâng cao năng lực công nghệ và tự chủ kinh tế. Ngành công nghiệp chip nước này nhận được nguồn hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu - phát triển khổng lồ, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ tham gia, thu hút nhân tài từ Đài Loan, tiến hành tấn công mạng hòng đánh cắp công nghệ cốt lõi và khám phá những công nghệ mã nguồn mở nằm ngoài phạm vị lệnh hạn chế của Mỹ.
Chuyên gia an ninh mạng Adam Segal thuộc CFR nhận định cuộc chiến chắn chắn kéo dài sang năm 2021. Tổng thống đắc cử Biden sẽ theo đuổi chính sách công nghệ đa phương hơn, nhưng vẫn hướng tới cạnh tranh với Trung Quốc.
Ngoại giao “chiến lang” độc hại
Trung Quốc đáp trả gay gắt, thậm chí dọa trả đũa bất cứ nước nào có hành động làm mất lòng họ. Học giả CFR Julian Gewirtz cho biết cách tiếp cận như vậy đã có từ trước, nhưng đến năm 2020 mới chi phối ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ. Chính quyền Bắc Kinh tin rằng cường quốc Mỹ thù địch đang suy yếu nên quyết tâm “lớn tiếng” hơn trên mặt trận ngoại giao, nhằm bảo vệ lợi ích và nhận được sự tôn trọng.
Tuy nhiên Trung Quốc càng “lớn tiếng” càng bị thế giới xa lánh. Mỹ, Úc, Ấn Độ càng nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực hơn.