Nếu như nhiều doanh nghiệp phía Nam đang phải căng mình thực hiện "3 tại chỗ" thì phương án này đã giúp Bắc Giang và Bắc Ninh - từng là "tâm dịch" của cả nước vượt qua và giờ chuyển sang chống dịch trong tình hình mới.

Nhìn từ bài học '3 tại chỗ' của Bắc Giang, Bắc Ninh

Tuyết Nhung | 01/08/2021, 19:14

Nếu như nhiều doanh nghiệp phía Nam đang phải căng mình thực hiện "3 tại chỗ" thì phương án này đã giúp Bắc Giang và Bắc Ninh - từng là "tâm dịch" của cả nước vượt qua và giờ chuyển sang chống dịch trong tình hình mới.

Một thực tế cho thấy trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện phương án "3 tại chỗ". Đó là chi phí tăng cao, không kiểm soát được lao động... nên phải đóng cửa nhà máy.

Doanh nghiệp có số lao động lớn thì cho rằng với phương án này thì việc vừa sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ khó có thể bố trí được nên đã phải cho công nhân nghỉ việc.

doanh-nghiep.jpg
Nhiều doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện phương án 3 tại chỗ - Ảnh: BCT

Đáng nói, tỉnh Tiền Giang đã phải ra quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cụm, khu công nghiệp từ ngày 5.8 tới do nhận thấy việc thực hiện "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp đã phát sinh nhiều ổ dịch.

Quyết định này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp hoang mang. Một doanh nghiệp đã phải kêu cứu lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, khẩn thiết xin được tiếp tục sản xuất "3 tại chỗ" để tránh người lao động hỗn loạn, doanh nghiệp thiệt hại lớn.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM trước đó cho biết chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động vì không đảm bảo được quy định "3 tại chỗ" nhưng con số này rất nhiều.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp thất bại trong việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" là do nhiều vướng mắc phát sinh trong khâu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa..., đặc biệt là căng thẳng trong việc chăm lo, ổn định doanh nghiệp.

Qua đó, có thể thấy việc hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" cho phù hợp với tình hình là điều vô cùng cần thiết từ phía các cơ quan quản lý.

Nhìn từ bài học "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp từ những nơi từng là "tâm dịch" của cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh có thể thấy rõ được điều này.

Trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch COVID-19, số ca mắc tăng nhanh, lây lan rộng trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để khoanh vùng, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã xác định được 3 vùng nguy hiểm và triển khai "3 cùng", "3 tại chỗ".

Trong đó, 3 vùng lây dịch mạnh nhất là khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân và bếp ăn. Tỉnh đã tập trung kết hợp "3 cùng" với "3 tại chỗ", đó là cùng ở, cùng ăn, cùng làm và ăn tại chỗ, ở tại chỗ, làm việc tại chỗ để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Không những vậy, ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, để hạn chế tối đa sự lây lan thì mỗi ghế ngồi đều phải gắn tên của từng người lao động, hàng ngày người lao động ngồi đúng vị trí. Nếu doanh nghiệp nào đông người có thể chia thành các ca ăn cách nhau để bảo đảm khoảng cách. Bàn ăn chỉ duy trì 3 người, thậm chí 1 người ngồi, tất cả bàn ăn đều có vách ngăn. Nơi ở cũng phải chia nhỏ để bảo đảm khoảng cách, tránh tiếp xúc giữa các công nhân.

Đặc biệt, Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng xác định việc tầm soát toàn bộ người lao động là việc làm cần thiết. Đó là phải lọc ra những trường hợp nhiễm bệnh để xử lý kịp thời, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng nhất có thể, đồng thời tiến hành khử khuẩn nhiều lần.

Như vậy, nhờ sự chủ động phối hợp giữa lực lượng liên ngành, các doanh nghiệp, cá nhân chống dịch với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Đến nay, chỉ chưa đầy 2 tháng, 100% doanh nghiệp ở Bắc Giang đã hoạt động trở lại.

Trong khi đó, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên sáng kiến áp dụng "3 tại chỗ" trong nhà máy để duy trì sản xuất. Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay tại nhà máy.

Hoặc có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài nhưng đảm bảo "biệt lập", có xe đưa đón hàng ngày tới nhà máy và ngược lại. Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư.

Tỉnh yêu cầu các khu công nghiệp thực hiện 2 lần xét nghiệm lớn cho toàn bộ lao động. Công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ. Đặc biệt không để một người nào từ bên lọt ngoài vào các khu vực nhà máy biệt lập.

Ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tùy theo diễn biến của dịch mà tỉnh sẽ yêu cầu xét nghiệm ở các mức khác nhau.

"Chúng tôi nhìn bức tranh xét nghiệm để đánh giá nguy cơ và yêu cầu thêm xét nghiệm nếu cần thiết. Tinh thần là linh hoạt và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Sau khi đã tầm soát diện rộng, Bắc Ninh cho phép doanh nghiệp chỉ cần xét nghiệm 20% công nhân để sàng lọc hằng tuần", ông Tuấn thông tin.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, tính đến hết ngày 23.7 vừa qua, các khu công nghiệp Bắc Ninh đã có 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động 314.203/320.485 lao động đã trở lại làm việc bình thường. Như vậy, có thể thấy qua đợt dịch lần thứ tư, Bắc Ninh đã khống chế dịch thành công bước đầu và vẫn duy trì sản xuất.

Qua đó, thiết nghĩ các tỉnh phía Nam nên tham khảo biện pháp phòng dịch "3 tại chỗ" của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Điều đầu tiên chính là sự chủ động hướng dẫn, phối hợp của lãnh đạo địa phương, cơ quan quản lý với các doanh nghiệp.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
Vì sao doanh nghiệp phía Nam không thành công với '3 tại chỗ'?
Để đảm bảo vừa sản xuất vừa chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương án "3 tại chỗ". Tuy nhiên, việc áp dụng phương án này tại nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn từ bài học '3 tại chỗ' của Bắc Giang, Bắc Ninh