Ở địa hạt nghệ thuật thứ bảy, đôi khi những phản ánh văn hóa chân thật nhất lại xuất phát từ chủ đề nhạy cảm nhất: tình dục. Thuộc khu vực Á Đông, nền điện ảnh Hàn Quốc đã có vài minh chứng điển hình cho nhận định này.

Những bộ phim 18+ không chỉ có nhục dục mà còn làm thay đổi cách nhìn về điện ảnh Hàn Quốc

nhu y | 05/07/2017, 06:51

Ở địa hạt nghệ thuật thứ bảy, đôi khi những phản ánh văn hóa chân thật nhất lại xuất phát từ chủ đề nhạy cảm nhất: tình dục. Thuộc khu vực Á Đông, nền điện ảnh Hàn Quốc đã có vài minh chứng điển hình cho nhận định này.

Top 7 tác phẩm dưới đây không đơn thuần thu hút khán giả bởi nhãn mác “‘phim 18+”. Ẩn hiện trong chúng còn là các nỗ lực xây dựng cách nhìn bức phá hơn, về nhiều góc cạnh xã hội lẫn đời sống con người nơi xứ sở kim chi.

The Housemaid (1960)

Dù lấy bối cảnh xã hội Hàn Quốc những năm 1960, The Housemaid đã đem đến trải nghiệm nghe nhìn rất độc đáo so với giai đoạn đương thời. Kịch bản phim nói về mối tình vụng trộm của một giáo sư dạy nhạc và cô hầu gái giúp việc cho vợ ông. Tưởng như đơn giản, cốt truyện lại chứa đựng dày đặc các trường đoạn kịch tính, gây ấn tượng mạnh. The Housemaid giúp người xem “lần mở” không ít vấn đề khó tiếp cận liên quan đến đạo đức, tình yêu, cùng ý nghĩa thật sự của hôn nhân.

Tác phẩm là dự án “để đời” với nhà viết kịch, dựng phim tài hoa Kim Ki-young. Có bản phim làm lại cùng tựa đề năm 2010, nhưng The Housemaid phiên bản đầu tiên vẫn được đánh giá xuất sắc vượt trội về chất lượng nội dung.

A Good Lawyer’s Wife (2003)

Truyện phim là hành trình theo đuổi tình yêu, nhục dục đầy phức tạp của đôi vợ chồng luật sư giàu có. Họ có dư dả vật chất trong tay nhưng luôn thiếu thời gian cho nhau. Vì thế, cả hai bắt đầu tìm niềm vui thể xác nơi những bạn tình khác. Trớ trêu thay, họ lại thấy thỏa mãn và câm lặng đón nhận thực tại này.

Chủ đề tình ái sớm trở thành “thương hiệu” của vị đạo diễn tai tiếng Im Sang-soo. A Good Lawyer’s Wife, dự án điện ảnh ông thực hiện năm 2003, tuy nhiên lại nhận được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Tác phẩm mang tính phê phán này đã “vẽ” nên bức tranh xã hội chân thật và không kém phần chua chát, lột tả vô số mảng tối của đời sống hiện đại.

The Isle (2000)

Một người đàn ông muốn trốn chạy quá khứ bằng cách tìm đến cái chết, vô tình gặp gỡ một cô gái câm nơi hòn đảo vắng. Quan hệ giữa họ nhanh chóng phát triển từ ham muốn cơ bản, sang một nỗi thấu cảm không thể diễn đạt thành lời.

Không phải dự án đầu tay của Kim Ki-duk, nhưng The Isle đã giúp đặt “nền móng” quan trọng, giúp danh tiếng vị đạo diễn Hàn Quốc vươn lên tầm quốc tế. Mạch phim nhanh-chậm bất ngờ, nhưng lại chặt chẽ và gợi nhiều tò mò cho khán giả. Thế nhưng, nét nổi bật nhất nằm ở cốt truyện thu hút. The Isle là tác phẩm 18+ gai góc nhưng đồng thời mang vẻ đẹp nghệ thuật ấn tượng đến khó quên.

Oasis (2002)

Oasis do đạo diễn gạo cội Lee Chang-dong dàn dựng, kể về mối tình nên thơ nhưng oan trái giữa hai mảnh đời bị gia đình lẫn xã hội bỏ rơi. Người đàn ông vừa ra tù và người phụ nữ phải chóng chọi căn bệnh bại não. Đam mê, hạnh phúc họ giành cho nhau dẫu giản đơn và thuần khiết, vẫn bị vùi dập trước định kiến của mọi người xung quanh.

Có cốt truyện tưởng chừng quá “cổ tích,” Oasis lại mang thông điệp nhân văn rất thực tế. Kết phim khiến không ít khán giả thấy khắc khoải, tiếc nuối. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn được đón nhận nồng nhiệt bởi lời nhắn gửi cảm động về giá trị tình yêu, niềm tin cuộc sống.

Moebius (2013)

Kim Ki-duk nổi danh là một biên kịch và đạo diễn với tính cách kỳ quặc. Ông cũng được xem như một nhân vật xuất chúng trong nền điện ảnh Hàn Quốc đương đại. Moebius đã “minh chứng” thuyết phục cho tài năng dựng phim của đạo diễn họ Kim.

Một bà nội trợ ghen tức vì người bạn đời thường xuyên trăng hoa, ngày nọ cầm dao định thiến sống chồng. Thất bại, bà ta quay sang làm điều tương tự với đứa con trai đang tuổi trưởng thành.

Moebius hoàn toàn không có lời thoại. Dù vậy, hành động và biểu cảm gương mặt của nhân vật đã đủ khiến bạn bị cuốn sâu vào câu chuyện. Gây kinh sợ và choáng ngợp, bộ phim 18+ được ví như “một trò đùa đen tối,” buộc người xem phải cười trong nỗi thấp thỏm và dằn vặt thật sự.

A Girl at My Door (2014)

Bộ phim thực hiện bởi đạo diễn trẻ July Jung, tiếp cận một đề tài hãy còn khá nhạy cảm tại Hàn Quốc: đồng tính. Bị giới hạn quảng bá lẫn trình chiếu, A Girl at My Door vẫn được khen ngợi như một nỗ lực bức phá hiếm thấy của điện ảnh xứ kim chi.

Truyện phim tập trung vào mối quan hệ bí ẩn giữa một nữ cảnh sát và một bé gái tuổi vị thành niên. Ở làng chài ven biển, cuộc sống của họ luôn bị bủa vây bởi điều tiếng cùng quan niệm bất bình đẳng giới, vốn đã “ăn mòn” tiềm thức mỗi người dân nơi đây. Không thu hút bởi cảnh nóng hay trường đoạn kịch tính, A Girl at My Door đáng nhớ bởi cốt truyện nhân văn, có chiều sâu lẫn các tầng ý nghĩa riêng.

Karaoke Crazies (2016)

Một cô gái bán dâm nghiện trò chơi điện tử nhưng không biết hát. Một gã chủ tiệm karaoke thích “nghe” nhưng chưa từng “xem” phim người lớn. Cùng 2 nhân vật kì dị không kém, họ trở thành ngôi sao trong tác phẩm hài đả kích Karaoke Crazies.

Dự án điện ảnh của đạo diễn Kim Sang-chan, tuy nhiên, không chỉ làm khán giả cười. Sau cánh cửa phòng karaoke, từng mảnh đời con người với sắc màu sáng tối đan xen dần hiện ra, tạo thành thứ sức hút khó cưỡng ở Karaoke Crazies. Điều thú vị khác là, bạn có thể cảm nhận rõ sự tỏa sáng nơi mỗi nhân vật nữ chính. Vẻ đẹp nữ quyền thể hiện thông qua bộ phim indie này, như cách nói của một nhà phê bình trên trang Variety, “rất khác biệt và đáng trân trọng.”

Như Ý

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị kỷ luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bộ phim 18+ không chỉ có nhục dục mà còn làm thay đổi cách nhìn về điện ảnh Hàn Quốc