Kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đưa ra tại hội thảo quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" ngày 14.6.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, trên chương trình, theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.
Báo in, báo điện tử và đài phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí đối với một số cơ quan báo chí trên 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
Ngay cả báo điện tử rất thu hút độc giả thì 70 - 75% doanh thu "quảng cáo số" vẫn chảy vào túi các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... Các trang tin, trang mạng xã hội cũng cạnh tranh quyết liệt, khiến vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh số càng trở nên cấp thiết và cần thiết hơn bao giờ hết.
"Hiện tại các cơ quan báo chí đang gặp phải khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước", Thứ trưởng Dũng cho hay.
Hiện nay, hằng năm chi thường xuyên cho báo chí dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít sự hỗ trợ hoặc đặt hàng từ ngân sách.
Thứ trưởng Dũng cho rằng: "Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế".
Đề cập đến giải pháp tồn tại và phát triển của báo chí, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.
Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài, từ đó có thể tạo ra nguồn thu kinh tế từ phát triển thông tin trên nền tảng chuyển đổi số báo chí.
Theo PGS-TS Bùi Chí Trung, Phó viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), kinh tế báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống báo chí truyền thông hiện đại, bởi đây vừa là nguồn sống cơ bản, vừa là động lực bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển. Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có chiến lược, mô hình đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua Bộ Thông tin - Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”.
Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
"Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế", ông Dũng lưu ý.