Các nhà phân tích cho biết việc Apple loại trừ bản beta Intelligence (bộ tính năng AI mới) rất được mong đợi khỏi thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone, đặc biệt là sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã rơi khỏi top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở quốc gia này trong quý 2/2024.
Thế giới số

Những thách thức của Apple trước và sau khi triển khai Intelligence trên iPhone 16 ở Trung Quốc

Sơn Vân 31/07/2024 22:50

Các nhà phân tích cho biết việc Apple loại trừ bản beta Intelligence (bộ tính năng AI mới) rất được mong đợi khỏi thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone, đặc biệt là sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã rơi khỏi top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở quốc gia này trong quý 2/2024.

Sau khi Apple Intelligence trên phiên bản beta iOS 18.1 dành cho nhà phát triển trình làng, người dùng Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng vì bộ tính năng AI này vẫn chưa có mặt trên thị trường của họ. Phiên bản beta Apple Intelligence chỉ giới hạn cho người dùng Mỹ vì yêu cầu họ phải đặt ngôn ngữ trên thiết bị và trợ lý giọng nói Siri thành tiếng Anh (Mỹ), còn khu vực thiết bị thành Mỹ.

Dân mạng trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo (Trung Quốc) đang thực hiện cách tiếp cận chờ đợi và xem xét, với nhiều người tìm cách vượt qua các hạn chế của Apple. Một người dùng Trung Quốc trên mạng xã hội X cho rằng không cần phải lo lắng về việc bị bỏ lỡ Apple Intelligence vì đa số người dùng internet bên trong Great Firewall (Tường lửa Vĩ đại ở Trung Quốc) đều phải trải qua chuyện này.

Apple không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận về kế hoạch ra mắt Intelligence tại Trung Quốc.

Có nhiều điều không chắc chắn xung quanh cách thức và thời điểm Apple có thể đưa các tính năng AI của mình đến Trung Quốc, vì gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ cần giải quyết những thách thức lớn, gồm cả các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc về mô hình ngôn ngữ lớn và xử lý dữ liệu tại quốc gia này.

Việc thực hiện các lời hứa về AI trở nên cấp bách hơn khi Apple đang mất dần thị phần tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Trong quý 2/2024, Apple đã rơi khỏi top 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu tại Trung Quốc, theo dữ liệu của Canalys. Lần đầu tiên trong nhiều năm nhà sản xuất iPhone không nằm trong top 5 ở một trong những thị trường quan trọng nhất của họ.

"Apple đang gặp khó khăn tại tại Trung Quốc đại lục. Việc bản địa hóa các dịch vụ AI của Apple tại Trung Quốc đại lục sẽ rất quan trọng trong 12 tháng tới”, nhà phân tích Lucas Zhong của hãng Canalys viết trong một báo cáo tuần trước.

Apple áp dụng phương pháp tiếp cận kết hợp trong chiến lược AI của mình, tập trung vào quyền riêng tư, hứa sẽ xử lý hầu hết các phép tính AI trên thiết bị và sử dụng hệ thống Private Cloud Compute để xử lý các vấn đề AI phức tạp hơn. Private Cloud Compute là loại dịch vụ điện toán đám mây mà trong đó các tài nguyên máy tính (như máy chủ, lưu trữ, mạng) được dành riêng cho một tổ chức hoặc khách hàng cụ thể. Không giống như đám mây công cộng, nơi các tài nguyên được chia sẻ giữa nhiều khách hàng khác nhau, đám mây riêng tư cung cấp một môi trường cách ly, an toàn và bảo mật hơn.

“Với mô hình ngôn ngữ lớn trên thiết bị do Apple tự phát triển, tuân thủ quy định của chính phủ Trung Quốc là thách thức chính, trong khi bản địa hóa là mối quan tâm thứ yếu. Vấn đề bản địa hóa có thể được giải quyết thông qua việc điều chỉnh mô hình, còn quá trình tuân thủ sẽ mất thời gian”, Lucas Zhong nhận định.

Tại Trung Quốc, cuộc đua tích hợp các tính năng AI tạo sinh vào smartphone ngày càng khốc liệt khi các nhà cung cấp lớn của Trung Quốc, từ Xiaomi (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh) đến Vivo, Oppo và Huawei (có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông), đã tích hợp nhiều chức năng hỗ trợ AI vào thiết bị của họ để giúp người dùng viết tin nhắn văn bản, chỉnh sửa ảnh, trả lời cuộc gọi và ghi chú.

Dù Apple đã hợp tác với OpenAI (do Microsoft hậu thuẫn) để tích hợp AI tạo sinh vào Siri và công cụ khác trên các thiết bị của mình bên ngoài Trung Quốc, công ty vẫn chưa công bố đối tác địa phương nào tại thị trường Trung Quốc, nơi ChatGPT không khả dụng.

Arthur Guo, nhà phân tích cấp cao của hãng IDC Trung Quốc, nhận xét: "Khả năng triển khai Apple Intelligence tại Trung Quốc phụ thuộc vào các cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng sự khác biệt chính giữa việc triển khai tại Trung Quốc và phiên bản toàn cầu sẽ nằm ở trí tuệ nhân tạo dựa trên đám mây".

Samsung Electronics, đối thủ cạnh tranh của Apple, đã hợp tác với Google trên thế giới và đạt được thỏa thuận với Baidu để cung cấp khả năng AI cho dòng Galaxy S24 tại Trung Quốc. Gã khổng lồ tìm kiếm Baidu (có trụ sở tại Bắc Kinh) được cho đang đàm phán với Apple về một quan hệ đối tác tương tự.

nhung-thach-thuc-cua-apple-truoc-va-sau-khi-trien-khai-intelligence-tren-iphone-16-o-trung-quoc.jpg
Nhiều người dùng thử iPhone tại một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh - Ảnh: SCMP

Apple không còn xa lạ với nhu cầu về một hệ sinh thái iPhone độc ​​đáo để tuân thủ quy định tại thị trường Trung Quốc được quản lý chặt chẽ. Ví dụ, Apple đã nhượng quyền sở hữu hợp pháp dữ liệu khách hàng cho Guizhou-Cloud Big Data, công ty thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Các quy tắc kiểm duyệt tại Trung Quốc cũng chặn quyền truy cập của người dùng vào một số ứng dụng và dịch vụ lớn trên thế giới, gồm Instagram, Google Search và X trong cửa hàng ứng dụng địa phương.

Lucas Zhong dự kiến​​ việc phê duyệt và triển khai Apple Intelligence tại Trung Quốc sẽ không gặp quá nhiều khó khăn từ các cơ quan quản lý do công ty Mỹ nhấn mạnh việc tuân thủ trong quá trình đào tạo mô hình AI và chính sách bảo mật tương đối minh bạch của mình.

"Chúng ta có thể mong đợi việc ra mắt Apple Intelligence tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nâng cấp iPhone, nhưng thách thức chính với Apple là khôi phục lại sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc bằng các bản cập nhật đổi mới về tính năng", Lucas Zhong nhận định.

Thomas Chen (cư dân thành phố Thâm Quyến) cho biết sẽ gắn bó với iPhone ngay cả khi không có Apple Intelligence, vì anh đã tham gia hệ sinh thái Apple trong nhiều năm. "Hiện tại, AI vẫn chưa bước vào giai đoạn rất thông minh và tôi không nhất thiết phải có nó trên điện thoại của mình. Có nhiều cách thay thế để truy cập các dịch vụ AI mà tôi cần", Thomas Chen tâm sự.

Sự giám sát của Trung Quốc với công nghệ AI tạo sinh đã được thắt chặt, với các hướng dẫn và quy tắc mới trong năm nay để đảm bảo rằng nội dung do AI tạo ra phù hợp với những gì chính phủ cho phép. Tháng 8.2023, Trung Quốc đã áp dụng các quy định chi tiết quản lý các dịch vụ AI tạo sinh trong nước. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện các quy tắc bao phủ công nghệ mới nổi này.

Doanh số iPhone tại Trung Quốc giảm mạnh trong quý 2/2024

Doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đã giảm 6,7% trong quý 2/2024 khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như Vivo, Oppo và Huawei, theo dữ liệu từ Canalys.

Sự sụt giảm này nhấn mạnh những khó khăn mà Apple phải đối mặt ở thị trường lớn thứ ba của mình. Tổng doanh số iPhone của "Táo khuyết" trong quý 2/2024 là 9,7 triệu máy, giảm so với mức 10,4 triệu cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Canalys.

Ngược lại, doanh số smartphone Huawei tăng 41% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,6 triệu máy, được thúc đẩy bởi việc ra mắt dòng Pura 70 vào tháng 4. Dữ liệu từ Canalys cho thấy thị phần smartphone của Apple trong quý 2/2024 ở Trung Quốc giảm xuống còn 14%, từ 16% trong cùng kỳ năm 2023.

Hậu quả là thứ hạng Apple trên thị trường smartphone ở Trung Quốc từ vị trí thứ 3 rơi xuống thứ 6. Tổng doanh số smartphone của tất cả hãng Trung Quốc đã tăng 10% trong quý 2/2024, với Vivo là nhà cung cấp hàng đầu (chiếm 19% thị phần), tiếp theo là Oppo, Honor, Huawei và Xiaomi.

"Các nhà sản xuất smartphone trong nước đã chứng tỏ sự dẫn đầu thị trường, lần đầu tiên trong lịch sử chiếm 5 vị trí hàng đầu tại Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Apple đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng tại Trung Quốc và đang tích cực tập trung vào việc tối ưu hóa quản lý kênh phân phối", Lucas Zhong cho biết.

Những tính năng Apple Intelligence có trong phiên bản beta của iOS 18.1

Hôm 30.7, Apple phát hành phiên bản beta của iOS 18.1, iPadOS 18.1 và macOS Sequoia 15.1 dành cho nhà phát triển. Đáng chú ý nhất là bản beta của iOS 18.1 với các tính năng AI đầu tiên trong Apple Intelligence. Tuy nhiên, không phải tất cả tính năng AI từng được Apple công bố đều có mặt trong bản cập nhật này.

Theo trang 9to5Mac, một số tính năng Apple Intelligence có trong bản beta gồm Siri với thiết kế mới và khả năng duy trì ngữ cảnh qua nhiều yêu cầu, Mail trả lời thông minh và tóm tắt email, tìm kiếm bằng ngôn ngữ tự nhiên trong Ảnh... Trang Bloomberg đưa tin rằng nhiều tính năng quan trọng của Apple Intelligence sẽ được triển khai dần dần, chẳng hạn bản nâng cấp AI lớn hơn cho Siri, kéo dài đến tận năm 2025.

Nhiều tính năng AI được mong chờ nhất chưa có mặt trong phiên bản beta của iOS 18.1, bao gồm:

- Image Playground: Công cụ tạo sinh hình ảnh AI.

- Genmoji: Sử dụng công nghệ của Image Playground nói trên để tạo ra các biểu tượng cảm xúc mới.

- Khả năng tích hợp ChatGPT.

- Priority Notifications: Công cụ giúp tùy chỉnh thông báo phù hợp với người dùng.

- Tính năng loại bỏ các đối tượng không cần thiết trong hình ảnh.

- Các nâng cấp cho Siri gồm khả năng nhận biết trên màn hình, thao tác trong ứng dụng, ...

Để cài đặt các bản cập nhật này, bạn sẽ cần có iPhone 15 Pro hoặc iPhone 15 Pro Max. Với iPad và máy Mac, bạn cần thiết bị dùng chip dòng M của Apple. Sau khi cài đặt, người dùng sẽ phải tham gia danh sách chờ từ menu Cài đặt của thiết bị và chờ đợi thông báo khi nào có thể truy cập.

Các tính năng Apple Intelligence có trong bản beta iOS 18.1 gồm:

Công cụ viết

Người dùng có thể viết lại, kiểm tra lỗi và tóm tắt văn bản ở hầu hết mọi nơi họ viết, gồm Mail, Notes, Pages và các ứng dụng bên thứ ba.

Tính năng mới cho Siri

- Thiết kế mới với ánh sáng phát sáng bao quanh cạnh màn hình khi Siri đang hoạt động.

- Khả năng chuyển đổi giữa văn bản và giọng nói khi tương tác với Siri.

- Siri có thể trả lời hàng ngàn câu hỏi về cách thực hiện điều gì đó trên iPhone, iPad và Mac.

- Siri có thể theo dõi nếu người dùng nói lắp và duy trì ngữ cảnh từ yêu cầu này sang yêu cầu khác.

Tính năng mới cho Mail

- Một phần mới ở đầu hộp thư đến hiển thị các email khẩn cấp nhất.

- Tóm tắt email mà không cần mở tin nhắn.

- Trả lời thông minh, cung cấp gợi ý cho phản hồi nhanh.

Tính năng mới cho ảnh và video

- Tìm kiếm bằng ngôn ngữ tự nhiên để tìm ảnh cụ thể.

- Tìm kiếm trong video để tìm những khoảnh khắc cụ thể.

- Tạo kỷ niệm bằng cách chỉ cần nhập mô tả.

Cuối cùng là tính năng Focus mới chỉ hiển thị những thông báo cần chú ý ngay lập tức và khả năng phiên âm, tóm tắt bản ghi âm.

Bài liên quan
Giám đốc vận hành Apple gặp lãnh đạo Thâm Quyến nói về chuỗi cung ứng trước khi ra mắt iPhone 16
Giám đốc vận hành (COO) Apple đã đến thăm trung tâm công nghệ Thâm Quyến phía nam Trung Quốc để nói chuyện với bí thư thành ủy thành phố này về chuỗi cung ứng. Động thái đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc với Apple khi nhiều hãng công nghệ khác tìm cách “giảm thiểu rủi ro” từ nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Nhanh chóng làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối 1.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chuỗi sự kiện và điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ở thành phố Vũng Tàu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những thách thức của Apple trước và sau khi triển khai Intelligence trên iPhone 16 ở Trung Quốc