Dưới đây là 10 bức tranh khắc họa những phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa. Lý do gì khiến các tác phẩm này trở nên đặc biệt và hấp dẫn công chúng qua hàng trăm năm?
Hồi giữa thập niên 1480, danh họa Sandro Botticelli lần đầu thực hiện một bức tranh khỏa thân không mang đề tài tôn giáo, khắc họa "Sự ra đời của thần Vệ Nữ". Vài thế kỷ sau, Leonardo da Vinci tiếp tục tạo nên bước tiến mới trong mỹ thuật khi khắc họa chân dung nàng "Mona Lisa", nàng có làn da hoàn hảo, đôi mắt biểu cảm, nụ cười bí ẩn, mê hoặc hậu thế hàng trăm năm.
Đến năm 1871, họa sĩ James McNeill Whistler thực hiện bức "Sắp đặt trong gam xám và đen số 1" (hay còn được biết tới với tên gọi "Mẹ của Whistler"). Tác phẩm gây chú ý bởi tên tranh và cách vẽ độc đáo lạ thường.
Lúc này, họa sĩ Whistler lựa chọn chú trọng vào tạo hình và bố cục để đặc tả chiều sâu nội tâm nhân vật, khiến người xem tranh có những xúc cảm khác biệt mỗi khi nhìn ngắm lại tác phẩm - một bức họa chứa đựng cả chiều sâu tâm lý nhân vật được thể hiện qua bố cục, tạo hình, đường nét và màu sắc.
Đầu thế kỷ 20, xuất hiện Gustav Klimt, ông đặc tả phụ nữ một cách huyền diệu và thoát ly thực tế, những bức tranh có khảm những lá vàng đưa lại cảm nhận mới lạ và cuốn hút đối với vẻ đẹp mới lạ của nữ giới trong hội họa.
Rồi đến những bức tranh tự họa của nữ họa sĩ Frida Kahlo, người ta tìm thấy thêm những yếu tố của văn hóa dân gian, tìm thấy thêm một góc nhìn của phụ nữ về chính họ trong đời sống hội họa, qua đó người xem không chỉ thấy hình hài mà còn cả tâm trí của người phụ nữ.
Sau cùng, Andy Warhol khắc họa sự ám ảnh của đời sống văn hóa đại chúng đối với các ngôi sao nữ, những tác phẩm của ông đưa lại cảm nhận mạnh mẽ, dữ dội và có chút gì đó "không thoải mái" cho người xem, nó phản ánh chính khía cạnh không lành mạnh một khi công chúng bị ám ảnh thái quá về những ngôi sao.
Danh họa người Ý Sandro Botticelli và bức "Sự ra đời của thần Vệ Nữ", thực hiện hồi giữa thập niên 1480
Danh họa Botticelli đặc tả một nữ thần Hy Lạp, vị nữ thần của tình yêu, nàng bước lên từ biển cả trong dáng hình một phụ nữ trưởng thành. Dáng vóc của nàng vừa lý tưởng như đã được đề cập trong những câu chuyện thần thoại, vừa có tính chất thế tục như biểu trưng cho tình yêu nơi trần thế.
Danh họa người Ý Leonardo da Vinci và bức "Mona Lisa", thực hiện từ năm 1503 - 1505
Nổi tiếng với nụ cười bí ẩn, đây là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất khắc họa nữ giới. Bức "Mona Lisa" đại diện cho những chuẩn mực về một bức chân dung bán thân cổ điển của thời Phục hưng, nhân vật xuất hiện trên cái nền là cảnh quan thiên nhiên.
Những đường cong khắc họa mái tóc hay trang phục của người phụ nữ cộng hưởng với những đường uốn lượn khắc họa dãy núi, con sông nơi hậu cảnh, tạo nên mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người.
Danh họa Hà Lan Johannes Vermeer và bức "Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai", thực hiện năm 1665
Bức tranh thường được gọi là "Mona Lisa của Hà Lan" bởi sức hấp dẫn lớn tỏa ra từ nhân vật người phụ nữ bí ẩn xuất hiện trong tranh. Chiếc khuyên tai ngọc trai chính là điểm nhấn thị giác của bức tranh, cách khắc họa ánh sáng và mảng tối trên chiếc khuyên tai đã trở thành một chi tiết kinh điển trong lịch sử hội họa.
Danh họa người Pháp Edouard Manet và bức "Olympia", thực hiện hồi năm 1856
Danh họa Edouard Manet khắc họa một phụ nữ khỏa thân. Những chi tiết trong tranh đã hé lộ về đời tư, thân thế của người phụ nữ này, tác phẩm từng khiến nhiều người xem tranh nổi giận.
Cách khắc họa một phụ nữ quá táo bạo từ xuất thân, đời tư, cho tới đôi mắt nhìn thẳng vào người xem tranh trong trạng thái khỏa thân từng khiến công chúng và giới phê bình giận dữ bởi nhân vật nữ quá táo bạo, vượt ra ngoài những khuôn khổ thường thấy về hình ảnh người phụ nữ khỏa thân được khắc họa trong tranh.
Cũng chính vì những tranh cãi, giận dữ đó, mà bức tranh có một vị trí quan trọng trong lịch sử hội họa bởi đã vượt ra ngoài những giới hạn khuôn mẫu thời bấy giờ.
Danh họa người Mỹ James McNeill Whistler và bức "Sắp đặt với gam màu xám và đen số 1" (hay còn được gọi là bức "Mẹ của Whistler"), thực hiện hồi năm 1871
Bức tranh này về sau được nhìn nhận là một tác phẩm có tính biểu tượng, lột tả những khó khăn mà nhiều người phải trải qua trong đời sống. Bức họa đã đạt tới tầm cao về khắc họa tâm lý nhân vật và gợi lên xúc cảm chiều sâu trong người xem mỗi khi chiêm ngưỡng tác phẩm này. Từ dáng hình của người phụ nữ đứng tuổi ấy, người ta cảm nhận được nhiều nét tâm trạng.
Danh họa người Áo Gustav Klimt và bức "Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer I", thực hiện hồi năm 1907
Bức họa đặc tả chân dung một người phụ nữ có khảm những lá vàng rực rỡ được thực hiện trong giai đoạn vàng của sự nghiệp Gustav Klimt. Vẻ đẹp của nàng Adele được nhấn mạnh ở đôi mắt giàu biểu cảm. Đây cũng là một trong những bức vẽ huyền thoại khắc họa chân dung một người phụ nữ.
Danh họa người Áo Egon Schiele và bức "Chân dung Edith, vợ của họa sĩ", thực hiện hồi năm 1915
Thêm một tác phẩm được thực hiện bởi họa sĩ đến từ nước Áo, bức họa được thực hiện vào đúng năm họa sĩ Egon Schiele tổ chức hôn lễ. Trong tranh, ông khắc họa vợ mình như một búp bê, bộ váy rực rỡ trở thành điểm nhấn của tác phẩm, trong khi đó, đôi mắt màu xanh như thể đôi mắt của trẻ thơ là nét nổi bật nhất trên gương mặt của người phụ nữ.
Phong cách khắc họa chân dung của Schiele đẩy cao sự kịch tính, đưa lại những xúc cảm mạnh, sống động, trong đó, hình hài nhân vật có những nét biến ảo lạ lùng, chẳng hạn như trong bức tranh này là đôi tay của người phụ nữ, những đường nét ấy vừa là nét riêng đặc trưng cho phong cách của Schiele, vừa đánh dấu vị trí của Schiele là một người đi tiên phong của chủ nghĩa Biểu hiện.
Danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso và bức "Chân dung nàng Dora Maar", thực hiện hồi năm 1937
Pablo Picasso đã vẽ nhiều bức tranh khắc họa chân dung những người tình của ông, trong đó, đáng nhớ nhất là những bức khắc họa chân dung nữ nhiếp ảnh gia Dora Maar. Bức tranh chân dung này được thực hiện theo trường phái lập thể - một phong cách trứ danh trong sự nghiệp hội họa của Pablo Picasso.
Nữ danh họa người Mexico - Frida Kahlo và bức "Chân dung tự họa với vòng cổ gai và chú chim ruồi", thực hiện hồi năm 1940
Frida Kahlo đã thực hiện nhiều bức chân dung tự họa trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình. Bức tranh này khắc họa những vật nuôi yêu thích nhất của nữ họa sĩ, những chú khỉ trong tranh tượng trưng cho những đứa trẻ mà nữ họa sĩ không bao giờ có thể sinh ra vì những vấn đề sức khỏe của bà.
Trong cuộc đời mình, bà Frida Kahlo đi qua nhiều đau khổ, vòng gai đeo trên cổ như đang cắt cứa vào cổ bà, đó là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa, nhưng gương mặt của bà trong tranh vẫn rất bình thản, như thể nhẫn nại chịu đựng những đau đớn.
Danh họa người Mỹ Andy Warhol và bức "Shot Blue Marilyn", thực hiện hồi năm 1964
Andy Warhol thực hiện một số bức tranh khắc họa minh tinh Marilyn Monroe, một biểu tượng về vẻ đẹp gợi cảm ở Hollywood. Nhưng những bức tranh này được thực hiện không phải với ý niệm tôn sùng danh tiếng, vẻ đẹp và sự hào nhoáng trong cuộc đời của nàng như nhiều người lầm tưởng.
Bức họa "Shot Blue Marilyn" được thực hiện ở thời điểm hai năm sau sự ra đi quá sớm, quá đột ngột của nữ diễn viên đình đám, rõ ràng bức họa này chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn một sự tôn sùng đơn thuần. Tác phẩm cho thấy khía cạnh ám ảnh của công chúng về Marilyn, cũng như tính chất khó đoán và dữ dội của đời sống.