Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện chỉ có 8 quốc gia khác không ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nào.
Niue đã ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên và trở thành hòn đảo thứ hai ở Thái Bình Dương mất tình trạng không COVID-19 trong vòng một tuần.
Chính quyền Niuean cho biết ca mắc COVID-19 đầu tiên đến từ một chuyến bay từ New Zealand, cùng 26 hành khách khác hôm 7.3. Các du khách đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành.
“Trường hợp dương tính với COVID-19 đang bị cách ly và sẽ được giám sát chặt chẽ bởi các quan chức y tế của Niue. Ở giai đoạn này, chúng tôi hiểu rằng trường hợp dương tính đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường và trả kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi lên chuyến bay từ New Zealand”, Thủ hiến Niuean - Dalton Tagelagi nói.
Các chuyên gia cho rằng ca COVID-19 đầu tiên ở Niuean nhiễm biến thể Omicron, vốn đang lan rộng toàn cầu và tránh được miễn dịch từ vắc xin.
Ông Dalton Tagelagi cho biết Niuean đã chuẩn bị để ứng phó COVID-19.
"Chúng tôi đã sẵn sàng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Chúng tôi vẫn cảnh giác, đã phát hiện trường hợp này và bây giờ tôi yêu cầu các bạn cũng nên cảnh giác", Dalton Tagelagi kêu gọi người dân Niuean.
Đảo quốc có dân số dưới 2.000 người, tỷ lệ tiêm vắc xin cao - 97% những người từ 16 tuổi trở lên và 98% người từ 12-16 tuổi.
“Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cực kỳ cao là một yếu tố khác có lợi cho chúng tôi, vì nó làm chậm quá trình lây truyền và giảm tác động đến sức khỏe những người nhiễm vi rút này”, ông Dalton Tagelagi nhận định.
Các quan chức có tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Niuean đang cách ly và sẽ được giám sát chặt chẽ cũng như xét nghiệm.
Niue là đảo quốc thứ hai ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trong tuần này. Quần đảo Chatham của New Zealand, một trong những nơi có người xa nhất trên thế giới, cũng báo cáo ca mắc COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chỉ còn 8 quốc gia không ghi nhận bất kỳ ca mắc COVID-19 nào gồm Tuvalu, Tokelau, Saint Helena, Quần đảo Pitcairn, Nauru và Liên bang Micronesia.
Turkmenistan và Triều Tiên cũng không báo cáo trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nào, nhưng WHO nghi ngờ điều đó.
Số liệu về COVID-19 ở các đảo Thái Bình Dương hứng chịu đợt bùng phát dịch đầu tiên là nhỏ so với các nước lớn hơn. Thế nhưng, các quần thể nhỏ bé của họ phải đối mặt nguy cơ hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh bị quá tải.
Katie Greenwood, người đứng đầu phái đoàn Chữ thập đỏ Thái Bình Dương, nói: “Với những gì chúng tôi biết về COVID-19 thì ít nhất nó có thể sẽ tấn công họ trong năm tới hoặc lâu hơn”.
Tonga báo cáo đợt bùng phát dịch đầu tiên sau khi vi rút SARS-CoV-2 đến cùng các tàu cứu trợ quốc tế sau vụ núi lửa lớn phun trào ngày 15.1.2022, sau đó là một trận sóng thần. Hiện đã có 1.220 ca mắc COVID-19, nhưng với 66,5% dân số được tiêm vắc xin đầy đủ, Tonga đến nay ghi nhận hầu hết bệnh nhân bị các triệu chứng nhẹ và chưa có trường hợp tử vong.
Quần đảo Solomon chứng kiến đợt bùng phát dịch đầu tiên vào tháng 1.2022 và hiện có 8.491 ca mắc COVID-19 với 118 trường hợp tử vong. Số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều, với bệnh viện ở Honiara (thủ đô Quần đảo Solomon) quá tải và nhiều người chết tại nhà, Katie Greenwood nói.
Chỉ 14,6% người dân Quần đảo Solomon tiêm vắc xin đầy đủ, nhưng đợt bùng phát dịch đã tạo động lực mới cho chiến dịch tiêm vắc xin của nước này và 31,3% hiện đã nhận ít nhất một mũi.