Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo nói rằng các công ty công nghệ Trung Quốc bất chấp các hạn chế của Mỹ để xuất khẩu sang Nga có thể bị cắt nguồn cung thiết bị và phần mềm mà họ cần để tạo ra sản phẩm.

Mỹ trừng phạt các hãng công nghệ Trung Quốc hỗ trợ Nga, Moscow dọa làm 'tổn thương' phương Tây

Sơn Vân | 09/03/2022, 17:35

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo nói rằng các công ty công nghệ Trung Quốc bất chấp các hạn chế của Mỹ để xuất khẩu sang Nga có thể bị cắt nguồn cung thiết bị và phần mềm mà họ cần để tạo ra sản phẩm.

Chính quyền Biden có thể đóng cửa với SMIC (hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) hoặc bất kỳ công ty Trung Quốc nào bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ tiếp tục cung cấp chip và công nghệ tiên tiến khác cho Nga, bà Gina Raimondo nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 8.3.

Mỹ dọa đưa các công ty này vào danh sách đen thương mại nếu áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới chống lại Nga. Lý do vì Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn một loạt công nghệ đến Nga, quốc gia tấn công Ukraine từ ngày 24.2 vừa qua.

Nếu Mỹ phát hiện ra rằng một công ty như SMIC đang bán chip của mình cho Nga, về cơ bản, chúng tôi có thể đóng cửa với SMIC để ngăn họ sử dụng thiết bị và phần mềm của chúng tôi", bà Gina Raimondo nói.

SMIC đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.

my-trung-phat-cac-hang-cong-nghe-trung-quoc-ho-tro-nga.jpg
SMIC sẽ bị Mỹ trừng phạt nếu hỗ trợ Nga

Tại Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết nước này phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt và kiềm chế đơn phương nào từ Mỹ, đồng thời mong muốn chính sách của Mỹ với Ukraine và Nga "không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của Trung Quốc".

Ông Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: "Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền lợi của các công ty và cá nhân Trung Quốc".

Nga dọa làm tổn thương phương Tây

Hôm 9.3, Nga cảnh báo rằng họ đang nỗ lực đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt diễn ra nhanh chóng và có thể thực hiện được ở những khu vực nhạy cảm nhất phương Tây.

Nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 sau khi phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt làm tê liệt gần như toàn bộ hệ thống tài chính và doanh nghiệp Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết: “Phản ứng của Nga sẽ nhanh chóng, chu đáo và nhạy cảm với những vấn đề mà nước này giải quyết".

Tổng thống Mỹ - Joe Biden hôm 8.3 đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và năng lượng khác từ Nga.

Đầu tuần này, Nga đã cảnh báo rằng giá dầu có thể lên tới hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Nga cho biết châu Âu tiêu thụ khoảng 500 triệu tấn dầu mỗi năm, trong khi nước này cung cấp khoảng 30% trong số đó (hay 150 triệu tấn) cũng như 80 triệu tấn hóa dầu.

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng "hoạt động quân sự đặc biệt" là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga sau khi Mỹ mở rộng liên minh quân sự NATO đến biên giới nước này và hỗ trợ các nhà lãnh đạo thân phương Tây ở Ukraine.

Ukraine cho biết đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình. Mỹ cùng các đồng minh châu Âu lẫn châu Á đã lên án cuộc tấn công của Nga.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã kêu gọi các nước kiềm chế. Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm nền kinh tế thế giới phát triển chậm lại.

Hôm 9.3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký lệnh hạn chế, cấm xuất hoặc nhập khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô. Sắc lệnh vừa được ban bố có đoạn: “Đảm bảo thực hiện các biện pháp kinh tế đặc biệt cho đến ngày 31.12.2022: Cấm xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc nguyên liệu căn cứ theo danh mục do chính phủ liên bang Nga đặt ra”. Ngoài ra, lệnh sẽ bao gồm cả danh sách hàng hóa thuộc diện hạn chế xuất nhập khẩu riêng.

Trong vòng 2 tuần tới, Nga lập cả danh sách quốc gia bị áp dụng biện pháp này. Việc hạn chế không áp dụng với sản phẩm hoặc nguyên liệu thô được công dân vận chuyển cho nhu cầu cá nhân.

Thông tin về lệnh cấm xuất nhập khẩu được đưa ra sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga. Trong khi châu Âu triển khai kế hoạch cắt giảm nhập năng lượng Nga để giảm phụ thuộc vào nguồn cung này.

Trước đó, Phó thủ tướng Nga - Alexander Novak từng đe dọa đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 dẫn tới Đức.

Bài liên quan
Đài Loan ra lệnh, hãng chip lớn nhất thế giới tuân thủ để trừng phạt Nga
TSMC hoàn toàn cam kết tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu mới sau khi chính quyền Đài Loan cho biết sẽ tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế với Nga vì tấn công Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
7 phút trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ trừng phạt các hãng công nghệ Trung Quốc hỗ trợ Nga, Moscow dọa làm 'tổn thương' phương Tây