Trung Quốc tận dụng tối đa lực lượng quân đội (PLA) để xây dựng hình ảnh quốc gia dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 khi Mỹ đang bận rộn tập trung đối phó dịch bệnh ở trong nước.

Nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc chưa chắc hiệu quả

10/05/2020, 14:25

Trung Quốc tận dụng tối đa lực lượng quân đội (PLA) để xây dựng hình ảnh quốc gia dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 khi Mỹ đang bận rộn tập trung đối phó dịch bệnh ở trong nước.

Lô vật tư y tế Trung Quốc viện trợ cho Myanmar - Ảnh: EPA-EFE

Cuối tháng trước quân y Trung Quốc đến thành phố Yangon của Myanmar thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch. Họ đem theo lô hàng y tế gồm khẩu trang và thiết bị phòng thí nghiệm.

Đến nay PLA đã triển khai đội ngũ quân y hoặc cung cấp vật tư y tế cho hàng chục quốc gia như Myanmar, Lào, Campuchia, Lebanon, Iraq, Iran, Pakistan… Ngoài ra còn có hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến.

Theo học giả Jeffrey Becker thuộc tổ chức nghiên cứu CAN (Mỹ): “Những hoạt động hỗ trợ chống dịch nằm trong nỗ lực tạo nên hình ảnh “thế lực toàn cầu” Trung Quốc có trách nhiệm, hướng chú ý khỏi việc nước này ban đầu xử lý khủng hoảng một cách sai lầm”.

Cách làm đó còn một mục đích khác nữa là tăng cường thiện chí với các nước mang tầm quan trọng chiến lược, bảo vệ lợi ích ở nước ngoài ngày càng lớn của Trung Quốc. Tuần trước Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố PLA sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quân sự với quốc gia khác thông qua triển khai đội ngũ y tế, cung cấp vật tư y tế lẫn tư vấn chuyên môn.

Trước khi ra nước ngoài hỗ trợ chống dịch, quân y Trung Quốc từng được gửi đến Vũ Hán cho nhiệm vụ tương tự - Ảnh: EPA-EFE

Bất kể động cơ của chính quyền Bắc Kinh là gì, học giả Becker nhận xét PLA phải đối mặt với hai trở ngại lớn: không đáng tin và thiếu kinh nghiệm.

Những hoạt động hỗ trợ chống dịch được tiến hành vào thời điểm tâm lý nghi ngờ Trung Quốc đang rất mạnh mẽ, theo học giả Becker. Sự nghi ngờ xuất phát từ hàng loạt cáo buộc gián điệp thương mại nhắm vào Trung Quốc lâu nay cộng thêm thái độ quyết liệt của các nhà ngoại giao nước này khi bào chữa cho sai lầm xử lý dịch bệnh.

Hơn nữa, PLA chỉ mới bắt đầu hợp tác với lực lượng quân đội nước ngoài vài năm gần đây. Học giả Becker chỉ ra rằng: “Quân đội Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển năng lực thể chế lẫn văn hóa tổ chức cần thiết – điều mà quân đội Mỹ phải mất đến hàng thập kỷ”.

Chuyên gia quân sự Chu Thần Minh (ở Bắc Kinh) đánh giá dù Mỹ chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn cầu chống dịch COVID-19 như ở những cuộc khủng hoảng trước đó, tuy nhiên khi thực sự “thức tỉnh” thì họ sẽ ra tay giúp đỡ quốc gia khác.

Hiện tại quân đội Mỹ vẫn có đóng góp đáng kể: Bộ tư lệnh châu Phi cung cấp vật tư y tế cho nhiều nước ở lục địa đen, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm đối phó dịch bệnh.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nhận xét việc chính quyền Washington đương nhiệm không đứng ra dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 đem lại cơ hội cho Bắc Kinh tự khẳng định mình. Nay muốn củng cố vị trí lãnh đạo toàn cầu thì Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc phát triển vắc xin, kích thích tài chính, cung cấp hỗ trợ cần thiết.

Theo chuyên gia Chu, giúp đỡ từ PLA có thể góp phần cải thiện quan điểm với Trung Quốc của một số quốc gia về ngắn hạn, nhưng mức độ cải thiện còn phải xem nước này hành động nhất quán hay không.

Cẩm Bình (theo SCMP, Tân Hoa Xã)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc chưa chắc hiệu quả