Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Úc cùng nhiều quốc gia khác gấp rút dựng lên hàng loạt rào cản để ngăn chặn thế lực bên ngoài lợi dụng tình hình dịch bệnh thâu tóm doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quan trọng. Đối tượng họ lo ngại nhất chính là Trung Quốc.

Các nước đề phòng nguy cơ doanh nghiệp bị Trung Quốc thâu tóm

09/05/2020, 15:24

Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Úc cùng nhiều quốc gia khác gấp rút dựng lên hàng loạt rào cản để ngăn chặn thế lực bên ngoài lợi dụng tình hình dịch bệnh thâu tóm doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quan trọng. Đối tượng họ lo ngại nhất chính là Trung Quốc.

Giá trị hàng loạt công ty sụt giảm vì COVID-19 - Ảnh: SCMP

Đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng suy thoái kinh tế cực kỳ nghiêm trọng. Hàng nghìn tỉ USD định giá công ty bị xóa sổ, chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ) dù thời gian qua hồi phục nhẹ nhưng từ cuối tháng 2 đến nay đã giảm đến 18%. Kể từ giữa tháng 2, hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu Boeing và Airbus mất hơn 60% giá trị thị trường. Cổ phiếu của “ông lớn” dầu khí Ý ENI cũng như của tập đoàn khai khoáng lớn nhất nước Úc BHP từ tháng 1 đều giảm hơn 40%.

Doanh nghiệp hàng không cùng năng lượng mất giá đem lại cơ hội thâu tóm cho đối thủ như Trung Quốc. Chính quyền các nước vài tuần qua đã triển khai những biện pháp bảo vệ - tăng cường rà soát đầu tư nước ngoài hay thậm chí cân nhắc mua lại cổ phần một số công ty có vai trò chiến lược.

Tháng trước, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager kêu gọi 27 thành viên xem xét biện pháp mua cổ phần để ngăn mối nguy Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25.3 ban hành bộ hướng dẫn đầu tư nước ngoài mới với nội dung yêu cầu bảo vệ tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu điều trị, công nghệ sinh học, cơ sở hạ tầng. Quy định mới đòi hỏi quốc gia thành viên như Bỉ hay Hy Lạp thiết lập ngay cơ chế sàng lọc đầu tư.

Theo EC: “Những tài sản chiến lược rất quan trọng đối với an ninh châu Âu, tạo nên xương sống của nền kinh tế”. Ủy viên EU Phil Hogan cũng nhắc nhở: “Hãy nhớ một thương vụ thâu tóm ở nước bạn có thể tác động đến an ninh quốc gia khác hay thậm chí đến lợi ích toàn khối. Ngày nay, sự cởi mở dành cho đầu tư nước ngoài cần đi kèm công cụ sàng lọc thích hợp”.

Ngoài châu Âu, giới chức Úc thẩm tra kỹ lưỡng mọi thương vụ thâu tóm do đơn vị nước ngoài thực hiện, bãi bỏ ngưỡng giá trị đồng USD, kéo dài thời gian xem xét từ 30 ngày lên 6 tháng.

Chính quyền Canberra bày tỏ lo ngại: “Giao dịch tái cấu trúc nợ có khả năng sẽ gia tăng, cùng với đó là cơ hội đầu tư vào hàng loạt tài sản. Nếu không thay đổi (cơ chế rà soát đầu tư) thì nhiều doanh nghiệp Úc sẽ bị bán cho nước ngoài mà chính quyền không giám sát được, đem lại rủi ro cho lợi ích quốc gia”.

Ngày 17.4, Ấn Độ sửa đổi quy định đầu tư để áp dụng cho cả những quốc gia láng giềng - động thái mà Viện Nghiên cứu Brookings đánh giá là nhắm vào Trung Quốc.

Theo Viện Nghiên cứu Brookings: “Cách tiếp cận của chính quyền Bắc Kinh khiến New Delhi càng thêm lo ngại. Do cuộc khủng hoảng lần này, quyết tâm thúc đẩy sản xuất nội địa hoặc đa dạng hóa nguồn cung sẽ càng mãnh liệt”.

Kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn khiến Trung Quốc hồi phục kinh tế sớm hơn phương Tây. Đây là lợi thế lớn góp sức cho tham vọng thâu tóm.

Mặc dù đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc giảm xuống còn 117 tỉ USD, nhưng nước này vẫn tập trung đổ tiền vào công nghệ và truyền thông. Hãng Reuters tuần qua đưa tin chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị một kế hoạch mang tên “China Standards 2035”: thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho phân phối sản xuất, đưa vào sử dụng công nghệ thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo.

Vào tháng 3, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách giám sát đầu tư nước ngoài Ellen Lord cảnh báo: “Chúng ta cần nhận thức rõ rằng trong thời khủng hoảng này, nền tảng công nghiệp quốc phòng rất dễ bị tấn công bởi thế lực thù địch”. Bà nhận định doanh nghiệp nhỏ dễ chấp nhận ký kết thỏa thuận có vấn đề với nhà đầu tư nước ngoài.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước đề phòng nguy cơ doanh nghiệp bị Trung Quốc thâu tóm