Trong cuộc gặp tại Thẩm Quyến tháng trước, Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hồng Kông - Macau (HKMAO) Hạ Bảo Long bày tỏ lo ngại Hồng Kông sẽ trở thành kẽ hở trong nền an ninh Trung Quốc.
Ông đề nghị Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nghiêm túc xem xét cách thức thực thi luật pháp liên quan, theo các nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Năm 2003, chính quyền cựu Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa từng muốn thực thi Điều 23 Luật cơ bản (bộ luật tối cao của Hồng Kông) về “an ninh quốc gia” – cấm tuyệt đối những hành vi bị cho là phản quốc hay lật đổ chính quyền, nhưng cuối cùng phải hoãn lại vì người dân phản đối mạnh mẽ.
Đặc khu trưởng Lâm trước đó từng tuyên bố chính quyền của bà có trách nhiệm ban hành một đạo luật an ninh quốc gia theo Điều 23, và bà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.
Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc chính quyền trung ương tại Hồng Kông (LOCPG) Lạc Huệ Ninh trong tháng 4 cũng đòi hỏi một cơ chế pháp lý để chống lại can thiệp từ bên ngoài, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.
Ngoài vấn đề an ninh quốc gia, ông Hạ còn đề cập sự cần thiết phải tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) sắp tới một cách công bằng.
Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 6.9. Với tâm lý bất mãn chính quyền đặc khu lan rộng thời gian qua, phe đối lập gồm những chính đảng đòi dân chủ hy vọng sẽ nắm quyền kiểm soát LegCo lần đầu tiên, sau khi giành chiến thắng ở bầu cử cấp địa phương tháng 11 năm ngoái.
Hồng Kông từ tháng 6.2019 đến đầu năm 2020 chìm trong bất ổn vì người dân biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Phong trào chỉ tạm lắng vì dịch COVID-19 hoành hành, nhưng dịp lễ Quốc tế Lao động vừa qua chứng kiến biểu tình quay trở lại. Giới chức Bắc Kinh nhiều lần đe dọa sẽ không dung thứ.
Cẩm Bình (theo SCMP)