Đâu là lý do khiến một trong những đất nước có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới như Trung Quốc lại quá ám ảnh với vấn đề đô thị hóa, đến mức muốn tập trung một phần lớn dân cư vào những siêu đô thị vốn chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích lãnh thổ?

Nỗi ám ảnh đô thị hóa của Trung Quốc

Nhàn Đàm | 27/08/2016, 05:42

Đâu là lý do khiến một trong những đất nước có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới như Trung Quốc lại quá ám ảnh với vấn đề đô thị hóa, đến mức muốn tập trung một phần lớn dân cư vào những siêu đô thị vốn chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích lãnh thổ?

Chắc chắn một điều rằng, Trung Quốc đang là quốc gia sở hữu đồ án quy hoạch các hệ thống siêu đô thị trong tương lai gần có quy mô lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Theo đó, Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập mô hình chuỗi siêu đô thị có sức chứa ít nhất là 50 triệu người thành một hệ thống phân bố rải rác khắp cả nước – điều chưa từng có nước nào thực hiện được.

Các siêu đô thị khổng lồ này không chỉ là những trung tâm kinh tế hiện đại có mức độ liên kết cao và phồn thịnh bậc nhất thế giới, mà còn là cơ sở để Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở nước này vốn đang có dấu hiệu chững lại sau khi nền kinh tế giảm tốc từ cuối năm 2015.

Vậy, đâu là lý do khiến cho một trong những đất nước có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới như Trung Quốc lại quá ám ảnh với vấn đề đô thị hóa, đến mức muốn tập trung phần lớn lượng dân cư vào những siêu đô thị vốn chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích lãnh thổ?

Có thể nói, đô thị hóa là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi mở cửa đất nước và nền kinh tế cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong con mắt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù là thế hệ này hay thế hệ khác, đô thị hóa đóng một vai trò quan trọng bậc nhất đốivới phát triển kinh tế, theo đó mức độ đô thị hóa càng cao và càng nhiều người dân Trung Quốc sống ở các đô thị hơn thì đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ ngày càng hùng mạnh.

Quả thực, đúng là có một sự liên hệ khá chặt chẽ giữa quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua với quá trình đô thị hóa chóng mặt ở nước này. Nếu như vào thời điểm mở cửa cuối thập kỷ 70, chỉ có khoảng gần 30% dân số Trung Quốc sống tại các thành phố, thì sau ba thập kỷ phát triển nhanh chóng, tỷ lệ này đã tăng lên thành hơn 50%. Hiện phân nửa trong số 1,3 tỷ dân Trung Quốc đang sống tại các đô thị và thành phố.

Mục tiêu đô thị hóa mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cũng đầy tham vọng, theo đó đến năm 2030 có khoảng 70% dân số nước này sẽ sống tại các đô thị và thành phố. Trong đó, không chỉ có ngày càng nhiều người dân từ các vùng nông thôn chuyển đến các thành phố sinh sống và làm việc, mà còn mang ý nghĩa sẽ có ngày càng nhiều thành phố mới mọc lên ở Trung Quốc.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, như một yếu tố cần thiết để tiếp tục duy trì quá trình đô thị hóa. Nhưng, sự giảm tốc kinh tế từ cuối năm 2015 đang khiến cho mục tiêu tham vọng này đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Không những quá trình đô thị hóa không tăng thêm, mà còn đang dừng hẳn lại, người dân Trung Quốc giờ đây ít rời khỏi nông thôn để chuyển đến các thành phố hơn trước, mà thậm chí số người rời bỏ các thành phố để trở về nông thôn đang ngày càng tăng lên, do tốc độ tăng thu nhập bình quân tại các vùng nông thôn Trung Quốc đang ngày càng tăng lên. Đây là điều dễ hiểu, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến cho việc làm ở thành phố ngày càng khan hiếm, thì tất yếu quá trình đô thị hóa sẽ dừng lại.

Và chính phủ Trung Quốc đang tìm một giải pháp khác cho bài toán này, đó là quy hoạch các chuỗi siêu đô thị có sức chứa khoảng 50 triệu người trên khắp cả nước. Cụ thể, Trung Quốc sẽ nỗ lực tạo ra các chuỗi đô thị lớn cạnh nhau và kết nối với nhau như những đặc khu kinh tế khổng lồ. Thượng Hải là một ví dụ, thành phố hiện đang có dân số 24 triệu người này sẽ trở thành hạt nhân cho một chuỗi các đô thị vệ tinh lân cận lên tới con số 30, trong đó mỗi đô thị vệ tinh sẽ có dân số từ 1-2 triệu người.

Các đô thị vệ tinh có dân số khá khiêm tốn này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn, vì nó giải quyết được các vấn đề như giá cả nhà đất và an sinh xã hội. Giá nhà đất tại các thành phố lớn như Thượng Hải thường rất cao, nhưng tại các đô thị vệ tinh có dân số trung bình và được quy hoạch tốt, nó sẽ ở mức hợp lý đủ để thu hút người mua. Ngoài ra, kết nối hạ tầng giao thông hiện đại với Thượng Hải cũng sẽ khiến các đô thị vệ tinh này kết nối chặt chẽ về kinh tế.

Theo quy hoạch, sẽ có ít nhất là 3 chuỗi siêu đô thị như trên được triển khai trong tương lai gần. Ngoài Thượng Hải, thì hai chuỗi còn lại là cụm thành phố đồng bằng sông Châu Giang và cụm thành phố nối liền hành lang Bắc Kinh-Thiên Tân. Cả 3 chuỗi siêu đô thị trên đều sẽ có dân số ít nhất là 50 triệu người. Nếu thành công, nó sẽ được mở rộng ra những khu vực khác, như vùng Tây Nam với thành phố Thành Đô làm trung tâm.

Việc tạo thành các chuỗi đô thị khổng lồ này được chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành một mũi tên trúng hai đích, vừa trở thành các đặc khu kinh tế quy mô cực lớn và là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại, vừa thúc đẩy quá trình đô thị hóa đang có dấu hiệu dừng lại ở nước này.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này nhận được những hoài nghi lớn. Về cơ bản, nó gần giống với kiểu suy nghĩ quy hoạch truyền thống của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là “cầm đèn chạy trước ô tô”; thay vì xây dựng các thành phố mới theo nhu cầu thực tế phát sinh, thì chính phủ nước này lại xây dựng các thành phố mới theo quy hoạch từ trước với niềm tin rằng chắc chắn người dân sẽ nhanh chóng đến và lấp đầy.

Chính việc xây dựng hạ tầng không tuân theo nhu cầu thực tế là nguyên nhân tạo ra số lượng lớn các đô thị ma khắp Trung Quốc, và giờ đây có vẻ như kế hoạch các chuỗi siêu đô thị này cũng tương tự như vậy.

Giáo sư Alain Bertaud về quy hoạch tại đại học New York, người đã tư vấn về quy hoạch cho chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm qua, cho rằng: “mật độ các thành phố kế cận nhau nếu quá cao thì sẽ không hiệu quả”. Nói cách khác, điều này chẳng khác gì một sự cưỡng ép mở rộng các thành phố lớn bằng cách xây dựng các đô thị vệ tinh lân cận mà không có nhu cầu thực tế.

Kế hoạch xây dựng chuỗi các siêu đô thị lớn của Trung Quốc, về lý thuyết đang ngăn cản quá trình lan tỏa phát triển tự nhiên của nền kinh tế nước này từ các thành phố lớn về các vùng nông thôn, và từ các trung tâm sản xuất và thương mại phía Đông lan sang các vùng phía Tây.

Xây dựng các siêu đô thị lớn, là cưỡng bách sự phát triển kinh tế giới hạn trong phạm vi các siêu độ thị này. Đó là một điều chưa từng có tiền lệ trên thế giới, kể cả tại các nền kinh tế phát triển nhất hành tinh như Mỹ, Nhật hay châu Âu. Và vì thế, kế hoạch có phần quá to tát này nhận được sự nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quy định siết việc phân lô bán nền: Hiểu sao cho đúng?
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng quy định hạn chế phân lô bán nền chỉ áp dụng đối với dự án bất động sản, không áp dụng với đất cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tách thửa với mục đích cho/tặng, thừa kế, chuyển nhượng cho người khác.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi ám ảnh đô thị hóa của Trung Quốc