Một số dân tộc thiểu số ở Myanmar vẫn nằm trong tình trạng mất kết nối internet khi các chỉ trích chính phủ ngày càng tăng.
Công dân Myanmar sống ở một số khu vực xung đột sắc tộc của đất nước đang gặp khó khăn khi truy cập internet do các hạn chế của chính phủ và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc ở mức thấp, bất chấp việc nhà lãnh đạo quốc gia - Aung San Suu Kyi thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số sau đại dịch COVID-19.
"Dù truy cập vào internet là vấn đề nhân quyền trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nhưng vẫn có những nơi không có internet, internet chậm và bị chính phủ áp đặt việc đóng cửa internet, đặc biệt là ở các khu vực xung đột ở Myanmar”, Athan, nhóm hoạt động ủng hộ quyền tự do, cho biết trong một báo cáo chỉ trích chính phủ được công bố ngày 23.12.2020.
Năm 2014, Chính phủ Myanmar đã cho phép các nhà khai thác di động nước ngoài vào quốc gia này, điều này giúp giảm đáng kể cước phí điện thoại di động. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (tổ chức quốc tế), số lượng thuê bao di động trên 100 cư dân đã tăng lên 113 năm 2018 từ chỉ 13 vào năm 2013.
Một số dịch vụ chuyển tiền di động, cho phép mọi người chuyển tiền cho nhau bằng điện thoại của họ, xuất hiện từ năm 2016. Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng và cơ hội của việc số hóa nền kinh tế, chẳng hạn như sử dụng công nghệ trong chuyển tiền.
Một bài phát biểu ngày 20.12 của bà Aung San Suu Kyi đã nêu bật chính sách này. Bà nói: “COVID-19 đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của hệ thống kỹ thuật số và nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số được triển khai với động lực ngày càng tăng”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ đang hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng các nền tảng kỹ thuật số như để giao dịch hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, tình hình lại khác ở các khu vực xung đột sắc tộc. Riêng tại bang Rakhine ở phía tây Myanmar, việc tắt internet đã tiếp tục diễn ra trong 1 năm rưỡi sau khi chính phủ vào tháng 6.2019 ra lệnh cho tất cả nhà khai thác di động ngừng cho truy cập internet ở phía bắc Rakhine và bang Chin lân cận.
Tại những khu vực đó, Arakan Army - nhóm vũ trang của người Rakhine, còn được gọi là Arakanese - đã chiến đấu chống lại quân đội quốc gia kể từ cuối năm 2018, khiến hơn 230.000 người phải di tản. Quân đội Myanmar đã tìm cách kiểm soát internet để ngăn chặn Arakan Army và những người ủng hộ nhóm ly khai này sử dụng web để thu thập thông tin về các hoạt động chuyển quân.
Dù đã có lệnh ngừng bắn tạm thời nhưng tình trạng mất internet vẫn tiếp tục.
"Chúng tôi không thể sử dụng các ứng dụng chuyển tiền di động trên điện thoại của mình vì ở đây không có internet. Chúng tôi phải đến đại lý để có thể truy cập internet", Thein Win Htun, cư dân 44 tuổi ở thị trấn Mrauk-U, thị trấn khảo cổ quan trọng nằm ở phía bắc bang Rakhine, nói với trang Nikkei Asia.
Trước đây, Thein Win Htun sử dụng dịch vụ tiền di động để thanh toán tiền hàng và chuyển tiền cho người thân.
Việc không thể kết nối mạng cũng là cản trở trong việc cập nhật thông tin mới nhất về đại dịch COVID-19. "Bây giờ chúng tôi phải đi đến các khu vực đồi núi để có internet và nhận được tín hiệu”, ông nói.
Truy cập internet đóng vai trò lớn trong cuộc sống hàng ngày của người dân bang Rakhine. Nhiều lao động trẻ nhập cư trong nước rời quê hương chủ yếu liên lạc với gia đình ở quê nhà qua internet nhưng sự cố đã ngăn cản điều đó.
Vào tháng 8.2020, Chính phủ Myanmar đã cho phép truy cập internet trong khu vực nhưng chỉ giới hạn ở 2G, đây là công nghệ đã có tuổi đời hàng thập kỷ và quá chậm để sử dụng các dịch vụ internet hiện đại giàu dữ liệu. Mọi người có thể tiếp tục truy cập internet thông qua điện thoại cố định, nhưng rất hiếm ở một quốc gia nơi kết nối di động phát triển nhanh chóng.
Athan, nhóm ủng hộ tự do ngôn luận, đang thúc giục Chính phủ Myanmar chấm dứt việc đóng cửa và cung cấp truy cập internet ở mọi nơi trên đất nước. Thế nhưng, các nhà chức trách đang tăng cường kiểm soát trực tuyến. Từ tháng 3, Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Myanmar bắt đầu ban hành một loạt chỉ thị cho các nhà khai thác di động để chặn các trang web cụ thể.
Nhà điều hành di động Telenor tiết lộ vào đầu tháng 12 rằng đã nhận được 13 yêu cầu chặn trên hơn 2.200 trang web. Ngoài nhiều trang web khiêu dâm hoặc lạm dụng trẻ em, các trang liên quan đến dân tộc thiểu số và các nhà hoạt động nhân quyền cũng bị đưa vào danh sách vì chính phủ cáo buộc rằng chúng lưu hành tin tức hoặc tin đồn giả.
Tháng 11.2020, Bộ này đã ra lệnh cho các nhà khai thác di động chặn 3 trang web và "giới thiệu tính năng lọc từ khóa liên quan đến những trang này" để mọi người không thể tìm kiếm chúng.
Telenor cho biết "đã không tuân thủ yêu cầu lọc dựa trên từ khóa". Telenor có trụ sở tại Na Uy, là nhà khai thác di động duy nhất tiết lộ thông tin công khai ở Myanmar.