Cũng như nhiều địa phương ở phía nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long đang rất nỗ lực để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế sau dịch. Trong đó, ngành nông nghiệp đang có những bứt phá để thích ứng với tình hình mới.

Nông nghiệp Vĩnh Long áp dụng nhiều giải pháp để bật dậy trong đại dịch

Kim Khanh - Nguyên Việt | 17/11/2021, 17:35

Cũng như nhiều địa phương ở phía nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long đang rất nỗ lực để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế sau dịch. Trong đó, ngành nông nghiệp đang có những bứt phá để thích ứng với tình hình mới.

Giảm gánh nặng do COVID-19

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong những tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối ổn định. Nhưng đến thời gian giãn cách xã hội tại các tỉnh thành phía nam, xuất hiện những khó khăn cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, khó nhất về nhân công, vận chuyển và lưu thông nông sản. Thời gian ấy, nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh tiêu thụ chậm, như trái cây, rau xanh, khoai lang, gia cầm, thủy sản…

Chẳng hạn khoai lang tím là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của huyện Bình Tân, đến thời điểm này việc xuất khẩu khoai cũng như những mặt hàng khác vẫn chưa nối lại bình thường. Dịch COVID-19 xảy ra trên cả nước và thế giới đã dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng giá phân bón hóa học trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay. Dịch đã tác động lớn đến sự giảm lợi nhuận của người nông dân.

buoi-binh-minh-ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat.jpg
Nông dân trồng bưởi năm roi ở H.Bình Minh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất - Ảnh: SNN

Sở NN-PTNT Vĩnh Long đánh giá năm nay thời tiết thuận lợi cho sản xuất lúa, xâm nhập mặn ở mức thấp người dân thích ứng được, mưa bão và triều cường ở mức vừa phải, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt, không phát sinh trên diện rộng. Dù vậy, biến động thị trường khó kiểm soát trong tình hình dịch bệnh làm cho một số nông sản giảm giá mạnh như heo hơi, gà công nghiệp, một số loại rau quả...

Từ thực trạng trên mới thấy rõ hơn việc sản xuất quy mô nhỏ, thiếu liên kết đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu thụ. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ còn khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận để thu mua. Nhiều sản phẩm thiếu liên kết thành hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Một số sản phẩm khác chưa đáp ứng nhu cầu về xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc...

4.-trang-trai-ga-ut-doan-tra-on-1-.jpg
 Trang trại nuôi gà của ông Út Đoàn ở H.Trà Ôn - Ảnh: SNN

Để ngành nông nghiệp tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn này, Sở NN-PTNT Vĩnh Long đã đề ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, trong những tháng cuối năm, nông dân một số địa phương ở Vĩnh Long được tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây hoa màu xuống ruộng, nhất là tại những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả; tập trung sản xuất luân canh đối với đất trồng lúa, xen canh đối với đất vườn, thực hiện rải vụ cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, ưu tiên sản xuất các loại rau màu có giá trị kinh tế và dễ tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh như củ cải trắng, dưa leo, bầu, bí, bắp, dưa hấu…

Về các giải pháp lâu dài, ngành nông nghiệp hướng đến việc giảm giá thành sản xuất, khuyến cáo và hướng dẫn người dân sử dụng giống tốt, đạt chuẩn chất lượng. Ngành đã hướng dẫn người dân những giải pháp giảm giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, giảm phụ thuộc vật tư hóa học.

gian-hang-ocop-vinh-long.jpg
Gian hàng OCOP tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: SNN

Sở NN-PTNT rất chú ý tiếp tục tuyên truyền để nông dân sản xuất quan tâm đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng và xem đây là yếu tố cạnh tranh chính của nông sản. Người dân phải sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; thậm chí cao hơn là phải chú ý sản xuất hữu cơ; có thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc; phải tạo được niềm tin của người tiêu dùng.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long đề cao tính liên kết và áp dụng các thành tựu khoa học mới: “Thực tế đã chứng minh rằng trong thời gian giãn cách vừa qua các sản phẩm nhỏ lẻ, phân tán rất khó để kết nối tiêu thụ. Vì vậy, việc liên kết thành các hợp tác xã nông nghiệp sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể kết nối một cách nhanh nhất. Qua đó, đa dạng kênh tiêu thụ nông sản. Ngoài những giải pháp trên, theo xu hướng hiện nay, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng sẽ thực hiện mở rộng các kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử thay vì tập trung ở các chợ truyền thống. Việc chuyển đổi này sẽ được ưu tiên cho những nông sản dễ bảo quản, vận chuyển và thị trường có nhu cầu lớn”.

ht-han-man.jpg
Hội thảo về hạn mặn và chuyển đổi cây trồng ở Vĩnh Long - Ảnh: SNN

Bước đầu, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cung cấp thông tin giá cả thị trường trên hệ thống Pmard và gửi thông tin giá cả qua điện thoại di động dưới hình thức gửi tin SMS và Zalo. Cập nhật trên 800 thông tin trên sàn giao dịch nông sản (http://nsvl.com.vn), thời gian qua đã thu hút trên 11,3 triệu lượt truy cập. Qua đó, ngành đã giúp các địa phương, nông dân nắm bắt được thông tin giá cả, diễn biến thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh đã kiêm luôn làm tổ trưởng tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch và giữ đường dây nóng xử lý các thông tin có liên quan. Ông Dãnh cho biết, thông qua nhiệm vụ này, hằng ngày ông đã xử lý từ 10-20 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc có liên quan.

Sở NN-PTNT Vĩnh Long cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tiếp nhận thông tin về tình hình hạn, mặn, lũ, triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới... báo cáo kịp thời với cấp trên và chuyển tải thông tin, ý kiến chỉ đạo tới các huyện; thông báo các dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm hằng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp Vĩnh Long áp dụng nhiều giải pháp để bật dậy trong đại dịch