Thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh thời gian qua, trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh
Trong kỳ trước, chúng tôi đã nói việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ người dân, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong "trạng thái bình thường mới".
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Qua kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị. Đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110.92 triệu tài khoản, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh cùng với hạ tầng công nghệ ngày càng hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự tăng trưởng rõ rệt. Theo khảo sát gần đây của Visa, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng thanh toán trực tuyến để thích ứng với đại dịch COVID-19, dùng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ và điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR trên các loại hình mua sắm, dịch vụ đều đã tăng mạnh thời gian qua, hướng đến một nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý 1/2021 so với quý 1/2020. Tỉ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý 1/2021 tăng 5,5 lần so với quý 4/2020.
Hưởng ứng mạnh mẽ phương thức thanh toán này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đạt khoảng 93,38%, cao hơn 1,66% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020 (91,72%). Trong đó, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt 10 tháng đầu năm 2021 đạt 77,99% trong tổng số khách hàng toàn quốc, cao hơn 7,68% so với cùng kỳ năm 2020.
"Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là giải pháp hữu hiệu. Để khuyến khích khách hàng sử dụng hình thức thanh toàn không dùng tiền mặt, EVN đã phối hợp với các đối tác, các tổ chức thanh toán trung gian, các ví điện tử dành tặng nhiều mã giảm giá, quà tặng hấp dẫn cho khách hàng khi thanh toán tiền điện trên các ứng dụng giao dịch điện tử", đại diện EVN cho hay.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trọng hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, từ ngày 19.11, tập đoàn đã đầu tư và sẽ đưa vào khai thác giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc; xây dựng chương trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ và các ứng dụng quản trị thông tin thông minh...
Ông Lưu Văn Tuyển - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex nhấn mạnh: "Đây là bước đột phá trong chiến lược phát triển thị trường, đem lại nhiều trải nghiệm và giá trị gia tăng cho khách hàng, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp".
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết đang triển khai các chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử và áp dụng giải pháp thanh toán trực tuyến Simplify/EcomPay. Khách hàng có thể mua hàng và thanh toán online dễ dàng và tránh được nhiều rủi ro, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn đẩy mạnh áp dụng thẻ tín dụng doanh nghiệp VPBiz, nhằm khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu qua thẻ, vừa tận dụng được nguồn vốn lưu động, vừa hưởng nhiều chính sách hoàn tiền. VPBiz cho phép giao dịch, thanh toán được mọi lúc mọi nơi trên toàn cầu mà không cần dùng tiền mặt. Ngoài ra, chi tiêu còn được ghi nhận khấu trừ thuế doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) cho biết sẽ tung ra nhiều chương trình thanh toán khuyến mại trong tháng 11 này tại hàng nghìn điểm bán thanh toán VNPAY-QR, trong đó có nhiều siêu thị lớn. Theo đó, khách hàng được hưởng giảm giá trực tiếp khi mua sắm tại các điểm bán này, thanh toán VNPAY-QR và nhập mã giảm giá được niêm yết tại điểm bán.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới, trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đề xuất cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp theo là phát triển hạ tầng thanh toán, chú trọng và đầu tư thanh toán điện tử. Đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế...
"Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới. Các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho rằng nên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, cần thiết phải triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng phát triển hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, trung gian thanh toán các đơn vị cung cấp dịch vụ...
"Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo hỗ trợ chuyển đổi số nhằm giúp các ngân hàng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số", ông Dũng nhấn mạnh.
Thúc đẩy thương mại điện tử
Thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử là hai hoạt động liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đề xuất cần nghiên cứu triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử, hướng đến mục đích bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt trong một giao dịch thương mại điện tử.
Cùng với đó là đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản vùng miền trong nước và hướng tới xuất khẩu thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" với các chính sách ưu đãi khi mua sắm hàng hoá và thanh toán trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh tiêu dùng mua sắm hàng hoá thanh toán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, trên môi trường trực tuyến.
"Thời gian qua có thể thấy thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Dịch COVID-19 vừa qua một mặt tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế xã hội, mặt khác cũng như một cú huých để Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân có một cái nhìn đầy đủ hơn và rõ ràng hơn về các mô hình quản lý, quản trị, mô hình kinh doanh trực tuyến. Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng rộng rãi hơn trong mọi mặt đời sống của người dân", bà Huyền nói.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”