Sau cuộc bầu cử tại Đức ngày 24.9, bà Angela Merkel tái cử lần thứ 4 liên tiếp nhưng nhiệm vụ khó khăn của bà sẽ là thành lập chính phủ liên minh mới, cuộc đàm phán lập liên minh này có thể kéo dài trong vài tuần, thậm chí là trong vài tháng tới.
Theo CNBC, liên minh chính trị của bà Merkel là Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức/Liên minh Xã hội Cơ đốc Bayern (CDU/CSU) và hai đảng chính trị nhỏ hơn là đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Greens) đang đàm phán thành lập chính phủ với nhau. Nếu liên minh chính trị này được thành lập nó sẽ có tên là "liên minh Jamaica" vì màu cờ của ba đảng này gộp lại giống hệt màu cờ của đất nước Caribbean này.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác trong chính phủ trước của CDU/CSU thì tuyên bố mạnh rằng họ sẽ thành lập đảng chính trị đối lập và sẽ không tham gia vào bất cứ liên minh nào, ngay cả khi đảng của bà Merkel và các đảng nhỏ hơn không thể thành lập được liên minh chính trị cầm quyền.
Ralf Stegner, Phó lãnh đạo của SPD nói với CNBC rằng đảng của ông "đóng mọi khả năng" với việc thành lập "liên minh lớn", nhất là sau khi đảng bị suy giảm tín nhiệm nghiêm trọng so với cuộc bầu cử hồi năm 2013, khi chỉ nhận được 20,5% phiếu so với 25,7% số phiếu của lần bầu cử trước.
"Bây giờ rõ ràng là chúng tôi phải lấy lại được tín nhiệm như là một phe đối lập và đó là điều chúng tôi muốn làm", ông Stegner nói đồng thời khẳng định rằng cử tri "đã cho thấy rất rõ là họ muốn chúng tôi phải trở thành phe đối lập".
Hôm 25.9, bà Merkel nói trong một cuộc họp báo rằng bà đã biết thông tin SPD muốn trở thành đảng đối lập chính chứ không muốn là đối tác trong liên minh chính trị cầm quyền, nhưng bà cho biết đảng của bà "vẫn nên tiếp xúc" với SPD.
"Liên minh Jamaica" có thể là khả năng duy nhất mà bà Merkel có thể thành lập chính phủ, nhưng điều này là khá khó khi quan điểm của FDP và đảng Xanh có nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng liên quan đến tự do kinh doanh. Dù vậy, việc thành lập liên minh chính trị cầm quyền như thế này sẽ khiến chính quyền của bà Merkel suy yếu khá nhiều quyền lực khi phải chia cho FDP và đảng Xanh một số vị trí quan trọng trong chính phủ, thậm chí là chức vụ quan trọng thứ 2 trong chính quyền là chức Ngoại trưởng.
Theo chuyên giaAdam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thì kết quả của cuộc bầu cử nước Đức và tương lai một liên minh chính trị cầm quyền nhiều bên như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến EU khá nhiều. Đặc biệt là khi các đảng như FPD và đảng Xanh có lập trường khá cứng rắn liên quan đến vấn đề giải cứu các nền kinh tế yếu kém của các nước trong khối EU như Hy Lạp.
Trong suốt ngày 26.9 các đảng chính trị lớn của Đức sẽ nhóm họp nhằm đưa ra đối sách của mình trong tương lai, sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua.
Ái Vi (theo CNBC)