Cuộc bỏ phiếu trưng cầu của Ý hôm chủ nhật về cải cách Hiến pháp đang thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng thế giới. Liệu rằng Ý có trở thành quốc gia tiếp theo đóng một cây đinh vào chiếc quan tài của EU.
Thủ tướngMatteo Renzi tuyên bố ông sẽ từ chức nếu cuộc cải cách không được chấp thuận. Các chính trị gia đối lập cũng cho biết sẽ có một chính phủ mới nếu các cử tri từ chối thay đổi Hiến pháp được đề xuất.
Thủ tướng Ýđã không đưa ra bất kì bình luận nào sau khi bỏ phiếu cùng vợ ông, bà Agnese Landini tại Pontassieve, một thị trấn nhỏ phía đông Tuscan ở Florence. Dự kiến ông sẽ quay trở lại Rome sau buổi chiều này để xem kết quả cuộc bỏ phiếu.
Nguy cơ bất ổn chính trị tại Ý, nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu, đã gây nên một số phản ứng trên thị trường trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu trưng cầu. Nổi bật đó là cổ phiếu ngân hàng giảm và chi phí vay nợ tăng.
Theo tờ Guardian, cuộc trưng cầu, cùng với các cuộc bỏ phiếu khác ở châu Âu, có thể là lời cảnh báo cho một kết thúc của Liên minh châu Âu thời điểm này.
Sự kiện này diễn ra nhằm mục đích đơn giản hóa quá trình làm luật rườm rà của Ý bằng cách giảm thiểu quyền lực của Thượng viện đồng thời loại bỏ một số quyền ra quyết định của cơ quan này.
Ông Renzi đã lập luận rằng những cải cách là để nhằm mục đích dỡ bỏ bộ máy quan liêu và khiến Ý tập trung hơn vào các nhà đầu tư, đồng thời giúp ông thay đổi đất nước. Tuy nhiên, quyết định thay đổi tương lai đất nước phụ thuộc vào cuộc trưng cầu dân ý lần này.
Nếu cử tri bác bỏ trưng cầu dân ý, ông Renzi sẽ công bố từ chức ngay lập tức. Mặt khác, các nhà phân tích chính trị cho biết Tổng thống Sergio Mattarella sẽ không có bất cứ hành động nào cho đến khi Luật Ngân sách mới được thông qua.
Hơn 46 triệu người Ý đã đạt đủ điều kiện để đi bầu và hơn 4 triệu người khác đăng kí bỏ phiếu từ nước ngoài. Đã có tới 55% cử tri Ý đi bầu, tuy nhiên tỉ lệ đi bầu cao không rõ sẽ có lợi cho chính phủ hay là phe đối lập.
Giang Nguyễn (theo The Guardian)