Sinh năm 1916, Olivia de Havilland là người duy nhất trong số 4 diễn viên chính của bộ phim kinh điển "Gone With The Wind" (Cuốn theo chiều gió - 1939) còn sống cho đến hiện nay.

Olivia de Havilland - huyền thoại màn bạc 100 tuổi của kinh đô điện ảnh Hollywood

10/04/2017, 06:35

Sinh năm 1916, Olivia de Havilland là người duy nhất trong số 4 diễn viên chính của bộ phim kinh điển "Gone With The Wind" (Cuốn theo chiều gió - 1939) còn sống cho đến hiện nay.

Gần 80 năm đã trôi qua, Gone With The Wind vẫn giữ nguyên danh hiệu "Bộ phim thành công nhất mọi thời đại" với doanh thu 3,4 tỉ USD (sau khi đã tính tỉ lệ trượt giá), vượt qua siêu phẩm Avatar cùng hệ thống rạp chiếu phim rộng khắp như hiện nay. Dàn diễn viên chính trong phim gồm Clark Gable, Vivien Leigh, Leslie Howard và Olivia de Havilland sau một đêm đã trở thành những minh tinh nổi tiếng nhất thế giới. Đáng tiếc, trong số đó chỉ có Olivia de Havilland hiện còn sống. Và điểm thú vị nhất chính là vai diễn Melanie Hamilton của bà lại là nhân vật duy nhất chết trong phim.

Olivia de Havilland trong phim "Gone With The Wind"

Diễn viên hay là giáo viên?

Sinh năm 1916 tại Nhật Bản, Olivia de Havilland là chị ruột của Joan Fontaine (tên thật là Joan de Beauvoir de Havilland) - một huyền thoại khác của Hollywood. Cha của bà là một giáo viên Anh ngữ từng giảng dạy tại Đại học Imperial ở Tokyo, còn mẹ là một diễn viên sân khấu tốt nghiệp từ trường Nghệ thuật Hoàng gia London.

Năm 4 tuổi, Olivia bắt đầu những bài học múa ba lê và những buổi tập piano một năm sau đó. Mẹ của bà thường xuyên dạy cho con gái những kiến thức liên quan đến nghệ thuật kịch nghệ, âm nhạc cũng như đọc những trích đoạn của Shakespeare để tăng cường khả năng ngôn ngữ của bà. Olivia đặc biệt thích đọc sách, làm thơ và vẽ tranh.

Olivia de Havilland vào vai Alice trong vở kịch "Alice in Wonderland" tại trường trung học

Gia đình de Havilland chuyển đến sinh sống tại Mỹ vào năm 1919. Sau khi tốt nghiệp trung học, Olivia đã được trao học bổng của trường cao đẳng Mills ở tiểu bang Oakland để theo đuổi sự nghiệp là một giáo viên Anh ngữ. Cùng lúc ấy, bà cũng được giao cho vai Puck trong vở kịch A Midsummer s Night Dream tại nhà hát cộng đồng Saratoga.

Mùa hè năm 1934, đạo diễn người Áo Max Reinhardt đã đến tiểu bang California để sản xuất một bộ phim mới. Sau khi trợ lý của Reinhardt nhìn thấy Olivia biểu diễn ở Saratoga, ông đã đề nghị bà giữ vị trí thứ 2 cho vai Hermia. Một tuần trước khi công diễn, nữ diễn viên Gloria Stuart rời khỏi dự án và để lại vai Hermia. Ấn tượng với khả năng diễn xuất của cô gái trẻ, Max Reinhardt đã dành vai Hermia cho Olivia trong phiên bản điện ảnh được sản xuất bởi hãng Warner Bros.

Mặc dù Olivia vẫn còn luyến tiếc ý nghĩ trở thành một giáo viên của mình, thế nhưng cuối cùng Reinhardt và nhà sản xuất Henry Blanke đã thuyết phục được bà ký một hợp đồng 5 năm với Warner Bros vào ngày 12.11.1934 với mức lương khởi điểm là 200 USD một tuần.

Bên cạnh bộ phim A Midsummer Night s Dream, Olivia còn tham gia bộ phim Captain Blood đóng cùng nam diễn viên người Úc Errol Flynn vào năm 1935. Thành công về mặt thương mại lẫn nghệ thuật của Captain Blood đã giúp cho cái tên Olivia de Havilland được chú ý nhiều hơn. Mặc dù vậy, mãi đến Gone With The Wind (1939) thì bà mới thật sự trở thành một ngôi sao hạng A và là "con cưng" của hãng Warner Bros. Tuy nhiên, Olivia luôn cảm thấy bản thân bị đối xử bất công.

Khi nhan sắc đi kèm với sự thông minh và dũng cảm

Olivia de Havilland từng được Jack Warner nhận xét là một chiếc máy tính tinh xảo ẩn đằng sau một gương mặt xinh đẹp

Sau thành công của Captain Blood, hãng Warner Bros trả cho Errol Flynn khoản thu nhập 2.250 USD mỗi tuần trong khi lương của Olivia vẫn giữ nguyên 500 USD. Vào thời điểm ấy, các nữ diễn viên không thể đưa ra bất cứ yêu cầu nào mà buộc phải làm theo mọi chỉ thị từ những hãng phim lớn sở hữu mình.

Đã từng có một người dám đứng lên và chống lại Jack Warner - ông chủ của hãng Warner Bros - nhưng thất bại. Đó chính là Bette Davis - người đứng thứ 2 trong danh sách "10 nữ diễn viên vĩ đại nhất mọi thời đại" do AFI bình chọn. Thế nhưng Olivia không lấy đó làm nản chí, đặc biệt là khi bà nhận được sự động viên từ chính Bette.

Bette Davis và Olivia de Havilland

Quá ngán ngẩm với những vai diễn tầm thường mà Warner Bros giao cho mình, Olivia hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi sau khi hợp đồng giữa bà với hãng kết thúc vào năm 1943. Thế nhưng khi thời hạn đến, Warner Bros đã sử dụng sơ hở của luật pháp để cố giữ bà ở lại thêm 7 năm. Rất nhiều diễn viên nổi tiếng khác cũng bị đàn áp bởi chiêu trò tương tự trước đó nhưng chưa có ai dám phản kháng.

Olivia đã quyết định chống lại việc này bằng cách thuê luật sư Martin Gang và đưa vụ tranh chấp ra tòa. Kết quả, bà đã chiến thắng cả bộ máy vận hành đầy quyền lực của Hollywood thông qua phán quyết của tòa án tiểu bang California. Olivia cuối cùng cũng đã được tự do lựa chọn vai diễn cho mình cũng như mở đường cho hàng ngàn diễn viên khác.

Chỉ vài năm sau, sự nghiệp của Olivia lên đến đỉnh cao khi bà mang về 2 tượng vàng Oscar ở hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" với To Each His Own (1946) và The Snake Pit (1949). Trong suốt 90 năm lịch sử của giải Oscar, bà và Joan Fontaine là 2 chị em ruột duy nhất từng chiến thắng các hạng mục diễn xuất.

Một cuộc đời... dài phi thường

Olivia de Havilland là diễn viên lớn tuổi nhất từng chiến thắng giải Oscar hiện còn sống - Ảnh: Olivia tại nhà riêng ở Pháp
Olivia và em gái Joan Fontaine

Vào thời điểm mà các nữ diễn viên thường rời bỏ cuộc chơi sau khi đã bước sang độ tuổi 50, Olivia không hề nản chí. Bà tiếp tục đóng phim và thành công nối tiếp thành công cho đến tận năm 1988 khi đã 77 tuổi. Bộ phim cuối cùng của bà là The Woman He Loved.

Mặc dù vậy, Olivia vẫn thường xuyên tham gia vào những hoạt động của giới làm phim. Năm 2003, bà xuất hiện tại lễ trao giải Oscar lần thứ 75 để giới thiệu những diễn viên từng chiến thắng giải Oscar trong quá khứ. Tất cả khách mời có mặt trong khán phòng hôm đó đã đứng dậy và vỗ tay chào đón sự hiện diện của bà.

Olivia de Havilland tại lễ trao giải Oscar 2003

Sự nghiệp diễn xuất của Olivia trải dài trong giai đoạn từ năm 1935 đến 1988, với tổng cộng 49 bộ phim. Ngoài 2 tượng vàng Oscar, bà còn sở hữu 2 giải Quả cầu vàng, 1 giải LHP Venice và Huân chương nghệ thuật quốc gia (National Medal of Arts). Ngôi sao của bà trên đại lộ danh vọng Hollywood tọa lạc ở 6762 Hollywood Blvd.

Từng kết hôn 2 lần, Olivia có 2 người con - 1 trai và 1 gái

Ngày 1.7.2016, Olivia chính thức bước sang tuổi 100. Trong số những diễn viên thành danh từ đầu thế kỷ 20, chỉ có nam tài tử Kirk Douglas là sống thọ được như bà (cùng sinh năm 1916). Sự hiện diện của Olivia hiện nay giống như một tiếng vọng vang lên từ quá khứ, gợi nhớ về thời kỳ hoàng kim (Golden Age) đã qua của Hollywood.

Trong bộ phim truyền hình Feud đang trình chiếu trên kênh FX do Ryan Murphy sản xuất, nữ diễn viên Catherine Zeta-Jones thủ vai Olivia de Havilland. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa 2 huyền thoại Bette Davis (Susan Sarando đóng) và Joan Crawford (Jessica Lange đóng). Trùng hợp, Catherine Zeta-Jones lại là con dâu của Kirk Douglas, bạn cũ của Olivia.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Olivia de Havilland - huyền thoại màn bạc 100 tuổi của kinh đô điện ảnh Hollywood