Tổng thống Mỹ - Joe Biden nằm trong số gần 2 triệu người dùng đang chờ dùng thử Bluesky, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nguyên thủ quốc gia sẽ sớm sử dụng mạng xã hội phi tập trung được đồng sáng lập bởi Jack Dorsey.

Ông Biden nằm trong số gần 2 triệu người chưa được chưa dùng thử Bluesky, đối thủ của Twitter

Sơn Vân | 07/05/2023, 13:40

Tổng thống Mỹ - Joe Biden nằm trong số gần 2 triệu người dùng đang chờ dùng thử Bluesky, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nguyên thủ quốc gia sẽ sớm sử dụng mạng xã hội phi tập trung được đồng sáng lập bởi Jack Dorsey.

Jack Dorsey là nhà sáng lập và cựu Giám đốc điều hành Twitter.

Vào cuối tháng 4, Bluesky đã phát hành ứng dụng của mình và đang giới hạn người dùng bằng cách giữ trong tình trạng chờ mời thử nghiệm. Theo Jay Graber, Giám đốc điều hành Bluesky, danh sách chờ sử dụng ứng dụng này đã gần 2 triệu người.

Hôm 6.5, tài khoản chính thức của Bluesky đã thông báo: “Chính sách hiện tại của Bluesky là không thể tiếp nhận các nguyên thủ quốc gia tham gia bản thử nghiệm cùng chúng tôi", tờ Fortune đưa tin.

Điều này đồng nghĩa là ông Biden và các nguyên thủ quốc gia khác chưa có cơ hội sử dụng Bluesky lúc này.

Bài đăng cho biết Bluesky đánh giá cao "sự nhiệt tình của nhiều người trong việc gửi lời mời" nhưng yêu cầu người dùng cảnh báo nhóm phát triển trước khi mời những nhân vật nổi tiếng, vì có thể làm quá tải hệ thống.

Bluesky hiện chỉ có hơn 60.000 người dùng, trong đó có dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez và Dril (sở hữu tài khoản hài nổi tiếng trên Twitter).

Bluesky đã bắt đầu thử nghiệm bản beta và tung ra danh sách chờ của mình chỉ vài ngày sau khi Elon Musk thông báo hoàn tất việc mua Twitter với giá 44 tỉ USD hồi cuối tháng 10.2022. Vẫn chưa rõ khi nào Bluesky sẽ tung ra phiên bản chính thức.

ong-biden-nam-trong-so-gan-2-trieu-nguoi-chua-duoc-dung-thu-bluesky.jpg
Ông Biden chưa thể dùng thử Bluesky vì chính sách không tiếp nhận các nguyên thủ quốc gia tham gia bản thử nghiệm

Hầu hết đối thủ của Twitter cho đến nay vẫn đang gặp khó khăn. Elon Musk đã cố gắng ngăn chặn những đối thủ mới bằng cách tạm thời chặn liên kết trong các hồ sơ người dùng và bài đăng trên Twitter đến các nền tảng khác, chẳng hạn Mastodon. Sau đó, tỷ phú công nghệ gây khó khăn cho việc truy cập vào các liên kết Substack thông qua Twitter.

Cuối tuần qua, Jack Dorsey đã sử dụng Bluesky để chỉ trích Elon Musk và cách tỷ phú giàu thứ hai thế giới vận hành Twitter. Jack Dorsey cho rằng Elon Musk không "hành xử đúng đắn"kể từ khi tiếp quản Twitter.

Tôi nghĩ Elon Musk đã hành động sai khi nhận ra thời điểm mua lại của mình quá tệ. Tôi cũng không cho rằng việc hội đồng quản trị ép ông mua vào lúc đó như vậy là đúng”, Jack Dorsey chia sẻ trên Bluesky.

Khi một người dùng Bluesky nói rằng ông rất buồn vì Twitter đang ngày càng tệ dần, Jack Dorsey phản hồi “Đúng vậy”.

Jack Dorsey nói Twitter không thể tồn tại với tư cách là một công ty đại chúng. “Bạn có muốn nó rơi vào tay những quỹ phòng hộ hoặc các nhà hoạt động Phố Wall hay không? Đó chính là cách duy nhất nếu không tư nhân hóa Twitter”, ông cho biết.

Trong một bài viết khác, nhà sáng lập Twitter cho rằng đáng lẽ Elon Musk nên từ bỏ thương vụ Twitter và đền bù 1 tỉ USD phí đơn phương hủy hợp đồng.

Theo Jack Dorsey, nếu Elon Musk hay bất cứ ai muốn mua lại Twitter, họ chỉ cần ra giá làm hài lòng hội đồng quản trị và cao hơn những gì Twitter có thể mang lại là được. “Vì vậy, tôi cho rằng Elon Musk đáng lẽ nên rút khỏi thương vụ và đền bù 1 tỉ USD”, Jack Dorsey khẳng định.

Thị trường chứng khoán đã chững lại ngay sau khi Elon Musk đề nghị mua Twitter với giá 44 tỉ USD vào tháng 4.2022, trong đó mỗi cổ phiếu giá 54,2 USD. Sau đó, tỷ phú tỏ ra muốn "quay xe" khỏi thương vụ đắt đỏ. Hành động đó của Elon Musk đã làm dấy lên cuộc chiến pháp lý đầy căng thẳng với Twitter. Công ty truyền thông xã hội đã đệ đơn kiện lên Tòa án bang Delaware (Mỹ) để buộc Elon Musk làm đúng theo thỏa thuận. Thậm chí Twitter còn có ý định yêu cầu Elon Musk trả thêm lãi, bồi thường vì đã làm trễ thương vụ. Đến tháng 10.2022, Elon Musk đành “xuống nước” khi quyết định mua lại Twitter với giá gốc 54,2 USD/cổ phiếu để tránh vụ kiện gây ra nhiều lùm xùm và đồn đoán. 

Twitter đang trở nên tệ hơn”, Jack Dorsey chia sẻ.

Điều đáng nói là Jack Dorsey từng ủng hộ đưa Elon Musk vào hội đồng quản trị và mua lại Twitter.

Hồi tháng 4.2022, Jack Dorsey tweet: "Elon là giải pháp duy nhất mà tôi tin tưởng. Tôi tin tưởng sứ mệnh của anh ấy là mở rộng ánh sáng của tri thức".

Jack Dorsey tiếp tục giữ cổ phần của Twitter sau khi Elon Musk nắm quyền, với tỷ lệ 2,4%, tương đương khoảng 1 tỉ USD, theo hồ sơ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC).

Jack Dorsey thừa nhận khiến Twitter làm điều sai trái với internet và xã hội

Giữa tháng 12.2022, Jack Dorsey bày tỏ sự áy náy về những gì được tiết lộ trong Twitter Files (hồ sơ Twitter) và nói rằng dưới sự lãnh đạo của mình, ông đã dẫn dắt nền tảng truyền thông xã hội này làm "điều sai trái với internet và xã hội".

Bài đăng đầu tiên phác thảo suy nghĩ của Jack Dorsey về các nguyên tắc mạng xã hội mà ông tin tưởng. Cụ thể như sau:

(1) Các nền tảng xã hội đó phải kiên cường trước sự kiểm soát của chính phủ và doanh nghiệp.

(2) Chỉ tác giả ban đầu mới có thể xóa nội dung do họ sản xuất.

(3) Sự kiểm duyệt được triển khai tốt nhất bằng lựa chọn thuật toán.

Twitter dưới thời của tôi và Twitter ngày nay không đáp ứng bất kỳ nguyên tắc nào trong số này. Đây là lỗi của một mình tôi.

Jack Dorsey nói rằng ông "đã từ bỏ việc thúc đẩy các nguyên tắc khi một nhà hoạt động giấu tên mua cổ phần Twitter vào năm 2020". Năm đó, tờ The New York Times đưa tin quỹ phòng hộ của nhà hoạt động Elliott Management đã mua lại 1 tỉ USD cổ phần của Twitter và kêu gọi lật đổ Jack Dorsey. Song chưa rõ liệu Jack Dorsey có đề cập đến Elliott Management trong bài đăng của mình hay không.

Jack Dorsey tin rằng các công ty truyền thông xã hội đã tích lũy quá nhiều quyền lực và việc Twitter quyết định cấm tài khoản cựu Tổng thống Donald Trump dưới sự lãnh đạo của chính ông là bằng chứng cho thấy quyền lực đó đã đạt đến mức cực đoan.

Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi đã làm điều đúng đắn với hoạt động kinh doanh của công ty đại chúng vào thời điểm đó, nhưng lại là điều sai lầm với internet và xã hội”, Jack Dorsey viết.

Twitter Files đã cung cấp một số thông tin chi tiết về các hoạt động kiểm duyệt nội dung của gã khổng lồ truyền thông xã hội dưới sự lãnh đạo của Jack Dorsey, được tiết lộ qua email và tài liệu nội bộ do Elon Musk cung cấp cho các nhà báo độc lập như Matt Taibbi, Bari Weiss.

Được nêu trong Twitter Files là các cuộc tranh luận giữa các nhân viên về việc có nên cấm ông Trump vì kích động bạo lực sau khi người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ gây bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6.1.2021 hay không.

Theo Twitter Files, nền tảng này đã hạn chế phạm vi tiếp cận câu chuyện về máy tính xách tay của Hunter Biden (con trai ông Biden) do tờ New York Post đăng tải.

Twitter Files hé lộ công ty chấp nhận yêu cầu từ cả chiến dịch Biden và chính quyền Trump để xóa nội dung khỏi nền tảng.

Phần đầu tiên của Twitter Files tuyên bố rằng "các nhóm nhân viên của Twitter xây dựng danh sách đen, ngăn chặn các tweet không được yêu thích xuất hiện trên xu hướng và chủ động hạn chế khả năng hiển thị của toàn bộ tài khoản hoặc thậm chí các chủ đề theo xu hướng, tất cả đều trong bí mật mà không thông báo cho người dùng".

Các tài khoản Twitter bị cấm bí mật (hạn chế phân phối và đề xuất các tweet) có người dẫn chương trình trò chuyện cánh hữu Dan Bongino, tiến sĩ Jay Bhattacharya (giáo sư Đại học Stanford), nhà hoạt động bảo thủ Charlie Kirk (điều hành tài khoản Libsoftiktok).

Elon Musk muốn chỉ ra rằng những người tiền nhiệm của ông tại Twitter đã tham gia kiểm duyệt nội dung.

Phần thứ 4 của Twitter Files nêu bật sự hỗn loạn trong công ty truyền thông xã hội sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6.1.2021. Theo đó, Jack Dorsey đi nghỉ ở Polynesia thuộc Pháp khi ông Trump bị đình chỉ tài khoản.

Jack Dorsey đã giao phần lớn trách nhiệm xử lý các tình huống cho Yoel Roth (cựu giám đốc phụ trách an toàn và tin cậy của Twitter) và Vijaya Gadde (cựu giám đốc pháp chế của Twitter).

Dù một số nội dung có trong Twitter Files hé lộ chi tiết bổ sung và thảo luận nội bộ về các hoạt động kiểm duyệt nội dung của nền tảng, nhiều quyết định chính sách xung quanh lệnh cấm ông Trump và lý do đằng sau chúng từng đã được báo cáo hoặc thừa nhận trong tuyên bố của Jack Dorsey trước Thượng viện hoặc lời khai tại Quốc hội sau ngày 6.1.2021.

Phản ứng dữ dội về nội dung do Twitter Files tiết lộ đã dẫn đến việc gia tăng các mối đe dọa với Yoel Roth.

Trong một loạt các tweet, Elon Musk đã thêm vào những lời chỉ trích với Yoel Roth, đăng đoạn trích của một bài báo được viết bởi Jack Dorsey, trong đó ông dường như ủng hộ một phiên bản Grindr thân thiện với thanh thiếu niên dành cho những người đồng tính trẻ tuổi và đồng ý với các tweet gọi Yoel Roth là "kẻ đáng sợ".

Những mối đe dọa đã trở nên tồi tệ đến mức Yoel Roth buộc phải rời khỏi nhà vì lo sợ cho sự an toàn của mình.

"Các cuộc tấn công hiện tại nhằm vào các đồng nghiệp cũ của tôi có thể nguy hiểm và không giải quyết được gì. Nếu bạn muốn đổ lỗi, hãy hướng nó vào tôi và hành động của tôi, hoặc sự thiếu sót của tôi", Jack Dorsey tuyên bố.

ong-biden-nam-trong-so-gan-2-trieu-nguoi-chua-duoc-dung-thu-bluesky1.jpg
Jack Dorsey và Elon Musk từng là bạn nhưng sau đó trở thành kẻ thù

Jack Dorsey từng gửi lời xin lỗi sau khi Elon Musk sa thải hơn một nửa nhân viên Twitter vì đã phát triển "quy mô công ty quá nhanh", thừa nhận việc đóng cửa nền tảng video clip ngắn Vine là hối tiếc lớn nhất của ông và đồng ý với quyết định của Giám đốc điều hành Tesla về việc đảo ngược lệnh cấm ông Trump.

Hồi tháng 4.2022, Jack Dorsey nói rằng ông có một phần lỗi vì gây tổn hại cho internet.

"Những ngày làm việc với Usenet, IRC, web hay thậm chí email thật tuyệt vời, nhưng khi các tập đoàn công nghệ tập trung hóa sự khám phá và nhận dạng, họ đã làm hỏng internet. Tôi nhận ra mình đáng trách và cảm thấy có phần trách nhiệm, cũng như hối hận về điều đó", ông cho hay.

Twitter không lớn như Facebook và TikTok về quy mô người dùng, song tác động của nó trong lĩnh vực thông tin là không thể phủ nhận. Nhiều người chuyển sang Twitter khi muốn theo dõi các sự kiện đang diễn ra, nhưng cũng tiếp cận không ít các thông tin sai lệch, độc hại mà nền tảng không thể kiểm soát.

Usenet là một hệ thống giao tiếp và truyền tải thông tin trên internet, được phát triển từ những năm 1980. Ban đầu Usenet được tạo ra để truyền tải tin nhắn qua các máy tính nối mạng thông qua giao thức NNTP (Network News Transfer Protocol). Sau đó, Usenet đã trở thành một hệ thống lưu trữ các nhóm thảo luận (newsgroups) trên một loạt chủ đề khác nhau, từ chính trị và kinh tế đến thể thao và nghệ thuật.

Người dùng có thể gửi và nhận các tin nhắn và tệp tin trong các nhóm thảo luận trên Usenet và các bài đăng này có thể được truyền tải đến các máy tính khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Usenet đã trở nên ít phổ biến hơn trong những năm gần đây, khi mạng internet đã phát triển ra các phương tiện truyền thông khác như email, diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội.

IRC (Internet Relay Chat) là dạng liên lạc cấp tốc qua mạng internet, được thiết kế với mục đích chính là cho phép các nhóm người trong một phòng thảo luận liên lạc với nhau.

Bài liên quan
Trump, Ronaldo và Bill Gates có lại dấu tích xanh Twitter, Elon Musk e ngại chiến dịch #BlockTheBlue
Elon Musk đăng ảnh trêu chọc người dùng Twitter cho rằng được cấp dấu tích màu xanh miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Biden nằm trong số gần 2 triệu người chưa được chưa dùng thử Bluesky, đối thủ của Twitter