Hôm 8.12, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật cho phép pháp luật quốc gia Nga được ưu tiên hơn các điều ước quốc tế và các phán quyết của các cơ quan quốc tế trong các trường hợp xung đột với Hiến pháp Nga.

Ông Putin ký quyết định cho phép luật Nga vượt trên các hiệp ước quốc tế, nhiều người lo âu

Nhân Hoàng | 08/12/2020, 22:00

Hôm 8.12, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật cho phép pháp luật quốc gia Nga được ưu tiên hơn các điều ước quốc tế và các phán quyết của các cơ quan quốc tế trong các trường hợp xung đột với Hiến pháp Nga.

Theo Reuters, Điện Kremlin nói rằng tất cả các nghĩa vụ của Nga theo các điều ước quốc tế vẫn có hiệu lực và Moscow vẫn hoàn toàn cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thế nhưng, đạo luật này đã khiến một số người ủng hộ quyền ở Nga lo ngại. Hàng trăm người khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền châu Âu mỗi năm để đòi công lý mà họ nói rằng đã bị từ chối tại Nga.

Ông Putin lần đầu tiên đề xuất cải cách trong bài phát biểu cấp quốc gia vào tháng 1.2020.

Đây là một trong những sửa đổi hiến pháp và luật được thông qua trong năm nay.

Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức từ ngày 25.6 đến ngày 1.7, gần 78% cử tri Nga đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nga, gồm cả việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Về lý thuyết, sửa đổi này sẽ cho phép Tổng thống Putin ra tranh cử thêm 2 lần nữa khi nhiệm kỳ hiện tại (6 năm) của ông kết thúc vào năm 2024 và có khả năng duy trì quyền lực đến năm 2036. Khi đó, ông Putin 83 tuổi.

Ngày 17.11, dự luật trao quyền tái tranh cử Tổng thống cho ông Putin đã được trình ra Hạ viện Nga (Duma quốc gia Nga). Đây là bước đi để thực hiện các sửa đổi hiến pháp có hiệu lực từ ngày 4.7.

tong-thong-putin-ky-quyet-dinh-cho-phep-luat-phap-nga-vuot-tren-cac-hiep-uoc-quoc-te.jpg
Tổng thống Putin vừa ký ban hành một đạo luật cho phép pháp luật quốc gia Nga được ưu tiên hơn các điều ước quốc tế

Hôm 6.11, Tổng thống Putin đã ký ban hành đạo luật mới quy định một số thủ tục thành lập chính phủ, phù hợp với các sửa đổi của hiến pháp. 

Theo đạo luật mới, quyền hành pháp sẽ do chính phủ và các cơ quan liên bang khác thực hiện, dưới sự chỉ đạo chung của tổng thống (trước đó thì chỉ có chính phủ thực hiện quyền hành pháp).

Luật mới cũng thay đổi thủ tục bổ nhiệm thủ tướng. Theo đó, tổng thống chỉ có thể bổ nhiệm vị trí thủ tướng, sau khi ứng cử viên cho vị trí này được Hạ viện chấp thuận. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên thủ tướng không nhận được sự ủng hộ của các hạ nghị sĩ sau ba lần biểu quyết, tổng thống sẽ có quyền tự bổ nhiệm thủ tướng.

Luật mới cũng cho phép tổng thống bổ nhiệm vị trí bộ trưởng các bộ sức mạnh (Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Nội vụ), sau khi đã tham khảo ý kiến Thượng viện (Hội đồng Liên bang).

Thượng viện có quyền hủy bỏ việc xem xét đề xuất ứng cử viên vào các vị trí kể trên, nếu trong vòng một tuần các đề xuất này không được đệ trình lên Thượng viện.

Các thành viên còn lại trong nội các sẽ do Hạ viện phê chuẩn, theo đề nghị của thủ tướng. Tương tự như quy trình bổ nhiệm vị trí thủ tướng, nếu ứng cử viên cho các vị trí phó thủ tướng và bộ trưởng sau ba lần biểu quyết vẫn không được Hạ viện chấp thuận, tổng thống sẽ có quyền tự bổ nhiệm.

Ngoài ra, luật mới có một thay đổi quan trọng, đó là “sự ra đi” của thủ tướng sẽ không kéo theo việc toàn bộ nội các phải từ chức theo. Cụ thể, tổng thống có thể bổ nhiệm thủ tướng mới, nhưng vẫn giữ lại các thành viên nội các cũ.

Cơ cấu nội các vẫn như trước đây, sẽ do tổng thống tự quyết định. Bên cạnh đó, luật mới quy định tăng gấp 5 lần ngưỡng hỗ trợ tài chính, từ mức 100 lên 500 triệu rúp.

Ngày 24.4, Tổng thống Putin ký ban hành luật đơn giản hóa quy định nhập quốc tịch Nga. Dự luật đã được Hạ viện rồi sau đó là Thượng viện thông qua ngày 17.4.

Chủ tịch Hạ viện - Vyacheslav Volodin cho biết: “Chúng tôi đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Nga và loại bỏ sự quan liêu đối với những đồng bào nói tiếng Nga cũng như công dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây đã sống ở nước ta hoặc có quan hệ với Nga".

Thủ tục đơn giản hóa để nhận quốc tịch Nga sẽ được áp dụng cho người dân Moldova, Ukraine, Belarus và Kazakhstan với giấy phép cư trú hợp lệ ở Nga, cũng như với những người nói tiếng Nga cư trú tại nước này. Luật cũng sẽ được áp dụng cho người nước ngoài kết hôn với người Nga nếu họ sống ở Nga và có con chung; với người nước ngoài có ít nhất cha hay mẹ là công dân Nga và sống ở Nga; với người nước ngoài học tại các tổ chức giáo dục nhà nước Nga sau ngày 1.7.2002.

Theo luật mới, những người xin quốc tịch Nga sẽ không còn cần phải từ bỏ thân phận công dân của mình hoặc cư trú tại Nga trong 3 năm trước khi nộp đơn xin quốc tịch Nga. Luật sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ hôm 24.4.

Bài liên quan
‘Ông Putin, Tập Cận Bình có thể cười nhạo  Trump vì yêu cầu dừng các cuộc bỏ phiếu’
Yêu cầu dừng các cuộc bỏ phiếu với lý do gian lận bầu cử từ ông Trump làm suy yếu uy tín của Mỹ ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin ký quyết định cho phép luật Nga vượt trên các hiệp ước quốc tế, nhiều người lo âu