Dịch bệnh COVID-19 có thể tăng trở lại trong những ngày tới, nhất là trong thời điểm nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 sẽ không vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần và số ca nhập viện cũng không vượt quá 1% ca mắc.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ không vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần

Hồ Quang | 19/04/2023, 20:45

Dịch bệnh COVID-19 có thể tăng trở lại trong những ngày tới, nhất là trong thời điểm nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 sẽ không vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần và số ca nhập viện cũng không vượt quá 1% ca mắc.

Đó là nhận định của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM về tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay ở TP.HCM.

Vì sao số ca mắc và nhập viện vì COVID-19 gia tăng?

Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc COVID-19 tại TP đang có chiều hướng gia tăng. Trong tuần 15, TP ghi nhận 33 ca mắc COVID-19, tăng hơn 6 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

pgs-ts-do-van-dung-benh-nhan-mac-covid-19-se-khong-the-vuot-qua-20ca-100-dan-tuan-hinh-anh(1).png
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: PV

Cụ thể, trong tháng 3, mỗi ngày TP ghi nhận từ 1 đến 3 ca mắc mới được xác định. Trong 14 ngày (từ 3 - 16.4), TP ghi nhận 39 ca bệnh xác định. Từ ngày 12 - 16.4, trung bình mỗi ngày ghi nhận 7 ca, riêng ngày 15.4 hệ thống ghi nhận 12 ca bệnh xác định. Tổng số ca xác định ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay (1.1 - 16.4) tại TP là 181 ca.

Từ 3 - 11.4, TP có trung bình từ 1 đến 2 trường hợp mắc COVID-19 cần nhập viện điều trị. Từ 12 - 16.4, số ca nhập viện điều trị mỗi ngày từ 8 đến 12 ca.

Về độ nặng của bệnh, nếu như ngày 7.4, toàn TP chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhiễm COVID-19 nhập viện cần hỗ trợ oxy liệu pháp thì đến ngày 16.4 đã ghi nhận 13 trường hợp nhập viện cần hỗ trợ oxy, trong đó có 4 trường hợp thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC).

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, sở dĩ số ca mắc và nhập viện COVID-19 tại TP gia tăng trong thời gian gần đây là do những người tiêm ngừa vắc xin COVID-19 không đầy đủ; hoặc những người lớn tuổi, có bệnh nền đã tiêm chủng đầy đủ nhưng đã quá 6 tháng; còn lại không có gì đáng phải lo lắng cả.

Theo ông Dũng, những trường hợp này mắc COVID-19 và bị nặng là bình thường. Số người mắc COVID-19 trung bình của cả nước trong những ngày gần đây chưa đầy 1.000 ca, con số chưa là gì so với chỉ số dịch tễ.

“Đối với chỉ số dịch tễ ở mức 1 thôi là phải 20 ca/100.000 dân/tuần. Nếu chắc chắn không có ca mắc mới thì Việt Nam đã chặn đứng được đại dịch rồi. Chúng ta vẫn phải tiếp tục các biện pháp hạn chế lây lan và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trong thời điểm này, những người lớn tuổi dù đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19, nhưng đã qua 6 tháng thì nên tiêm trở lại để phòng bệnh”, ông Dũng khuyến cáo.

Ông Dũng cho rằng tỷ lệ mắc COVID-19 hiện nay là không còn quan trọng. Trước đây, khi chưa có vắc xin phòng COVID-19, cứ 100 ca mắc thì có từ 2 đến 5 ca tử vong; bây giờ không còn hằng số đó nữa.

“Ngay cả những người cao tuổi đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ thì cao lắm 800 ca mắc mới có 1 ca nhập viện”, bác sĩ Dũng nói.

Dù một số biến thể mới của Omicron có khả năng "phá rào" miễn dịch, nhưng theo ông Dũng vắc xin phòng COVID-19 vẫn có tác dụng bảo vệ chống diễn biến nặng và tử vong đối với các biến thể mới này.

Sẽ không thể vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần

Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, ông Dũng cho biết số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ còn tăng lên, nhất là sắp đến kỳ nghỉ lễ 30.4, 1.5 và sự xuất hiện của biến chủng XBB.1.5.

Theo ông Dũng, dù hiện nay chưa thể thống kê số ca mắc COVID-19 một cách chính xác nhất, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng số ca mắc COVID-19 có thể gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, chắc chắn một điều số ca mắc COVID-19 không thể nào vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần; còn số người nhập viện cũng không thể nào vượt quá 1% so với số người mắc COVID-19.

“Mức độ lan thì có, nhưng hiện nay chúng ta đã có tiêm vắc xin phòng COVID-19 rồi. Ngoài ra, các chuyên gia trên thế giới cũng nhận định, hiện nay COVID-19 ở các quốc gia rất khó có thể vượt qua mức độ 1 ( vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần) nên chúng ta cũng khó có thể vượt qua con số đó”, ông Dũng giải thích.

Mặc dù vậy, ông Dũng cho rằng, với những người đã tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch sẽ không có nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Những người đã tiêm ngừa đầy đủ, nếu lỡ mắc COVID-19 thì cũng tăng thêm miễn dịch, chứ không có khả năng gây bệnh nặng phải nhập viện.

Đề cập đến vấn đề miễn dịch COVID-19 của người dân TP.HCM đã giảm từ 98,7% xuống còn 94,2%, ông Dũng cho rằng đây chỉ là giảm ở những người bình thường, nhưng khi mắc COVID-19 trở lại thì miễn dịch tăng lên, không bị nặng và tử vong.

“Khi miễn dịch COVID-19 thì khả năng nhiễm có thể cao hơn trước, nhưng khả năng chống lại bệnh nặng vẫn tốt, không bị suy giảm”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện do COVID-19 tăng trở lại, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay và tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ.

Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập… những người sống chung nhà có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho những người thân thuộc nhóm người có nguy cơ. Vì vậy, để bảo vệ người thân của mình (người thuộc nhóm nguy cơ), ý thức phòng bệnh của người thân, người chăm sóc cùng sống chung trong nhà cũng rất quan trọng. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ không vượt quá 20 ca/100.000 dân/tuần