Đại sứ Phần Lan mong muốn được nghiên cứu, đầu tư và triển khai dự án điện linh hoạt ICE tại Ninh Bình với đối tác Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Phần Lan muốn đầu tư dự án điện linh hoạt ICE tại Ninh Bình

Tuyết Nhung 18:01 16/03/2024

Đại sứ Phần Lan mong muốn được nghiên cứu, đầu tư và triển khai dự án điện linh hoạt ICE tại Ninh Bình với đối tác Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam bày tỏ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Phần Lan mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư vào thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng.

image.png
Mô hình dự án điện linh hoạt ICE tại Ninh Bình - Ảnh: IT

Wärtsilä là doanh nghiệp hàng đầu của Phần Lan trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, với giải pháp nhà máy sử dụng công nghệ điện linh hoạt ICE đã được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Wärtsilä - ông Håkan Agnevall đã giới thiệu chi tiết về công nghệ điện linh hoạt ICE mà tập đoàn sở hữu, đồng thời báo cáo Bộ trưởng về tình hình hợp tác với Tổng công ty phát điện 3 (EVN GENCO3) và bày tỏ mong muốn được nghiên cứu, đầu tư và triển khai dự án điện linh hoạt ICE tại tỉnh Ninh Bình với đối tác Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Tập đoàn Wärtsilä và EVN GENCO3 nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, để có thể xây dựng một phương án khả thi, đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, giá thành điện năng phù hợp với mức chi trả của đối tượng sử dụng sau khi dự án vận hành, để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định hiện nay.

Chủ tịch Tập đoàn Wärtsilä cam kết sẽ nghiên cứu, báo cáo chi tiết về dự án để trình Bộ Công Thương cùng các cấp có thẩm quyền xem xét. Ông khẳng định định hướng, cam kết đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam, hỗ trợ cho lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình vào tháng 8.2023, lãnh đạo Tập đoàn Wärtsilä đã đề xuất sẽ đầu tư xây dựng nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300MW, với 17 tổ máy ICE 22ha. Địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng. Nhà máy mới sẽ sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững (LNG và hydrogen trong tương lai) với vị trí địa điểm cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng tới đời sống và phát triển du lịch của địa phương.

Công nghệ động cơ đốt trong ICE được cho là chiếc "chìa khóa"quan trọng mở ra cơ hội giúp Việt Nam ổn định các nguồn năng lượng tái tạo và tiến gần hơn với mục tiêu Net Zero.

Wärtsilä đã tham gia vào thị trường Việt Nam từ đầu những năm 2000. Tới nay, tại Việt Nam, tập đoàn này đã xây dựng thành công khoảng 10 nhà máy điện sử dụng động cơ đốt trong (ICE), cung cấp nguồn điện tin cậy cho các khách hàng công nghiệp. Ngay khi giá FIT cho điện mặt trời được ban hành vào năm 2017, tập đoàn đã thấy trước nhu cầu rất lớn cho nguồn điện linh hoạt khi tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong tương lai.

Nói về vai trò của công nghệ ICE trong hệ thống điện Việt Nam, ông Lê Việt Cường - Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, trong quá trình tham vấn Bộ Công Thương phát triển Quy hoạch điện VIII, một trong những giải pháp quan trọng đã được đưa ra là từng bước nâng cao tỷ lệ hợp lý nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện. Nguồn điện linh hoạt có nhiều ưu điểm kỹ thuật khi vận hành trong hệ thống điện như khởi động nhanh, dừng nhanh; chế độ tải nền, phủ đỉnh, tải thấp; thay đổi công suất phát tức thời theo yêu cầu của đơn vị vận hành hệ thống điện.

Nhiều chuyên gia nhận định, khả năng vận hành linh hoạt là một yêu cầu với bất kỳ hệ thống điện nào với tỉ trọng năng lượng tái tạo cao. Những nhà máy điện linh hoạt sử dụng động cơ đốt trong ICE sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo và đảm bảo sự ổn định cho hệ thống điện khi không có nắng hoặc gió trong nhiều giờ và ngày liên tục.

Ông Lê Việt Cường cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng tái tạo như: chính sách; pháp lý; vận hành, ứng dụng công nghệ tiên tiến... ICE cung cấp nguồn điện có ưu điểm dừng nhanh, tải nhanh sẽ là giải pháp giúp hệ thống điện của Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Bài liên quan
Nóng chuyện tính khung giá phát điện cho dự án điện gió, điện mặt trời
Tới sáng 21.10, EVNEPTC mới nhận được thông tin từ 59 đơn vị/dự án gửi về (chiếm hơn 20%). Qua đánh giá sơ bộ, một số đơn vị/dự án gửi vẫn thiếu, hoặc chưa đầy đủ thông tin theo đề nghị của EVNEPTC.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phần Lan muốn đầu tư dự án điện linh hoạt ICE tại Ninh Bình