Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo về việc công khai lãi suất trước ngày 1.4, đến nay đã có nhiều ngân hàng thực hiện điều này.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố thông tin trên trang web về lãi suất cho vay bình quân tháng 3. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế tại ngân hàng ở mức 3,75%/năm.
Trước đó, một số ngân hàng khác như: ACB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietBank... cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân. Trên website một số ngân hàng đã công khai "lãi suất cho vay cơ sở". Tuy nhiên, mỗi ngân hàng công bố một cách khác nhau.
Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất vay cơ sở với VND kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 4-6 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng là 7,7%/năm, còn trung dài hạn là 8,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống từ ngày 2.10.2023 là 8,7%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng lãi suất cơ sở này được áp dụng đối với các khoản vay có lãi suất tại kỳ tái định được tính theo biểu lãi suất cho vay tại ACB.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng nước ngoài khác như: Hong Leong, Agricultral Bank of China, Maybank Hà Nội và TP.HCM, First Commercial Bank chi nhánh Hà Nội và TP.HCM Maybank, Công ty tài chính Lotte finance, FE Credit,... cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng gửi đường dẫn (link) của Chuyên mục công bố các loại lãi suất về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1.4, trường hợp tổ chức tín dụng thay đổi đường dẫn thì phải cập nhật trong vòng 2 ngày làm việc với Ngân hàng Nhà nước.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, đại diện các tổ chức tín dụng than khó công khai lãi suất bình quân đối với các khoản vay của doanh nghiệp. Lãnh đạo nhiều ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc chỉ yêu cầu ngân hàng thương mại công khai lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã bác đề xuất này.
Cập nhật từ website của các ngân hàng thương mại lúc 15 ngày 12.3, phần lớn các tổ chức tín dụng mới công khai lãi suất cho vay đối với cá nhân; lãi suất của các chương trình tín dụng, gói tín dụng... Nhiều ngân hàng chưa công khai lãi suất cho vay bình quân; chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1.2024 lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,5-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,7-6,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,8-7,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-10,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,3 - 5,2%/năm đối với ngắn hạn; 6,6 - 7,4%/năm đối với trung và dài hạn.