Ngày 6.12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên tiếng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định của ông nhận phải phản đối mạnh mẽ từ dư luận quốc tế
Tổng thống Trump tuyên bố: “Israel là quốc gia có chủ quyền, có quyền như mọi quốc gia có chủ quyền khác là quyền xác định thủ đô của mình. Tôi quyết định đây là lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”.
Ông cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng triển khai kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Tổng thống khẳng định ông không nghiêng về bên nào trong các vấn đề biên giới, đặc biệt là tình trạng của Jerusalem. Ông đảm bảo quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực của Mỹ trong giải quyết xung đột Israel - Palestine, và ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hai bên đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố quyết định chính thức, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Bộ Ngoại giao đã bắt tay vào công tác chọn địa điểm đặt Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, song song đó công tác an ninh bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng đã được thắt chặt.
Đài CNN cho biết công nhận Jerusalem là thủ đô Israel là một trong những cam kết trong lúc tranh cử Tổng thống Mỹ mà ông Trump đưa ra.
Từ cuối những năm 1960 đến nay, Đại sứ quán Mỹ tại Israel đều đặt ở Tel Aviv. Theo Reuters, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển Đại sứ quán đến đây đi ngược lại chính sách lâu nay của chính nước này và có nguy cơ khiến bạo lực bùng phát ở khu vực.
Dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi quyết định của ông Trump là một “cột mốt lịch sử”. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước Ả Rập, châu Âu và Liên Hợp quốc đều đã lên tiếng phản đối.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chỉ trích Mỹ đã từ bỏ vai trò trung gian hòa giải trong nỗ lực hòa bình cho Palestine và Israel. Phía Jordan cho rằng đây là một quyết định “không hợp lệ”.
Ngoài chính quyền, người dân Palestine cũng đã có những phản ứng quyết liệt. Với lý do Tổng thống Trump đã có “một hành động hung hãn với người dân Palestine”, Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) đã kêu gọi tổ chức nhiều cuộc biểu tình và bạo động trong ngày 7.12.
Trong tối ngày 6.12, tất cả đèn Giáng sinh tại thành phố Bethlehem (Palestine) đều bị tắt nhằm phản đối ông Trump, trang tin Reuters cho biết.
Ngoài Palestine và Jordan, lãnh đạo các nước Trung Đông khác, gồm Ai Cập, Lebanon, Qatar, Thổ Nhĩ Kỹ và Iran, cũng chỉ trích mạnh mẽ quyết định từ phía Mỹ. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã mời các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tham gia cuộc họp thượng đỉnh bàn về vấn đề Jerusalem tổ chức ngày 13.12 tới.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng có thái độ tương tự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp không ủng hộ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đơn phương của Mỹ, đồng thời kêu gọi toàn khu vực bình tĩnh.
Thủ tướng Anh Theresa May đã tỏ ý không đồng tình trước khi ông Trump ra tuyên bố chính thức. Bà cho rằng động thái không giúp vun đắp hòa bình trong khu vực.
Về phía Liên Hợp quốc (LHQ), Tổng thư ký Antonio Guterres cũng tuyên bố phản đối các hành động đơn phương đe doạ triển vọng hòabình Trung Đông đồng thời khẳng định không có giải pháp nào khác cho cuộc xung đột ngoài giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine. Theo ông Guterres, vấn đề quy chế Jerusalem cần giải quyết bằng đàm phán trước tiếp.
Reuters cho biết theo yêu cầu của 8 nước thành viên (Pháp, Bolivia, Ai Cập, Ý, Senegal, Thụy Điển, Anh và Uruguay), Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về quyết định của ông Trumpvào ngày 8.12
Cẩm Bình (theo Reuters, CNN, Aljazeera)