Hải quân Pháp thông báo đã điều hai tàu chiến tới Biển Đông, một động thái được cho là có thể chọc giận Trung Quốc.

Pháp điều tàu chiến tới Biển Đông 'nhằm tăng cường hiểu biết về khu vực'

Hoàng Vũ | 20/02/2021, 06:15

Hải quân Pháp thông báo đã điều hai tàu chiến tới Biển Đông, một động thái được cho là có thể chọc giận Trung Quốc.

Trang tin Naval News (Pháp) cho biết tàu đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục loại nhỏ Surcouf của hải quân Pháp đã khởi hành từ căn cứ Toulon hôm 18.2 và sẽ đến Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh kéo dài 3 tháng.

Đây là sứ mệnh triển khai thường niên của Hải quân Pháp, với ba mục tiêu chính là: đào tạo tác chiến thực tế cho các sĩ quan chuẩn bị tham gia lực lượng Hải quân; triển khai năng lực hoạt động trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược; tăng cường khả năng tương tác và hợp tác khu vực.

Trong chiến dịch năm nay, nhóm tàu của Hải quân Pháp sẽ triển khai tới Địa Trung Hải, Biển Đỏ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, các tàu chiến Pháp sẽ đi qua Biển Đông hai lần và tham gia một cuộc tập trận kết hợp với quân đội Nhật Bản và Mỹ vào tháng 5 năm nay.

533470_6_.jpg
Tàu đổ bộ Tonnerre (phải) của hải quân Pháp - Ảnh; Wikipedia

Đại úy Arnaud Tranchant, sĩ quan chỉ huy tàu Tonnerre, cho biết hải quân Pháp sẽ hoạt động để tăng cường quan hệ đối tác giữa nước này với 4 quốc gia thành viên Đối thoại “Bộ tứ kim cương” (Quad), gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

Khi được hỏi liệu hải quân Pháp có ý định đi qua eo biển Đài Loan hay không, ông Tranchant cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa lập hải trình cho khu vực này. Chúng tôi sẽ thực hiện các tuyến hàng hải trực tiếp nhất… trong khi chắc chắn sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền tại các vùng lãnh thổ mà chúng tôi sẽ đi qua”.

Động thái trên diễn ra một tuần sau khi tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của hải quân Pháp đến tuần tra ở Biển Đông, nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển này và khiến Bắc Kinh “nóng mặt”.

612879370.jpg
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của hải quân Pháp - Ảnh: AP

“Việc tuần tra đặc biệt này vừa hoàn tất tại Biển Đông. Bằng chứng nổi bật về năng lực của hải quân Pháp trong việc điều động xa và trong thời gian dài cùng với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết hôm 9.2.

Giải thích về nguyên nhân tiến hành sứ mệnh trên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp cho biết chuyến tuần tra nhằm tăng cường hiểu biết về khu vực và “khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào mà chúng tôi đi qua”.

Trước đó, các tàu của hải quân Pháp cũng từng thực hiện các sứ mệnh tương tự vào năm 2015 và 2017 khi đi qua Biển Đông.Tuy nhiên, giới phân tích nhận định cuộc tập trận mới nhất lần này là dấu hiệu cho thấy chính quyền Paris đang nỗ lực tái khẳng định sự quan tâm của Pháp đối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hiện diện và tăng cường các hoạt động hợp tác song phương ở khu vực. Một số chuyên gia khác thì cho rằng Pháp sẽ gia tăng phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách tăng tần suất hoạt động trong khu vực, nhằm duy trì "sự hiện diện bình thường”.

Pháp từng tiến hành một số hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông cùng với các nước như Anh, Mỹ để phản đối các động thái và yêu sách của Trung Quốc. Pháp, Đức và Anh hay còn gọi là nhóm E3, đã gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái để phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các tàu chiến của Mỹ thời gian qua cũng thường xuyên tiến hành các sứ mệnh duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông. Mới đây nhất, tàu khu trục Mỹ USS John S.McCain ngày 5.2 đã tuần tra quanh quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, nhằm thách thức yêu sách phi pháp của Bắc Kinh.

Đây là nhiệm vụ đầu tiên thuộc hoạt động này dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden. Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết sự có mặt của tàu khu trục USS John S. McCain "khẳng định các quyền và tự do hàng hải trong khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".

etermpixcaqc4j1.jpg
Khu trục hạm USS John S. McCain hoạt động xung quanh quần đảo Hoàng Sa ngày 5.2 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tháng trước, một nhóm tàu tấn công đổ bộ của Mỹ cũng tiến vào Biển Đông từ nhiều hướng trong một hoạt động mà hải quân Mỹ khẳng định là hoạt động thường lệ nhằm đảm bảo các hoạt động tự do hàng hải.

Fu Kuncheng, người đứng đầu Viện Biển Đông tại Đại học Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) cho rằng các cuộc tuần tra và tập trận như trên là "đáng báo động" và Trung Quốc nên suy nghĩ về cách đối phó với áp lực này.

"Mỹ hy vọng sẽ kết hợp với các đồng minh NATO để phô trương cơ bắp ở Biển Đông bằng các cuộc tập trận và các hoạt động tự do hàng hải. Khi các nước này (đồng minh của Mỹ) chủ trương tự do hàng hải, Trung Quốc nên cử tàu chiến tháp tùng cùng họ. Nhưng nếu họ đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta sẽ phải phản đối theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS (1982)”, ông Fu nói.

Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Song Zhongping, cho biết: “Rõ ràng là Pháp muốn chứng tỏ sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới áp lực của Mỹ, để hợp tác với các hoạt động và triển khai quân sự của Washington”.

“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng hơn và Pháp đang cố gắng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Nhưng sẽ rất khó khăn vì sức mạnh quân sự của nước này đang bị thu hẹp trong những năm gần đây”, Hu Bo, chuyên gia thuộc Sáng kiến ​​Quan sát Tình hình Chiến lược Biển Đông, nhận định.

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp điều tàu chiến tới Biển Đông 'nhằm tăng cường hiểu biết về khu vực'