Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của loài lửng mật đã tuyệt chủng ở Langebaanweg vào đầu thế Thượng tân (Pleiocen).

Phát hiện hóa thạch lửng mật cổ đại 5 triệu năm tuổi

Long Hải | 04/11/2020, 11:45

Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của loài lửng mật đã tuyệt chủng ở Langebaanweg vào đầu thế Thượng tân (Pleiocen).

lung-mat.jpg
Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch này ở Công viên hóa thạch bờ Tây Nam Phi

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Vertebrate Paleontology của nhà cổ sinh vật học Alberto Valenciano Vaquero ở Bảo tàng Iziko và Đại học Cape Town (Nam Phi), đã báo cáo về việc phát hiện ra họ hàng của loài lửng mật ngày nay ở Langebaanweg vào đầu thế Thượng tân (Pleiocen). Khu vực này là Công viên hóa thạch bờ Tây Nam Phi ngày nay.

Bên cạnh loài động vật giống lửng mật, vùng đất này còn chứa một trong những quần thể động vật có vú phong phú và được bảo tồn tốt nhất, bao gồm hổ răng kiếm, gấu, linh cẩu, chó hoang, cầy mangut, cũng như họ hàng của hươu cao cổ sống, voi, tê giác, lợn rừng cùng nhiều loại chim, cá và động vật biển.

Lửng mật ngày nay (Mellivora capensis) thuộc họ Chồn bao gồm chồn, rái cá và lửng mật. Chúng sống ở hầu hết các khu vực cận Sahara châu Phi và Đông Á, bao gồm cả Ấn Độ. Mặc dù có kích thước tương đối nhỏ (9-14 kg) nhưng lửng mật là một trong những loài động vật hung dữ nhất trên thế giới.

Valenciano, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Ngay cả những loài ăn thịt lớn như báo hoa mai, linh cẩu và sư tử cũng tránh xa chúng. Những con lửng mật được trang bị hàm răng sắc nhọn và móng vuốt dài để giúp bắt mồi, nhưng chúng cũng ăn quả, rễ cây, côn trùng và động vật có xương sống nhỏ.

Trong khi đó, loài lửng mật đã tuyệt chủng ở Langebaanweg (Mellivora benfieldi) ban đầu được Brett Hendey mô tả cách đây hơn 40 năm dựa trên một số mảnh xương hàm dưới.

“Hóa thạch lửng mật mới mà chúng tôi nghiên cứu gấp ba lần số lượng hóa thạch đã biết. Những hóa thạch mới này cho thấy loài lửng mật ở Nam Phi khác với lửng mật cuối thế Trung tân ở Trung Phi (Howellictis) và Đông Phi (Erokomellivora)”, Valenciano nói.

Công trình nghiên cứu này đề cập đến sự tiến hóa của họ hàng lửng mật ở châu Phi trong 7 triệu năm qua và xác nhận sự tồn tại của một nhóm độc nhất có tên Eomellivorini. Mặc dù lửng mật ngày nay đại diện cho thành viên sống đơn lẻ trong phân họ của nó, nhưng chúng đa dạng hơn nhiều trong quá khứ.

Valenciano nhận định rằng trên thực tế có sự tồn tại của hai nhóm riêng biệt: loài Mellivorini (bao gồm lửng mật ngày nay, lửng mật từ Langebaanweg và một số họ hàng khác) cũng như loài Eomellivorini với đặc trưng là tỷ lệ khổng lồ. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng lửng mật từ Langebaanweg nhỏ hơn một chút so với lửng mật ngày nay, nhưng cũng là loài săn mồi cơ hội và chuyên đào đất như họ hàng của chúng.

“Các hóa thạch Langebaanweg có thể giúp chúng ta giải thích cách động vật thích nghi với những thay đổi về khí hậu và môi trường sống, cũng như hiểu biết sâu sắc về sự tiến hóa của động vật ăn thịt ở miền nam châu Phi”, Valenciano nhận định.

Nhà cổ sinh vật học Anusuya Chinsamy-Turan, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Đây là một khám phá đáng kinh ngạc. Nếu không có các hóa thạch ở Langebaanweg, chúng ta sẽ hoàn toàn không biết về sự đa dạng sinh học đã từng tồn tại bờ Tây Nam Phi. Nghiên cứu đang diễn ra về các loài động vật ăn thịt khác từ Langebaanweg cũng sẽ mở rộng kiến thức về những loài động vật đã tuyệt chủng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện hóa thạch lửng mật cổ đại 5 triệu năm tuổi