Ngày 2.9, các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 tuyên bố rằng sẽ nhanh chóng thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga còn EU khẳng định muốn áp giá với khí đốt Nga. Lập tức Nga đã “tuốt gươm” đáp trả cực mạnh.
Trong cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính G7, đại diện của Đức Christian Lindner nói rằng: "Nga đã hưởng lợi về kinh tế từ sự bất ổn trên thị trường năng lượng do xung đột gây ra, cũng như đang kiếm được lợi nhuận lớn từ xuất khẩu dầu. Chúng tôi muốn ngăn điều đó một cách dứt khoát".
Ông Linder thêm rằng mục đích của áp giá trần là để ngăn nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch Ukraine của Nga, cũng như ngăn giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng.
Thuận đà, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua cũng tuyên bố EU cần có một mức giá trần đối với nhập khẩu khí đốt từ đường ống của Nga.
Bà nói với các phóng viên tại thị trấn Murnau (Đức): “Tôi tin chắc rằng đã đến lúc giới hạn giá đối với đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu.
Người đứng đầu EU khẳng định biện pháp này sẽ ngăn chặn những gì mà bà gọi là nỗ lực thao túng thị trường năng lượng châu Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo hôm thứ Sáu rằng trong trường hợp áp dụng mức trần giá như vậy, các quốc gia EU sẽ không nhận được bất kỳ khí đốt nào của Nga. Ông Medvedev viết trên kênh Telegram: “Nó sẽ giống như với dầu. Sẽ không có khí đốt của Nga ở châu Âu”.
Và lời của ông Medvedev phát ra chưa lâu đã thành hiện thực luôn. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm qua đã thông báo về việc ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho EU qua đường ống Nord Stream 1, trong thời gian không xác định, do trục trặc kỹ thuật.
Theo công ty, họ đã nhận được cảnh báo từ cơ quan quản lý công nghiệp của Nga Rostekhnadzor về sự cố tuabin. Các vấn đề đã được phát hiện trong quá trình bảo trì và đường ống sẽ không thể hoạt động nếu không được sửa chữa thích hợp, theo Gazprom.
Công ty Nga cho biết họ đã thông báo cho nhà sản xuất Siemens của Đức về sự cố tuabin và sự cần thiết phải đại tu. Việc sửa chữa đường ống Nord Stream 1 ban đầu được lên kế hoạch từ ngày 31.8 đến ngày 3.9, khiến các dòng khí đốt đến EU ngừng hoạt động hoàn toàn. Nhưng với thông báo mới vào cuối ngày hôm qua thì khí đốt đến EU không biết khi nào mới tới.
Trong suốt tháng 6, Gazprom đã giảm lưu lượng khí đốt xuống dưới 40% thông qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 có công suất. Nga lý giải điều này là do các vấn đề bảo trì với các tuabin máy nén khí do Siemens sản xuất, sau đó được gửi đến Canada để sửa chữa. Dưới áp lực của Nga, Canada đã cho phép miễn trừ các lệnh trừng phạt để các tuabin có thể được đưa trở lại Nord Stream 1, một quyết định gây tranh cãi. Ngay sau khi các tuabin được đưa trở lại, Gazprom ngay lập tức đóng cửa hoàn toàn Nord Stream 1 trong mười ngày để "bảo trì". Tiếp theo là một lá thư ngày 14 .7 gửi cho các khách hàng với lý do bất khả kháng đã ngăn cản Gazprom đảm bảo tiếp tục nguồn cung cấp khí đốt. Dòng chảy hoạt động trở lại vào ngày 21.7, nhưng đến ngày 27.7, lưu lượng chỉ còn ở mức khoảng 20% công suất do chỉ có một trong sáu máy nén hoạt động. Gazprom tuyên bố có vấn đề với việc sửa chữa và thủ tục giấy tờ của tuabin máy nén Siemens.
Việc Nga cắt giảm nguồn khí đốt sang châu Âu đã khiến khu vực này chao đảo vì hoàn toàn không có phương án chuẩn bị sưởi ấm cho mùa đông tới. Do vậy, việc cắt hẳn dòng khí đốt sẽ đẩy EU vào tình thế khốn khó khi đã bước sang tháng 9. Ngay cả việc nhập khẩu dầu từ Nga tới đây cũng không còn dễ dàng. Cũng hôm qua, Điện Kremlin nhấn mạnh Nga sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần, cảnh báo về tình trạng bất ổn của thị trường dầu toàn cầu.
Trước khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2, châu Âu đã nhận gần một nửa lượng dầu xuất khẩu từ Nga. Khối đã nhập khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày vào năm 2021. Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất. Thiếu dầu thì kinh tế đình trệ, thiếu gas thì đời sống bị đảo lộn trong mùa đông lạnh giá. Sẽ là một thời kỳ khó khăn đang chờ cho châu Âu.