Ngày 18.11, nước chủ nhà World Cup 2022 đã bất ngờ quyết định cấm bán bia tại các sân vận động tổ chức các trận đấu.
Đây được coi là một cú "quay xe" đột ngột đối với thỏa thuận mà Qatar vốn đã cam kết trong bối cảnh giải đấu bóng đá chỉ còn hai ngày nữa là diễn ra trận khai mạc.
Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự căng thẳng của việc tổ chức sự kiện, không chỉ là một giải đấu thể thao mà còn là một lễ hội kéo dài cả tháng ở quốc gia vốn hạn chế bán rượu nghiêm ngặt. Đây cũng là một đòn sốc đối với nhà tài trợ bia World Cup Budweiser và đặt ra câu hỏi về mức độ kiểm soát của FIFA đối với giải đấu của mình.
Khi Qatar chạy đua đăng cai World Cup, quốc gia này đã đồng ý với các yêu cầu của FIFA về việc bán rượu trong các sân vận động. Thế nhưng, các chi tiết chỉ được công bố vào tháng 9 vừa qua và điều đó cho thấy các cuộc đàm phán có thể đã gặp trắc trở như thế nào.
Tuyên bố hôm thứ Sáu từ FIFA cho biết bia không cồn sẽ vẫn được bán tại 8 sân vận động nhưng rượu sâm panh, rượu vang, rượu whisky và các loại rượu khác sẽ chỉ được phục vụ tại các khu vực nhà hàng sang trọng trong sân.
Nhưng đại đa số khán giả có vé không có quyền vào các khu vực VIP đó. Thay vào đó, họ sẽ chỉ có thể uống bia có cồn vào buổi tối trong khu vực tổ chức Lễ hội người hâm mộ FIFA, một địa điểm giới hạn được chỉ định trước. Bên ngoài các khu vực tổ chức giải đấu, Qatar đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc mua và tiêu thụ rượu, mặc dù việc bán rượu đã được cho phép tại các quán bar của khách sạn trong nhiều năm.
FIFA cũng đành xuống nước thông báo: “Sau các cuộc thảo luận giữa chính quyền nước chủ nhà và FIFA, một quyết định đã được đưa ra là tập trung bán đồ uống có cồn vào khu vực tổ chức Lễ hội người hâm mộ FIFA, các điểm đến khác dành cho người hâm mộ và các địa điểm được cấp phép, loại bỏ các điểm bán bia khỏi... khuôn viên sân vận động”.
Một số người hâm mộ bóng đá đã nhanh chóng phản ứng với quyết định. Adel Abou Hana, một cổ động viên đến từ Mỹ cho biết: “Chúng tôi đến đây không phải để uống bia. Chúng tôi đến đây để xem bóng đá đẳng cấp thế giới”.
Nhưng Federico Ferraz đến từ Bồ Đào Nha than thở rằng quyết định được đưa ra quá gấp. “Tôi nghĩ điều đó hơi tệ vì đối với tôi, bia và bóng đá là phải đi đôi với nhau”.
Khi tin tức được đưa ra, tài khoản Twitter của hãng bia Budweiser đã tweet: “Chà, điều này thật khó xử…” mà không giải thích chi tiết. Dòng tweet sau đó đã bị xóa.
Còn Ab InBev, công ty mẹ của Budweiser, đã thừa nhận rằng một số kế hoạch của họ “không thể tiến triển do các tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Công ty trả hàng chục triệu USD tại mỗi kỳ World Cup để được độc quyền bán bia và đã vận chuyển khối lượng bia lớn từ Anh đến Qatar với hy vọng bán sản phẩm của mình cho hàng triệu người hâm mộ. Mặc dù doanh số bán hàng thực tế tại giải đấu có thể không chiếm nhiều trong doanh thu của công ty lớn, nhưng World Cup vẫn là cơ hội xây dựng thương hiệu lớn.
Mối quan hệ đối tác của công ty với FIFA bắt đầu từ giải đấu năm 1986 và họ đang đàm phán để gia hạn thỏa thuận cho World Cup 2026 ở Bắc Mỹ.
Ronan Evain, giám đốc điều hành của nhóm cổ động viên Football Supporters Europe, gọi quyết định cấm bán bia tại các sân vận động ở Qatar là “cực kỳ đáng lo ngại”.
Evain viết trên Twitter: “Đối với nhiều người hâm mộ, cho dù họ không uống rượu hay đã quen với chính sách sân vận động cấm đồ uống có cồn ở nhà, thì đây vẫn là một chi tiết gây chú ý. Chuyện này sẽ không thay đổi giải đấu của họ. Nhưng khi chỉ còn 48 tiếng nữa, rõ ràng chúng ta đã bước vào một vùng bất trắc - nơi mà ‘sự đảm bảo’ không còn được đề cao nữa”.
Các nước chủ nhà World Cup trước đây thường nhượng bộ các yêu cầu của FIFA. Đối với giải đấu năm 2014, Brazil buộc phải thay đổi luật cho phép bán rượu tại các sân vận động. Thế nhưng, Qatar lần này lại cứng rắn hơn rất nhiều.
Trong những năm gần đây, Qatar đã chuyển đổi thành một trung tâm cực kỳ hiện đại sau khi kiếm bộn từ khí đốt tự nhiên vào những năm 1990, nhưng nước này vẫn phải đối mặt với áp lực từ bên trong để bảo vệ truyền thống khắt khe của mình. Luật Hồi giáo cấm uống rượu và nhiều người dân ở Qatar đã ủng hộ quyết định vào thứ Sáu vừa rồi, khi cho rằng du khách nên tôn trọng phong tục của đất nước.
Trước thềm World Cup, các tổ chức phương Tây đã nêu lên mối lo ngại về việc Qatar sẽ tiếp đón hàng triệu người hâm mộ nước ngoài như thế nào, một số người trong số họ có thể vi phạm luật Hồi giáo như say xỉn nơi công cộng, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và quan hệ đồng tính.