“Muốn chiến đấu giỏi thì phải chuyên môn hóa rất cao. Thời đại công nghệ cao thì càng phải tập trung, nếu cứ phân tán nguồn lực vào làm kinh tế thì sẽ rất khó phát triển”, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23.6, thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài".
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết rất hoan nghênh ý kiến của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm và cho rằng đây là một bước tiến rất quan trọng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp thuộc quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn và tập trung vào các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trở thành đội quân tinh nhuệ, chuyên môn hóa cao và tránh được các nhóm lợi ích.
“Đây là điều rất đáng mừng và từ lâu tôi cũng như nhiều người dân đã mong như vậy. Điều này tôi mong quân đội sẽ tiếp tục bàn bạc và có các bước đi thích hợp, bởi vì doanh nghiệp thuộc quân đội hiện nay cũng khá nhiều”, ông Doanh nói.
Đồng tình với quan điểm trên, nói với phóng viên báo Một Thế Giới, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng điều này hết sức đúng đắn, bởi vì quân đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu. Nếu mà phân tán nguồn lực để làm kinh tế thì khó có thể đáp ứng tốt được nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, quân đội làm kinh tế thì việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn bởi vì khó phân biệt rạch ròi được đâu là bí mật quân sự, đâu là kinh tế đơn thuần. “Khó giám sát dẫn đến vi phạm dễ xảy ra. Ở đâu cũng thế, làm thì phải có thanh tra, kiểm tra, nếu không có kiểm tra thì dễ dẫn đến vi phạm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng “kinh tế là hoạt động dân sự, nếu quân sự cũng làm dân sự thì dễ lẫn lộn, chồng chéo”.
“Hội nghị Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Muốn kinh tế tư nhân là động lực thì những nơi có thể làm được phải để cho tư nhân làm chứ không phải để cho quân đội. Cái gì quân đội cũng làm thì tư nhân rất khó cạnh tranh”, ông Dũng cho hay.
Vị này cũng cho rằng, trên thế giới hiện nay cũng không có quân đội nào làm kinh tế. Gần gũi với Việt Nam là Trung Quốc thì Trung Quốc cũng đã bỏ việc này. “Muốn chiến đấu giỏi thì phải chuyên môn hóa rất cao. Thời đại công nghệ cao thì càng phải tập trung, nếu cứ phân tán nguồn lực vào làm kinh tế thì sẽ rất khó phát triển”.
Quan điểm quân đội không nên làm kinh tế không phải bây giờ mới được đưa ra nhưng nhiều năm qua vẫn không thực hiện được. Trao đổi với báo chí từ năm 2007 về vấn đề này, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cho biết: “Thực tế mà nói, khi chúng ta mới đi từ chiến tranh ra hòa bình, thời điểm đó đất nước vô cùng khó khăn, mọi người phải chung sức, chung lòng. Quân đội cũng như Công an cũng phải tham gia làm kinh tế, thương mại. Thời điểm từ năm 1975 đến 1990 thì việc này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Vì quân đội hay công an cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia. Cho nên đã đến lúc phải chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang cho các cơ quan Nhà nước quản lý”.
Theo nguyên Tổng Bí thư, quyết sách này sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn. Có như vậy thì cơ chế thị trường mới có thể phát huy tác dụng, và sự cạnh tranh lành mạnh mới có thể xảy ra.
“Người ta không thể cạnh tranh bình đẳng và trung thực nếu như mỗi người ở một vị thế rất khác nhau. Ngoài ra, điều này cũng sẽ bảo đảm minh bạch cho cả hệ thống theo nguyên tắc: đã kinh doanh thì phải tuân thủ các chuẩn mực như nhau”, ông Lê Khả Phiêu nói.
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, rào cản của việc này xuất phát từ lòng quyết tâm. “Nhận thức có rồi những quyết tâm đến đâu? Bởi vì làm kinh tế thì cũng đem lại lợi ích cho nhiều người trong quân đội. Bây giờ có vẻ đã có sự quyết tâm của lãnh đạo quân đội thì có điều kiện để thúc đẩy tốt hơn”.
Do đó, vị này cho rằng, những cái quân đội thấy không cần giữ thì cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động dân sự, còn những cái thực sự phục vụ quốc phòng thì giữ lại. “Trong mô hình của nước ta, công nghiệp quốc phòng tư nhân chưa phát triển thì cũng cần giữ lại những doanh nghiệp quốc phòng để phục vụ nghiên cứu, sản xuất những cái thiết yếu. Còn đối với nước ngoài thì họ không cần thiết. Trong tương lai, các doanh nghiệp tư nhân mạnh lên thì khác”.
Trí Lâm