Trong những tháng trước cuộc đảo chính ngày 1.2 ở Myanmar, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet nước này đã được lệnh cài đặt phần mềm gián điệp đánh chặn cho phép quân đội nghe trộm thông tin liên lạc của công dân, các nguồn thạo tin nói với Reuters.

Quân đội Myanmar cài phần mềm gián điệp nghe trộm thông tin liên lạc của dân, chặn số các nhà hoạt động

Nhân Hoàng | 19/05/2021, 08:04

Trong những tháng trước cuộc đảo chính ngày 1.2 ở Myanmar, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet nước này đã được lệnh cài đặt phần mềm gián điệp đánh chặn cho phép quân đội nghe trộm thông tin liên lạc của công dân, các nguồn thạo tin nói với Reuters.

Các nguồn tin cho biết phần mềm gián điệp đánh chặn này mang lại cho quân đội Myanmar khả năng để nghe cuộc gọi, xem tin nhắn văn bản và lưu lượng truy cập web, bao gồm cả email và theo dõi vị trí của người dùng mà không cần sự hỗ trợ từ các công ty viễn thông và internet.

Các chỉ thị này là một phần trong nỗ lực sâu rộng của quân đội Myanmar nhằm triển khai các hệ thống giám sát điện tử và kiểm soát internet với mục đích theo dõi các đối thủ chính trị, dập tắt các cuộc biểu tình và cắt các kênh cho bất kỳ người bất đồng chính kiến ​​nào trong tương lai, họ nói thêm.

Những người tại Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông đưa ra mệnh lệnh là các cựu quan chức quân đội, theo một nhà điều hành ngành có kiến ​​thức trực tiếp về các kế hoạch và một người khác được thông báo tóm tắt về vấn đề này.

"Họ nói rằng lệnh đó đến từ chính phủ dân sự, nhưng chúng tôi biết quân đội sẽ có quyền kiểm soát và đã được thông báo rằng bạn không thể từ chối", người có kiến thức trực tiếp cho biết, nói thêm rằng các quan chức từ Bộ Nội vụ do quân đội kiểm soát cũng tham gia các cuộc họp.

Reuters đã phỏng vấn hơn 10 người có kiến ​​thức về phần mềm gián điệp được sử dụng ở Myanmar. Tất cả đều được yêu cầu giấu tên vì sợ bị quân đội trừng phạt.

Cả đại diện cho quân đội và các chính trị gia đang cố gắng thành lập chính phủ dân sự mới đều không trả lời câu hỏi của Reuters.

Các tài liệu ngân sách từ năm 2019 và 2020 của chính phủ tiền nhiệm do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo không tiết lộ công khai có chi tiết về kế hoạch mua các sản phẩm và thành phần của phần mềm gián điệp trị giá 4 triệu USD cũng như công nghệ khai thác dữ liệu và hack điện thoại phức tạp. Các tài liệu do nhóm hoạt động Công lý cho Myanmar cung cấp và được Reuters xác nhận độc lập.

Ý tưởng về cái gọi là “đánh chặn hợp pháp” lần đầu tiên được chính quyền Myanmar đưa ra cho lĩnh vực viễn thông vào cuối năm 2019 nhưng áp lực để cài đặt công nghệ như vậy chỉ đến vào cuối 2020. Một số nguồn tin nói rằng họ đã được cảnh báo là không nên nói về nó.

Các kế hoạch “đánh chặn” đã được Telenor (Na Uy) gắn cờ công khai trong một bản cập nhật hàng năm về hoạt động kinh doanh tại Myanmar. Đây một trong những công ty viễn thông lớn nhất ở Myanmar với 18 triệu khách hàng trên tổng dân số 54 triệu.

Telenor cho biết trong cuộc họp báo ngày 3.12.2020 và tuyên bố đăng trên các trang web của mình rằng họ lo ngại về kế hoạch từ chính quyền Myanmar về việc đánh chặn hợp pháp có thể "truy cập trực tiếp vào từng nhà khai thác và hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) mà không cần sự chấp thuận từ từng trường hợp", vì Myanmar không có đủ luật và quy định để bảo vệ quyền riêng tư, tự do ngôn luận của khách hàng.

Ngoài Telenor, hai hãng viễn thông khác ở Myanmar bị ảnh hưởng là MPT (nhà khai thác lớn được nhà nước hậu thuẫn) và Ooredoo (Qatar). Các nguồn tin cho biết MPT hiện nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền quân sự. Ở Myanmar có khoảng 10 nhà cung cấp dịch vụ internet.

Telenor từ chối trả lời các câu hỏi của Reuters về bài báo này, với lý do lo ngại về an ninh không xác định với nhân viên mình. MPT và Ooredoo không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Công bố kế hoạch đầu tư 2 tỉ USD vào MPT hồi năm 2014, hãng kinh doanh Nhật Bản Sumitomo Corp cùng nhà mạng không dây KDDI Corp cũng từ chối bình luận.

quan-doi-myanmar-cai-phan-mem-gian-diep1.jpg
Một người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở thành phố Yangon, Myanmar, tố quân đội cắt intenet để tìm cách bịt miệng dân

Nhiều chính phủ cho phép cái gọi là “các chốt chặn hợp pháp” được sử dụng bởi các cơ quan thực thi pháp luật để truy bắt tội phạm. Song ở hầu hết các quốc gia dân chủ và thậm chí một số chế độ độc tài, công nghệ như vậy thường không được sử dụng nếu không có bất kỳ quy trình pháp lý nào, các chuyên gia an ninh mạng cho biết. Ngược lại, quân đội Myanmar đang trực tiếp điều hành phần mềm gián điệp viễn thông xâm nhập mà không có các biện pháp bảo vệ hợp pháp hoặc theo quy định để bảo vệ nhân quyền tại chỗ, theo các nhà điều hành và hoạt động trong ngành.

Ngay cả trước cuộc đảo chính, quân đội Myanmar đã có ảnh hưởng vượt trội trong chính phủ dân sự được bầu cử dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo. Quân đội Myanmar mặc định có 25% số ghế trong Quốc hội và hiến pháp đã trao cho nó quyền kiểm soát một số Bộ chủ chốt. Nó cũng ảnh hưởng sâu rộng đến các cơ quan truyền thông và các Bộ khác thông qua việc bổ nhiệm các cựu sĩ quan quân đội. Điều đó đã trở thành kiểm soát hoàn toàn kể từ cuộc đảo chính.

Thu thập hàng loạt siêu dữ liệu điện thoại

Theo ba nguồn tin tại các công ty có kiến ​​thức về hệ thống giám sát, không phải hãng viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet nào cũng cài đặt đầy đủ phần mềm gián điệp đánh chặn. Reuters không thể xác định nó đã được cài đặt và triển khai rộng rãi như thế nào.

Tuy nhiên, các cơ quan quân sự và tình báo đang tiến hành một số truy tìm thẻ SIM và chặn các cuộc gọi, hai trong số những nguồn tin đó cho biết. Theo một nguồn tin, các cuộc gọi được chuyển hướng đến các số khác và kết nối mà không có âm quay số là một trong những dấu hiệu bị đánh chặn.

Một nguồn tin pháp lý có kiến ​​thức về các trường hợp chống lại những người liên quan đến các cuộc biểu tình, nói có bằng chứng về việc phần mềm gián điệp được sử dụng để theo dõi và truy tố họ. Reuters chưa thấy bất kỳ tài liệu nào chứng minh cho tuyên bố này.

Một công chức cấp cao hỗ trợ các chính trị gia bị lật đổ cố thành lập một chính phủ song song, cũng cho biết nhóm của họ đã được cảnh báo bởi những người làm việc cho quân đội nhưng thông cảm với người biểu tình rằng số điện thoại đang bị truy tìm.

Chúng tôi phải thay đổi thẻ SIM mọi lúc”, công chức này nói.

Theo Phòng thí nghiệm Bảo mật của Tổ chức Ân xá Quốc tế và ba chuyên gia công nghệ khác, các sản phẩm đánh chặn được nêu trong tài liệu ngân sách của chính phủ Myanmar sẽ cho phép thu thập hàng loạt siêu dữ liệu điện thoại - dữ liệu về người dùng gọi, khi họ gọi và trong thời gian bao lâu - cũng như đánh chặn nội dung có mục tiêu.

Cáp cắt internet, chặn số điện thoại của người nhà hoạt động

Trong số các hành động đầu tiên của quân đội vào ngày 1.2 là chỉ đạo các binh sĩ có vũ trang đột nhập vào các trung tâm dữ liệu trên toàn quốc vào lúc nửa đêm và cắt đứt cáp internet. Các nhân viên tại ba công ty đã cho Reuters xem các bức ảnh về các dây cáp bị cắt đứt.

Một nguồn tin cho biết tại một trung tâm dữ liệu nơi các nhân viên chống lại quân đội, những người lính đã giữ họ trước họng súng và còn đập phá màn hình để đe dọa.

Dù internet gần như đã được khôi phục trong vài giờ nhưng quân đội đã bắt đầu đóng hàng đêm. Trong vòng vài ngày, quân đội Myanmar đã bí mật cung cấp danh sách và ra lệnh cho các công ty viễn thông chặn số điện thoại của các nhà hoạt động, các đối thủ với chính quyền, luật sư nhân quyền, theo ba nguồn tin trong ngành về vấn đề này. Đây là những lệnh chưa được báo cáo trước đó.

Các nguồn tin nói thêm rằng các nhà khai thác được yêu cầu theo luật phải chia sẻ danh sách khách hàng với các cơ quan chức năng.

Quân đội Myanmar cũng chỉ đạo chặn các trang web cụ thể. Facebook, được một nửa nước Myanmar sử dụng và nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng với các nhà tổ chức biểu tình, là một trong những trang đầu tiên bị cấm. Tiếp theo là các trang tin tức và các nền tảng truyền thông xã hội khác.

Khi sự phản đối gia tăng vào tháng 3.2021, quân đội Myanmar đã cắt hoàn toàn quyền truy cập vào dữ liệu di động, khiến hầu hết người dân Myanmar không thể vào internet.

"Các công ty phải tuân theo mệnh lệnh. Mọi người đều biết rằng nếu bạn không làm vậy, họ có thể dùng súng và cắt dây. Điều đó thậm chí còn hiệu quả hơn bất kỳ vụ đánh chặn nào", một nguồn tin trong ngành tiết lộ.

quan-doi-myanmar-cai-phan-mem-gian-diep12.jpg
Telenor là một trong những công ty viễn thông lớn nhất Myanmar

Giám đốc điều hành Telenor và Ooredoo được yêu cầu giữ im lặng nếu không hai công ty sẽ phải đối mặt với việc mất giấy phép, bốn nguồn tin cho biết.

Thiết lập phiên bản internet riêng

Dưới các chính quyền trước đây cai trị từ năm 1963 đến 2011, các nhà hoạt động và nhà báo thường xuyên bị nghe lén và smartphone thì khan hiếm.

Khi mở cửa trở lại, Myanmar đã trở thành câu chuyện thành công của ngành viễn thông với một nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh, dù còn non trẻ. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Myanmar vào năm 2011 thấp thứ hai trên thế giới sau Triều Tiên, với từ 6,9%, tăng vọt lên 126% vào 2020.

Động thái đầu tiên được biết đến về giám sát trên toàn quốc của chính phủ dân sự là vào năm 2018, khi thiết lập hệ thống giám sát trên mạng xã hội mà họ cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các lực lượng nước ngoài. Tiếp theo là với một thiết bị đăng ký thẻ SIM sinh trắc học vào năm ngoái, nói rằng việc sử dụng nhiều thẻ SIM là không thích hợp và lưu vào cơ sở dữ liệu trung tâm là cần thiết.

Các nhà chức trách đang tìm kiếm nhiều quyền lực hơn với viễn thông.

Bộ Truyền thông đã đề xuất một luật mới vào ngày 10.2 quy định rằng các công ty viễn thông và internet sẽ được yêu cầu lưu giữ một loạt dữ liệu người dùng trong tối đa 3 năm và xóa hoặc chặn bất kỳ nội dung nào được coi là phá vỡ "sự thống nhất, ổn định và hòa bình", với các điều khoản phạt tù có thể xảy ra cho những người không tuân thủ.

Cuối tháng 4.2021, chính quyền quân sự bắt đầu ra lệnh cho các nhà khai thác viễn thông mở khóa các trang web và ứng dụng nhất định, bắt đầu với các ứng dụng của các ngân hàng địa phương. Microsoft Office, Gmail, Google Drive và YouTube đã được bỏ chặn.

Khi được hỏi về việc bỏ chặn, một đại diện của Microsoft cho biết công ty không đàm phán với các quan chức ở Myanmar. Google đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Các nguồn tin trong ngành và các nhà hoạt động tin rằng những động thái này là một phần trong nỗ lực của chính quyền quân sự nhằm thiết lập phiên bản internet của họ, giống như những gì Trung Quốc đã làm với Great Firewall (Tường lửa vĩ đại hay Vạn lý tường lửa).

Quân đội muốn kiểm soát internet nên đây sẽ là một khu vực an toàn nhưng chỉ dành cho họ. Chúng ta phải quay ngược thời gian 5 năm", một nhà lãnh đạo trong ngành nhận định.

Bài liên quan
Nhóm nổi dậy rút khỏi vùng chiến khi quân đội Myanmar pháo kích dồn dập, Mỹ và Anh lên tiếng
Các chiến binh của nhóm dân quân địa phương chống đối quân đội Myanmar đã rút khỏi thị trấn Mindat ở phía tây bắc nước này sau nhiều ngày bị tấn công bởi lực lượng chiến đấu được hỗ trợ bởi pháo binh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar cài phần mềm gián điệp nghe trộm thông tin liên lạc của dân, chặn số các nhà hoạt động