Mùa hè đã đến và dường như nó đang khiến cho những làn gió lạnh buốt bao phủ kinh tế Nga trong thời gian qua trở nên bớt băng giá hơn, và đem lại những cơ hội hồi sinh cho nền kinh tế của xứ sở bạch dương.

Quan hệ kinh tế Nga - EU có thể dần tan băng vào tháng 6

Nhàn Đàm | 01/06/2016, 15:35

Mùa hè đã đến và dường như nó đang khiến cho những làn gió lạnh buốt bao phủ kinh tế Nga trong thời gian qua trở nên bớt băng giá hơn, và đem lại những cơ hội hồi sinh cho nền kinh tế của xứ sở bạch dương.

Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với một loạt các hợp đồng hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước, thì một tin tức tốt khác với kinh tế Nga lại đến, khi mà các dấu hiệu tan băng trong mối quan hệ kinh tế thương mại Nga - EU vốn đã đình trệ trong suốt hai năm qua giờ đây đã bắt đầu xuất hiện. Tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine khiến cho việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk gặp khó khăn nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt kinh tế của EU với Nga sẽ không thể dỡ bỏ trong ngắn hạn. Nhưnglàm giảm nhẹ nó xuống một cách đáng kể thì lại được.

Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có vẻ như đang mở ra một triển vọng lớn cho kinh tế Nga, vốn đang trong tình trạng khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU khiến cho quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và các nền kinh tế phương Tây bị đứt đoạn. Sở dĩ như thế, là vì tác động của chuyến thăm Nga cùng một loạt các hợp đồng hợp tác kinh tế của ông Abe. Vì để có được chuyến công du tới Nga, chính phủ Nhật Bản đã từ chối lời kêu gọi của chính phủ Mỹ rằng Thủ tướng Abe không nên đến Nga. Mỹ được xem là nhân tố gây sức ép để Nhật Bản và các nước thành viên EU không nối lại quan hệ kinh tế thương mại với Nga; nhưng khi mà Nhật Bản đã cưỡng lại yêu cầu của Mỹ để nối lại quan hệ kinh tế với Nga, thì không có lý do gì các nước EU lại không làm điều tương tự.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tan băng trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và EU đã bắt đầu xuất hiện trong thời gian gần đây. Một trong số đó là việc nới lỏng các quy định trừng phạt. Trong lần bỏ phiếu để tăng thời hạn các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của EU vào tháng 12 năm ngoái, EU đã tăng thêm hình phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản của một số quan chức Nga ở EU. Các lệnh trừng phạt mới được bổ sung này sẽ được duy trì đến ngày 31.7.2016. Và trong tháng 6 năm nay, EU sẽ xem xét việc tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt này thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên, những sự gỡ bỏ và giảm nhẹ mức độ các lệnh trừng phạt thì đang bắt đầu diễn ra, một trong số đó là việc gỡ bỏ lệnh cấm đến châu Âu của các quan chức Nga. Nhiều khả năng các lệnh trừng phạt sẽ chỉ được gia hạn thêm 3 tháng thay vì kế hoạch trước đây là 6 tháng.

Sự tan băng trong quan hệ kinh tế thương mại giữa EU và Nga thời điểm hiện tại một phần lớn đến từ Đức, quốc gia lãnh đạo liên minh châu Âu. Uy tín chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang suy giảm ở trong nước do các vấn đề liên quan đến người nhập cư, và đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel đang phải hợp tác chặt chẽ hơn với đảngliên minh là đảng Dân chủ Xã hội được lãnh đạo bởi Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel, một nhà lãnh đạo chủ trương giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và tiến tới nối lại quan hệ kinh tế Nga - EU.

Số doanh nghiệp Đức ủng hộ việc nối lại quan hệ kinh tế với Nga đang ngày càng nhiều hơn, và gây sức ép lớn hơn với chính phủ Đức của bà Merkel. Chưa kể số nhà lãnh đạo EU có xu hướng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga cũng đang ngày càng tăng lên, điển hình là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker. Ông Jean-Claude sẽ đến Nga trong thời gian tới để tham dự diễn đàn kinh tế St.Petersburg. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nga của một nhà lãnh đạo cấp cao của EU kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và nó được xem như một động thái ý nghĩa cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau về kinh tế. Ông Jean-Claude thậm chí còn phát biểu công khai: “Chúng tôi sẽ cố gắng hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn, ít nhất là về lĩnh vực kinh tế”.

Gần như chắc chắn là EU sẽ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga trong thời gian tới, do sức ép của Mỹ và việc thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở miền Đông Ukraine chưa được thực hiện đầy đủ. Nhưng việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt là điều đang được diễn ra, một cách khá âm thầm. EU đã lặng lẽ chỉ thị cho các ngân hàng và hệ thống thanh toán Euroclear không cản trở cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế gần đây của chính phủ Nga. Thậm chí Euroclear còn chấp nhận mua vào và thanh toán bằng trái phiếu quốc tế của chính phủ Nga lần đầu tiên kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea. Điều này có ý nghĩa rất lớn với kinh tế Nga, khi nó đồng nghĩa với việc giúp thúc đẩy giao dịch thứ cấp và giúp Nga thu hút các nhà đầu tư phương Tây trong thời gian tới.

Để đổi lại những giảm nhẹ đó, Nga có thể giảm bớt các lệnh hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ EU, như lương thực và máy móc công nghệ. Điều này có thể giúp làm giảm lạm phát và tăng giá cả hàng hóa tại thị trường nội địa Nga lâu nay do khan hiếm hàng hóa nhập khẩu từ EU. Bản thân các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin lâu nay vẫn luôn chủ động bật đèn xanh cho những sự nối lại quan hệ kinh tế thương mại với EU. Trong chuyến công du gần nhất đến Hy Lạp, ông Putin đã phát biểu trên một tờ báo Hy Lạp rằng: “Tôi tin chúng ta nên rút ra những kết luận chung về vấn đề Ukraine và tiến tới thành lập, trong không gian rộng lớn trải dài từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, một khu vực hợp tác kinh tế ổn định và lâu dài dựa trên nền tảng của an ninh, công bằng và không xâm phạm lẫn nhau”.

Việc nối lại quan hệ kinh tế thương mại với Nhật Bản, và các lệnh trừng phạt kinh tế của EU đang có dấu hiệu giảm nhẹ đáng kể, đang mở ra cơ hội để kinh tế Nga hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc Nga lần đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế trong vài năm trở lại đây đang cho thấy những nhu cầu tài chính cần thiết để phục vụ cho việc nối lại quan hệ kinh tế toàn diện với Nhật Bản, và ở một mức độ thấp hơn với liên minh châu Âu. Chỉ khi có cơ hội lớn để hợp tác làm ăn, thì người ta mới đi vay tiền. Nga ở thời điểm hiện tại cũng vậy.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ kinh tế Nga - EU có thể dần tan băng vào tháng 6