Ông Hà Đức Thắng - Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết hiện nay việc tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước đang có dịch COVID-19 đã khiến không ít doanh nghiệp ở Quảng Ngãi, đặc biệt là ở KKT Dung Quất và VSIP gặp khó khi không có đủ nguồn nhân lực.

Quảng Ngãi: COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó do thiếu nhân lực

12/03/2020, 17:25

Ông Hà Đức Thắng - Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết hiện nay việc tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước đang có dịch COVID-19 đã khiến không ít doanh nghiệp ở Quảng Ngãi, đặc biệt là ở KKT Dung Quất và VSIP gặp khó khi không có đủ nguồn nhân lực.

Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đang gặp khó khăn do thiếu chuyên gia

Gỡ khó thiếu hụt chuyên gia và nguyên liệu sản xuất

Ông Thắng cho biết bị ảnh hưởng lớn nhất là Nhà máy Thép Hòa Phát. Tuy nguyên vật liệu của nhà máy không thiếu, có thể đảm bảo từ 6-12 tháng nữa nhưng Hòa Phát còn 700 chuyên gia chưa được nhập cảnh vào Việt Nam. Giải pháp trước mắt là các chuyên gia trên cũng đã làm việc online, trực tuyến hỗ trợ sản xuất.

Về vấn đề này, ông Thắng đề nghị một số chuyên gia đến từ các nước có dịch bệnh đang ở Quảng Ngãi đã hết thời gian cách ly nên được tạo điều kiện gia hạn visa để bù đắp lại lượng chuyên gia thiếu hụt.

Ông Thắng cũng đề cập đến vấn đề thiếu hụt nguyên liệu sản xuất tại một số nhà máy (chủ yếu ngành may) có nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc trong Khu công nghiệp VSIP và Tịnh Phong nên công nhân đang phải sản xuất cầm chừng.

Chỉ đạo về các vấn đề trên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính yêu cầu Ban Quản lý KKT Dung Quất, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội xem xét, tạo điều kiện cấp giấy phép lao động, visa cho các chuyên gia theo đúng quy định để yên tâm làm việc, tiếp tục đảm bảo nền sản xuất, đặc biệt tại KKT Dung Quất và VSIP.

Về thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, ông Nguyễn Tăng Bính đề nghị các cơ quan cảng vụ, hàng hải, hải quan tập trung tạo điều kiện thuận lợi một cách tối đa đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa để giải quyết tồn đọng, nhất là việc nhập nguyên vật liệu để sản xuất.

Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Ông Bính khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần ưu tiên các giải pháp về phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp duy trì ổn định và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh.

​Các ngân hàng sẵn sàng vào cuộc

Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Quảng Ngãi, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh ổn định. Trước tình hình dịch COVID-19, được sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh sẵn sàng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng.

Qua thống kê, rà soát đánh giá, đến cuối tháng 2.2020, khoảng 2.500 tỉ đồng dư nợ tín dụng có tác động do dịch COVID-19. Tập trung vào 10 lĩnh vực kinh tế, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, vận tải bị ảnh hưởng cao nhất.

Trong thời gian tới, tiếp tục bám sát vào diễn biến của tình hình sản xuất kinh doanh các ngành nghề bị tác động do dịch COVID-19 để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Giải quyết đầu ra cho nông sản

Hiện nay, do tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp nên việc lưu thông, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản ở Quảng Ngãi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Trước tình hình trên, Sở Công Thương đã chủ động tích cực tìm nguồn tiêu thụ cho sản nông sản, chủ yếu là dưa hấu.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương, ngày 22.2 vừa qua Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch; hằng tuần Sở cũng trao đổi trực tiếp với Sở Công Thương Lào Cai, Lạng Sơn để nắm và thông báo kịp thời về tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu để chủ động xuất khẩu hàng nông sản cho bà con, vì vậy việc tiêu thụ dưa hấu bớt căng thẳng.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ dưa hấu cũng được đẩy mạnh tại các siêu thị Quảng Ngãi, cụ thể là Coop.Mart khoảng 10 tấn/tuần.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng làm việc với các nhà bán lẻ hàng hóa trong điều kiện cần thiết thì cũng chung tay tiêu thụ đầy đủ hàng hóa cho nông dân. Có 10 doanh nghiệp sẵn sàng mua hàng nông sản cho bà con. Sở Công Thương cũng đã cung cấp 27 đầu mối tại các huyện của tỉnh để các siêu thị trực tiếp thu mua.

Ông Phó giám đốc Sở Công Thương cũng nhấn mạnh việc cung ứng hàng hóa cho người dân, không lo thiếu. Các hệ thống siêu thị hiện nay là liên thông nên đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Ngãi: COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó do thiếu nhân lực