Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 5 (Noul) nhiều khả năng sẽ di chuyển vào vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng.
Vùng tâm bão có khả năng đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13 (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và vực Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to.
Nhằm ứng phó với nguy cơ đổ bộ của bão số 5, tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn phương án chống bão. Các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển thuộc tỉnh đã được yêu cầu tạm ngừng để đảm bảo an toàn, lực lượng bộ đội biên phòng kêu gọi ngư dân tìm nơi an toàn để tránh bão.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 2.312 chiếc tàu thuyền với 7.136 ngư dân đang hoạt động trên biển, chủ yếu hoạt động trên vùng biển thuộc khu vực đảo Cồn Cỏ. Các tàu thuyền trên được yêu cầu thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng và sớm vào bờ tìm nơi trú đậu an toàn trước trưa ngày 17.9.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đến sáng 17.9, toàn bộ các tàu thuyền đang đánh bắt trên vùng biển tỉnh Quảng Trị đã vào đến khu vực an toàn để neo đậu. Lực lượng biên phòng sẽ thường xuyên liên lạc, nhắc nhởcác ngư dân về phương án phòng tránh bão.
Hơn nữa, tại tỉnh Quảng Trị đang có tới 1.000ha lúa vụ hè thu đang đứng trước nguy cơ bị bão tàn phá. Trong đó, chủ yếu ở Gio Linh (80ha), Cam Lộ (200ha), Đakrông (85ha), Hướng Hóa (500ha) và Đông Hà (80ha), đây là những diện tích lúa gieo cấy chậm hơn so với lịch thời vụ chung của tỉnh, đồng thời do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, thiếu nước nên thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài hơn so với mọi năm.
Trong trường hợp không kịp thu hoạch trước thời điểm bão số 5 đổ bộ, nhiều khả năng lượng lúa vụ hè thu trên sẽ cónguy cơ mất trắng. “Vì lực lượng phải chia ra nhiều nhằm phục vụ công tác chống dịch COVID-19 nên chúng tôi không đủ quân số để huy động giúp dân gặt lúa. Tuy nhiên Bộ Chỉ huy sẽ họp bàn tìm phương án tối ưu nhất để giúp dân”, đại tá Lê Văn Phương khẳng định.
Quế Sơn