Bắc Kinh đã từ chối đề xuất rút dự luật dẫn độ của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đồng thời yêu cầu bà không nhượng bộ người biểu tình Hồng Kông.
Reuters dẫn các nguồn thạo tin hôm 30.8 cho biết, bà Lâm đệ trình một báo cáo lên Văn phòng điều phối trung ương về các vấn đề Hồng Kông và Macao (HKMAO) một ngày trước khi chính quyền Hồng Kông tuyên bố đình chỉ dự luật dẫn độ vào 17.6 và trước thời điểm diễn ra cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của chính quyền Bắc Kinh với lãnh đạo đặc khu hôm 7.8 tại Thâm Quyến (Trung Quốc).
Nội dung đề xuất cho rằng việc rút dự luật dẫn độ có thể xoa dịu làn sóng biểu tình ở đặc khu. Trong đó, bà Lâm phân tích và xem xét cụ thể tính khả thi của 5 yêu cầu trọng tâm mà người biểu tình đưa ra. Ngoài yêu cầu về rút dự luật dẫn độ, 4 yêu cầu còn lại gồm: mở cuộc điều tra độc lập về hành động trấn áp của cảnh sát; ngừng mô tả các cuộc biểu tình là bạo loạn; không buộc tội những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị và bầu cử dân chủ toàn diện.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của bà Lâm cũng như 5 điều kiện được nêu trong báo cáo, đồng thời yêu cầu bà không được phép nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình tại thời điểm đó. Chính quyền đại lục cũng mong muốn bộ máy của bà Lâm chủ động hơn trong việc kiểm soát tình hình.
Việc Bắc Kinh từ chối đề xuất của bà Lâm về cách giải quyết khủng hoảng lần đầu tiên được tiết lộ chi tiết. Reuters cho rằng đây là bằng chứng cụ thể cho thấy mức độ Trung Quốc đang kiểm soát cách phản ứng của chính quyền Hồng Kông trước sự bất ổn này.
Hiện, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau (HKMAO) từ chối bình luận về thông tin trên. Trong một tuyên bố trả lời Reuters, văn phòng của trưởng đặc khu Lâm cho biết chính quyền của bà đã nỗ lực giải quyết những lo ngại của người biểu tình, nhưng không bình luận trực tiếp về việc họ có đưa ra đề nghị như vậy với Bắc Kinh hay không.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Hồng Kông đang chuẩn bị trải qua tuần thứ 13 biểu tình liên tiếp. Bùng phát từ mục đích phản đối một dự luật dẫn độ về đại lục gây tranh cãi từ tháng 6, tới nay làn sóng biểu tình tại Hồng Kông đã mở rộng ra quy mô lớn và nghiêm trọng hơn, tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hồng Kông kể từ khi được trao trả về Trung Quốc 22 năm trước.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố cứng rắn trên truyền thông nhà nước, đồng thời thể hiện lập trường kiên định đối với những người biểu tình. Trung Quốc cũng lên án các cuộc biểu tình, cáo buộc các thế lực bên ngoài gây ra tình trạng đáng báo động tại đây sau khi nhiều quốc gia phương Tây trong đó có Anh và Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố cảnh báo về tình hình bất ổn vốn đang ngày càng leo thang ở đặc khu.
Quân đội Trung Quốc hôm 29.8 cũng đã tiến hành cuộc luân chuyển binh lính đồn trú thường niên tại Hồng Kông, bên cạnh đó, trang thiết bị chuyên sử dụng trong các cuộc trấn áp bạo động cũng xuất hiện trong đợt này. Động thái trên được giới quan sát đánh giá là chính quyền đại lục đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ trấn áp bạo động nếu chính quyền đặc khu yêu cầu.
Một bài xã luận đăng tải trên tờChina Dailyngày 30.8 cho biết binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông không phải chỉ có mục đích tượng trưng, và họ sẽ "không có lý do ngồi yên" nếu tình hình ở đặc khu hành chính này trở nên tồi tệ hơn.
Minh Hằng (theo Reuters)