Mặt trời vừa lóe lên, cả khu rừng tràm mênh mông, nay là “Khu du lịch sinh thái - khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm trà sư” sau một đêm dài yên giấc đã bừng tỉnh dậy.

Rừng tràm Trà Sư, thế giới nước mênh mông và kỳ ảo

DDVN | 05/10/2016, 09:51

Mặt trời vừa lóe lên, cả khu rừng tràm mênh mông, nay là “Khu du lịch sinh thái - khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm trà sư” sau một đêm dài yên giấc đã bừng tỉnh dậy.

Những tia nắng sớm bắt đầu lướt nhanh trên những lùm cây, tràn xuống các dòng kênh và nhảy nhót lung linh trên những thảm xanh thủy sinh, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kì ảo. Trên không, từng đàn chim, đàn cò xoãi cánh, lượn lờ rồi nhí nhảnh đáp xuống những tàng cây, ríu ra ríu rít như đón chào những người khách lạ vừa mới đến.

Một thế giới nước kì ảo

Trà Sư là một khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Nơi đây còn ẩn chứa nhiều sông, rạch, lung, bào, trũng… vô cùng hấp dẫn. Trà Sư nay thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên - An Giang, cách TP. Long Xuyên 90 km, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 10 km. Từ TP. Long Xuyên, chúng ta có thể dùng xe máy chạy hơn hai tiếng đồng hồ là tới điểm hẹn. Đến với rừng tràm Trà Sư là đến với một không gian xanh bát ngát, một bức tranh lụa thiên nhiên kì vĩ, thú vị đến nỗi không thể diễn tả thành lời mà chỉ có những ai ngồi trên xuồng lắng nghe tiếng mái chèo, tiếng chim xao động và tiếng cá quẫy nước mới cảm nhận được sự yên ả, thanh bình và sâu lắng của một thế giới nước kì ảo. Vào mùa nước nổi, cả một khu rừng tràm biến thành một thế giới nước mênh mông và kì ảo.

Chiếc tắc ráng chở chúng tôi rẽ nước phăm phăm hướng về phía sân dơi, bỏ lại sau lưng những chùm hoa điên điển vàng óng ả và những cọng bông súng nõn nà cố vươn lên khỏi mặt nước, phất phơ, giống như những bàn tay mềm mại đang đùa giỡn với sóng nước lăn tăn. Còn cách khoảng trăm mét, anh hướng dẫn viên lái chiếc tắc ráng đã tắt máy, dùng sào chống thật êm vào vạt rừng già, vậy mà đàn dơi, đàn quạ vẫn thính tai và nhạy cảm, chúng đồng loạt tung cánh bay lên đen nghịt cả một góc trời. Cả đoàn, ai nấy cũng đều vui sướng và hồi hộp vì chưa bao giờ tận mắt chứng kiến một đàn dơi đông đến thế! Rời sân dơi, chúng tôi tiếp tục lướt sóng vượt qua những cánh đồng năn bạt ngàn, thế giới của hơn 70 loài chim và 13 loài thủy sinh. Một anh bạn kiểm lâm khều vai tôi chỉ một con trích cồ đang lom khom ở phía trái, bảo “Đây là thiên đường của loài trích. Những cọng năn non chính là nguồn lương thực vô tận mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng”.

Khu du lịch sinh thái tuyệt vời

Trà Sư có một hệ sinh thái rừng tràm dầy đặc với những màu xanh huyền thoại. Năm nay lũ tuy không về, nhưng đứng từ tháp cao 25 mét, du khách cũng sẽ bị hút hồn bởi màu xanh của nước, của rừng, của những đầm sen, đầm súng và của những thảm bèo, đặc biệt là bèo cám và bèo hoa dâu như những dải lụa ngút ngàn. Cũng từ trên đài quan sát, du khách có thể ngắm nhìn một số ngọn núi trong vùng Thất Sơn như Anh Vũ Sơn, Thiên Cấm Sơn, núi Dài Năm Giếng, cụm núi Sam và tượng Phật Di Lặc… Hành trình khám phá rừng tràm Trà Sư, du khách có thể thuê xe máy, xe đạp tại Ban quản lý khu du lịch, nhưng thú vị nhất vẫn là xuồng máy hoặc xuồng chèo. Để vào tận các vườn chim cò, các hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi sang những chiếc xuồng nhỏ, cứ 3 - 4 người một xuồng, tiếp tục bơi theo những dòng kênh để khám phá cuộc sống hoang dã của các loài chim nước như le le, còng cọc, bìm bịp, trích cồ...

Gần tới sân chim, chị hướng dẫn viên cho xuồng lướt êm trên mặt bèo xanh mướt, bất giác tôi nhớ đến cô gái hái sen từ một bài thơ cổ “Hớ hênh dấu vết không che/ Trên ao để một luồn chia mặt bèo”. Xuồng từ từ luồn lách qua những thân tràm ngả nghiêng, cong vẹo khiến cho những chú cò trắng, cò quắm, cò rằn giật mình bay lên, vừa sải rộng đôi cánh, vừa chao liệng một vài vòng rồi sà xuống bãi đáp, tụm năm tụm ba bù khú, miệng ríu ra ríu rít, thỏ thẻ trông thật gợi tình. Nhân viên Trạm kiểm lâm rừng tràm Trà Sư cho biết từ nhiều năm qua Trạm không những đã kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ các loài động vật hoang dã mà còn tổ chức trồng rừng và nuôi thả những loài động vật quý hiếm đặc thù của hệ sinh thái rừng tràm, làm cho rừng ngày càng xanh thẳm và tỏa bóng lên đất rừng, đồng thời phục vụ cho công tác nghiên cứu và du lịch. Nhiều người kể rằng nơi này xưa rấtnhiều thú rừng, tôm cá đầy đồng vào những mùa nước nổi, nhưng đến mùa khô hạn, các lung bào nhiễm phèn khiến cho một số loài cá không sống nổi.

Giờ đây, nhờ đê bao khép kín và công tác bảo vệ rừng nghiêm ngặt nên rừng đã bắt đầu trả ơn người bằng một màu xanh quyến rũ, cá đồng tung tăng, chim muông quần tụ, sinh cảnh thực vật ngày càng đa dạng và phong phú, tạo nên một sức hấp dẫn kì diệu. Sau một tiếng đồng hồ lãng đãng trên các mặt lung bào và luồn sâu vào ruột rừng, chúng tôi dừng lại ở một khu ẩm thực để nghỉ ngơi và thưởng thức một bữa tiệc giữa rừng gồm toàn những món ăn mộc mạc, đậm chất vị quê nhà: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, ốc nấu tiêu, gà nướng ăn với rau rừng… Sau buổi tiệc no nê, nếu thích thư giãn, bạn cứ ngả lưng trên võng mà nghe tiếng quốc gọi bầy và gió rừng xào xạc để thả hồn về một chốn bình yên, mọi người như được hồi sinh và tỉnh táo. Nếu bạn thích điền dã, cứ xách cần câu đi dọc theo các con đê bên cạnh những dòng kênh êm đềm và mát lạnh để sống lại một thời thơ ấu.

Ở rừng tràm Trà Sư, ngoài tham quan, ngắm cảnh, văn hóa nơi này cũng khá thú vị để bạn khám phá. Nơi đây là nơi cộng cư của hai dân tộc Việt - Khmer với nhiều phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, đặc biệt còn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống về thủ công mỹ nghệ. Và ai đã đến đây một lần đều hẹn với Trà Sư, nhất định một ngày nào đó sẽ quay lại.

Hoài Phương / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng tràm Trà Sư, thế giới nước mênh mông và kỳ ảo