Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố nước này sẽ xúc tiến kế hoạch rút khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) bất chấp sự phản đối từ Nga cùng nhiều nước châu Âu khác.

Rút khỏi Hiệp ước về vũ khí với Nga để Mỹ khỏi bị 'trói tay' ở châu Á

Cẩm Bình | 24/10/2018, 10:26

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố nước này sẽ xúc tiến kế hoạch rút khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) bất chấp sự phản đối từ Nga cùng nhiều nước châu Âu khác.

Tuyên bố này được đưa ra trong họp báo sau khi ông Bolton gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23.10 tại Điện Kremlin.

Hai bên thông qua cuộc gặp kéo dài 90 phút đi đến thống nhất tổ chức cho Tổng thống Putin hội kiến người đồng cấp Mỹ Donald Trump ở Paris vào tháng 11, tuy nhiên Moscow dường như không tạo được đột phá gì về vấn đề INF.

Phát biểu trước báo giới, cố vấn Bolton cáo buộc: “Vấn đề là Nga có nhiều hành động ở châu Âu vi phạm INF. Tên lửa Nga đã được triển khai mới là mối đe dọa chứ không phải chuyện Mỹ rút khỏi”.

Cố vấn Bolton cũng đánh giá INF là thỏa thuận song phương trong “một thế giới tên lửa đạn đạo đa cực, đã lỗi thời trước “một thực tế chiến lược mới” với sự trỗi dậy của nhiều mối đe dọa tên lửa như Trung Quốc, Iran hay CHDCND Triều Tiên mà hiệp ước này không đề cập đến.

Ông cho biết Washington sẽ sớm đưa ra thông cáo rút khỏi INF chính thức, nhưng từ chối trả lời câu hỏi khi nào thì tên lửa Mỹ hiện diện tại châu Âu.

Còn theo Trợ lý đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov, chuyến thăm của cố vấn Bolton là dấu hiệu cho thấy Mỹ cũng muốn tiếp tục đối thoại về vấn đề này như Nga.

Hợp tác tại Syria cùng với cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ cũng được đề cập. Cố vấn Bolton trả lời báo chí: “Những hoạt động can thiệp tạo tâm lý không tin tưởng và thù địch ở Mỹ, khiến hai nước không đạt được bất cứ tiến bộ ngoại giao nào trong hai năm qua. Đây là một mất mát lớn cho cả hai nhưng Nga nặng nề hơn. Đây là thông điệp cho họ: Đừng gây rối bầu cử Mỹ”.

Trợ lý Ushakov lại cho biết chuyện này “được nhắc đến nhưng không tiến hành thảo luận”.

Ông Bolton tuyên bố Mỹ sẽ xúc tiến kế hoạch rút khỏi INF - Ảnh: Reuters

Nguy cơ châu Á-Thái Bình Dương bất ổn nếu Mỹ rút khỏi INF

Được ký kết bởi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987, INF cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất.

Không ít quan chức Mỹ trong vài năm qua cảnh báo INF “trói tay” nước này, đặt Washington vào thế bất lợi khi Trung Quốc phát triển ngày càng nhiều loại tên lửa tiên tiến.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Dan Blumenthal nhận định rời bỏ INF mở đường cho Mỹ đưa nhiều loại tên lửa cơ động, dễ che giấu đến Guam cũng như Nhật Bản. Động thái này sẽ khiến Bắc Kinh khó dám tấn công phủ đầu tàu hay căn cứ Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đưa cường quốc châu Á vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề châu Á Kelly Magsamen khuyến nghị chính quyền Trump dù với bất kỳchính sách triển khai tên lửa mới nào thì cũng nên phối hợp với các đồng minh một cách cẩn trọng. Bà cũng cảnh báo: “Không quản lý tốt sẽ đem lại nguy cơ làm mất ổn định khu vực”.

Giới chuyên gia còn nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tìm cách gây áp lực với các quốc gia trong khu vực nhằm buộc họ từ chối yêu cầu cho phép Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ nước mình.

Trước đó nói về lời đe dọa rút khỏi INF của Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố động thái này đem lại tác động tiêu cực nên kêu gọi Mỹ suy nghĩ kỹtrước khi thực hiện.

Cẩm Bình (theo Reuters, The Guardian)
Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
8 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rút khỏi Hiệp ước về vũ khí với Nga để Mỹ khỏi bị 'trói tay' ở châu Á