Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đưa ra kế hoạch gồm 4 điều Mỹ cần làm để luôn đứng trên Trung Quốc và duy trì vị thế thống trị trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Mục tiêu của Sam Altman là đảm bảo "AI trong tương lai được xây dựng để mang lại lợi ích cho nhiều người nhất có thể", ông viết trong một bài xã luận được đăng trên tờ The Washington Post hôm 25.7. Giám đốc điều hành OpenAI kêu gọi Mỹ dẫn đầu một "liên minh toàn cầu của các quốc gia đồng chí hướng để thực hiện điều đó".
ChatGPT, chatbot AI do công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) phát triển, đã tóm tắt bài xã luận của Sam Altman như sau:
"Câu hỏi cấp bách của thời đại này là liệu Mỹ và các đồng minh có dẫn dắt tương lai AI toàn cầu để mang lại lợi ích cho dân chủ, hay để những chế độ độc tài định hình nó cho quyền lực của riêng họ”, Sam Altman viết.
Để đạt được mục tiêu này, bước đầu tiên trong kế hoạch của Sam Altman là đảm bảo các biện pháp bảo vệ thích hợp xung quanh công nghệ AI. "Các công ty và ngành công nghiệp AI của Mỹ cần xây dựng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để đảm bảo rằng liên minh của chúng ta duy trì vị trí dẫn đầu trong các mô hình hiện tại và tương lai, đồng thời cho phép khu vực tư nhân của chúng ta đổi mới", ông viết.
Những biện pháp này nên gồm cả "các đổi mới về an ninh mạng và trung tâm dữ liệu để ngăn chặn hacker đánh cắp tài sản trí tuệ quan trọng", doanh nhân 39 tuổi người Mỹ cho biết thêm.
Tiếp theo là xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Sam Altman thúc giục các nhà hoạch định chính sách Mỹ "làm việc với khu vực tư nhân để xây dựng số lượng cơ sở hạ tầng vật lý lớn hơn đáng kể, từ trung tâm dữ liệu đến nhà máy điện, để chạy các hệ thống AI". Ông cho biết điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm hơn và thiết lập AI như một "cơ sở công nghiệp mới" ở Mỹ.
Ngoài ra, Sam Altman cũng khuyên Mỹ cần đầu tư vào phát triển thế hệ nhà đổi mới, nhà nghiên cứu và kỹ sư AI mới. "Họ là siêu cường thực sự của chúng ta", ông viết.
Thứ ba, Mỹ nên thiết lập nhiều quy định hơn xung quanh thương mại và truyền tải thông tin qua biên giới, gồm cả "sự rõ ràng về cách Mỹ dự định thực hiện kiểm soát xuất khẩu và quy tắc đầu tư nước ngoài với việc xây dựng các hệ thống AI trên toàn cầu", ông viết. Điều này cũng đồng nghĩa thiết lập các quy tắc về nơi lưu trữ các tài liệu, như dữ liệu đào tạo, chip và mã, trên toàn cầu. “Không chỉ là về xuất khẩu công nghệ, mà xuất khẩu các giá trị được công nghệ duy trì", theo Giám đốc điều hành OpenAI.
Cuối cùng, Sam Altman gợi ý rằng Mỹ cần phát triển một chiến lược toàn cầu cho AI để các quốc gia đang phát triển không bị bỏ lại phía sau. Ông đề xuất một số giải pháp, gồm cả tạo ra một cái gì đó tương tự như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho AI, điều này sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách hòa bình.
Sam Altman đề xuất thành lập một quỹ đầu tư sẽ tập hợp các nguồn lực từ các quốc gia cam kết phát triển AI an toàn. Một lựa chọn khác sẽ là xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận tương tự ICANN (Tập đoàn Internet cấp số và tên miền) dành riêng cho việc "tối đa hóa quyền truy cập internet để hỗ trợ một cộng đồng toàn cầu mở, kết nối, dân chủ".
Bài xã luận của Sam Altman xuất hiện khi mối đe dọa từ Trung Quốc với sự thống trị AI của Mỹ ngày càng tăng. Năm ngoái, Mỹ dẫn đầu về đầu tư AI toàn cầu, đổ hơn 67 tỉ USD vào công nghệ này, theo Viện Human-Centered Artificial Intelligence của Đại học Stanford. Trung Quốc đứng thứ hai, đầu tư gần 8 tỉ USD, nhưng hầu hết nhà phân tích dự đoán con số đó sẽ tăng nhanh chóng.
Human-Centered Artificial Intelligence là khái niệm nhấn mạnh vai trò trung tâm của con người trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ AI. Thay vì chỉ tập trung vào việc tạo ra các hệ thống AI ngày càng thông minh và mạnh mẽ hơn, Human-Centered Artificial Intelligence đặt con người vào vị trí trung tâm, đảm bảo rằng AI được thiết kế và sử dụng để phục vụ lợi ích của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức và xã hội.
4 lý do khiến Trung Quốc đang đi sau Mỹ về AI
Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cho biết Mỹ có thể trở thành nước chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua AI, miễn là không đánh mất lợi thế.
Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 47 trên thế giới với tài sản ròng 32,5 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg).
Eric Schmidt giữ chức Giám đốc điều hành Google từ năm 2001 đến 2011 và làm chủ tịch công ty này đến năm 2015. Sau khi rời Google, doanh nhân Mỹ sinh năm 1955 đã đầu tư vào nhiều công ty AI khác nhau, gồm cả Anthropic. Eric Schmidt cũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.
Eric Schmidt đã đặt sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm thông qua sáng kiến mang tên Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt.
Ông dự đoán rằng hệ thống AI cực kỳ mạnh mẽ sẽ được các chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt trong tương lai.
“Cuối cùng, ở cả Mỹ và Trung Quốc, tôi cho rằng sẽ có một số lượng nhỏ máy tính cực kỳ mạnh mẽ với khả năng phát minh tự động sẽ vượt quá những gì chúng ta muốn cung cấp cho công dân mình mà không được phép, hoặc không thể để cho đối thủ cạnh tranh tiếp cận. Chúng sẽ được đặt trong căn cứ quân sự, được cung cấp sức mạnh từ một số nguồn năng lượng hạt nhân và bao quanh bởi hàng rào thép gai cùng súng máy”, Eric Schmidt chia sẻ với tạp chí Noema trong một cuộc phỏng vấn.
Theo Eric Schmidt, hiện Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.
"Chúng ta có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", Eric Schmidt nhận định.
Ở châu Âu, Eric Schmidt cho biết ông coi các quy định, gồm cả khung pháp lý mới của Liên minh châu Âu (EU) về quản lý AI, là một trở ngại cho sự đổi mới. Cựu giám đốc điều hành Google nói thêm rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu chất bán dẫn, nhưng sẵn sàng giành chiến thắng nếu có được phần cứng cần thiết.
Đầu tháng 4, Thái Sùng Tín (đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba) cũng thừa nhận các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.
“Rõ ràng là Trung Quốc có phần tụt hậu”, Thái Sùng Tín nói, trích dẫn cách OpenAI đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ về đổi mới AI. Ông cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chẳng hạn các bộ xử lý đồ họa (GPU) được săn đón từ Nvidia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hãng công nghệ ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo Thái Sùng Tín.
Cựu CEO Google cho biết Mỹ có thể trở thành nước chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua AI, miễn là không đánh mất lợi thế. Theo Eric Schmidt, vì Trung Quốc tập trung thống trị một số ngành nhất định nên Mỹ cần cạnh tranh với đối thủ này và giành chiến thắng.
Trung Quốc từng phê duyệt hơn 40 mô hình AI trong 6 tháng, gồm cả 14 mô hình ngôn ngữ lớn được phê duyệt cho công chúng sử dụng trong một tuần. Baidu, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm được gọi là "Google của Trung Quốc", đang dẫn đầu nhóm này ở quốc gia châu Á.
Eric Schmidt đã đề cập đến 4 yếu tố khiến Trung Quốc đang tụt hậu so với Mỹ trong cuộc đua AI.
1. Thiếu hụt chip
Eric Schmidt cho biết Trung Quốc đang "gặp khó khăn vì chip" và tình trạng thiếu hụt chip tiên tiến.
Trong cuộc phỏng vấn riêng với kênh CNBC hôm 7.5, ông nhận định Trung Quốc gặp trở ngại vì bị chính quyền Trump và Biden hạn chế quyền tiếp cận chip AI hiệu suất cao, đặc biệt là từ Nvidia.
"Họ chắc chắn tức giận về điều đó", Schmidt nói.
Chip đóng vai trò là một thành phần quan trọng trong nỗ lực phát triển AI. Căng thẳng liên quan đến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến việc chính quyền Biden thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở nước Mỹ. Vào tháng 11.2023, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành Quy tắc về chip điện toán nâng cao khiến Trung Quốc khó nhập khẩu chip AI tiên tiến hơn từ các nhà sản xuất Mỹ.
Vào tháng 3, chính quyền Biden cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt với một số công ty bán dẫn Trung Quốc có liên quan đến Huawei.
2. Không có nhiều tài liệu Trung Quốc để đào tạo mô hình AI
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Eric Schmidt cho rằng không có nhiều tài liệu Trung Quốc có sẵn để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. Vì tiếng Anh thống trị internet cùng các tài liệu nghiên cứu và sách mà các mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo, ông tin rằng tiếng Anh cung cấp nguồn thông tin lớn hơn để học hỏi.
"Đó là lý do tại sao tiếng Anh lại thống trị trong các mô hình ngôn ngữ lớn này", Schmidt nói.
Ngoài ra, hầu hết dữ liệu đào tạo đều bằng tiếng Anh, điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm và giải thích sai trong các ngôn ngữ khác.
3. Đầu tư từ nước ngoài giảm
Schmidt cho biết Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với việc đầu tư từ nước ngoài giảm mạnh và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm gặp rủi ro. Trong khi đó, Mỹ đã bùng nổ trong những lĩnh vực này, ông nói.
Trung Quốc đã suy thoái kinh tế trong vài năm qua và tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề về giảm phát.
Vào tháng 11.2023, Trung Quốc đã bị thâm hụt đầu tư lần đầu tiên khi căng thẳng với Mỹ leo thang và các nước phương Tây rút lui khỏi các hoạt động kinh doanh.
4. Tập trung sai lĩnh vực
Cựu CEO Google cho biết Trung Quốc đang tập trung xây dựng các công ty ứng dụng vì lợi nhuận mà cuối cùng có thể thành công. Thế nhưng, họ không tập trung vào nền tảng, ông lập luận.
"3 hoặc 4 trong số các ứng dụng hàng đầu ở Mỹ thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng hiện tại, vị trí dẫn đầu thuộc về Mỹ", Schmidt nói.
Dù các ứng dụng như TikTok có thể thành công, một số chuyên gia trong ngành lại cho rằng Trung Quốc đang tụt hậu trong các mô hình AI nền tảng, theo CNBC.
"Chúng ta nên rất tự hào về vị trí của mình hiện tại. Nước Mỹ đã tiên phong cho tương lai này, tương lai của AI, máy tính lượng tử và các công nghệ khác đang được nhiều người bàn tán. Chúng ta có cơ hội thống trị thế giới trong 10 đến 20 năm tới nếu thực hiện đúng", Schmidt tuyên bố.